Điểm yếu trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Thứ sáu, ngày 19/04/2024 06:52 AM (GMT+7)
Trong tương lai gần, nhu cầu về nhân lực ngành bán dẫn sẽ tăng đột biến, tuy nhiên công tác đào tạo nhân lực ngành này còn rời rạc và chưa đồng bộ.
Bình luận 0

Viết bài phát biểu bằng ChatGPT

Là địa phương có nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, Bắc Giang phấn đấu nâng hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu, trọng tâm là tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Với mục đích đó, ngày 16/4, Hội thảo về thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn đã được Bắc Giang tổ chức.

Hội thảo có sự tham gia của gần 30 đơn vị đại diện cho các cơ quan Nhà nước, trường học và nhiều công ty, doanh nghiệp có chung mối quan tâm.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, để có trải nghiệm thực tế trước khi tới hội thảo này, bản thân ông đã thử test sức mạnh trí tuệ nhân tạo qua việc “nhờ” ChatGPT viết bài phát biểu khai mạc hội thảo. Kết quả, ChatGPT viết bài phát biểu tương đối đầy đủ chỉ trong 42 giây.

Bài phát biểu có đoạn: “Chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, giữ chân các chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm từ Trung ương và các doanh nghiệp quốc tế. Sự đa dạng về kiến thức, kinh nghiệm và quốc gia sẽ là nguồn lực quý báu giúp cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Bắc Giang phát triển mạnh mẽ, bền vững…”.

Từ những trải nghiệm, ông Mai Sơn khẳng định Bắc Giang dứt khoát phải tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào chuỗi giá trị ngành bán dẫn cũng như trí tuệ nhân tạo. Đến nay, Bắc Giang đã đón hơn 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các nhà máy, dự án trên địa bàn.

Trong đó Hàn Quốc đứng đầu với 345 dự án đầu tư, đứng thứ hai về tổng vốn đăng ký đầu tư. Các doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của khối FDI toàn tỉnh Bắc Giang, 30% giá trị xuất nhập khẩu, 21,3% đóng góp vào ngân sách Nhà nước, chiếm 25,3% số lao động trong các doanh nghiệp.

Ông Chung Won Seok, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina nói, ngành bán dẫn đang khởi sắc, đến tháng 4/2024 doanh nghiệp của ông có trên 1.600 nhân sự, sản xuất 100 triệu chip/tháng, là một trong những nhà máy năng động nhất miền Bắc về ngành này.

Nói về chất lượng nguồn nhân lực, ông Chung Won Seok cho rằng năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam còn phải cải thiện. Ví dụ, kỹ sư thiết bị mất khoảng 3 năm để đạt trình độ B để bảo dưỡng thiết bị, thay đổi loại sản phẩm, hiểu các công đoạn. Với vị trí phát hiện hỏng hóc, nhân viên Việt Nam được 30 điểm thì Trung Quốc, Hàn Quốc đạt lần lượt 70, 90 điểm.

Tuy nhiên, ông Chung Won Seok tin tưởng rằng, Việt Nam còn tiến xa, nhanh hơn nữa. Lãnh đạo doanh nghiệp này gợi ý các nhà trường tăng cường đào tạo ý thức, kỹ năng nghề, giới thiệu sinh viên có năng lực tham gia thực tập, làm việc lâu dài ở công ty sau khi tốt nghiệp.

Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, tỉnh có 3 doanh nghiệp về sản xuất chất bán dẫn gồm Công ty TNHH Hana Micron Vina (vốn Hàn Quốc, đăng ký 643 triệu USD), Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (vốn Hàn Quốc, đăng ký 299 triệu USD), Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam (vốn Pháp, đăng ký 21,2 triệu USD).

Số lao động tại các doanh nghiệp trên 8.000 người, độ tuổi dưới 35 lên tới gần 6.700 người. Vị trí chủ yếu là tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa.

Ông Ngọc thẳng thắn nhìn nhận: “Lao động Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu nên doanh nghiệp phải đào tạo lại 1 - 3 tháng, để thành thạo, làm việc chủ động, độc lập cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm. Dự báo giai đoạn 2025 - 2030, nhu cầu doanh nghiệp khoảng 6.300 người.

Các trường đại học, cao đẳng cần phối hợp với doanh nghiệp, xây dựng khung chương trình, kiến thức và đưa sinh viên tham quan, thực tập. Ngược lại, doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường qua góp ý chương trình đào tạo, hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, học bổng cho sinh viên hoặc cử chuyên gia, công nhân lành nghề”.

Điểm yếu trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn- Ảnh 1.

Ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành bán dẫn giữa doanh nghiệp và trường học.

Nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn lớn

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, ngoài thiết kế, sản xuất, ngành sản xuất bán dẫn cần nhân lực từ ngành công nghiệp phụ trợ, dây chuyền, robot, xử lý môi trường bên ngoài.

Với mục tiêu 50.000 nhân lực ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn đến 2030, ông Việt Anh nhấn mạnh, các trường đại học lớn trên cả nước cần hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực. Các địa phương có chính sách đặc thù thu hút nhân sự có trình độ cao.

Trường hợp rút ngắn thời gian, chính quyền tỉnh có thể cử người học các khóa học văn bằng hai, chương trình ngành gần… Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội hiện nay đã có các ngành như điện tử viễn thông, thiết kế vi mạch, tự động hóa, dự kiến đáp ứng 20.000 nhân sự.

Còn ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thì phân tích, Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc - các nước có ngành công nghiệp bán dẫn, cần nhiều nhân lực. Đây là cơ hội để chúng ta phát triển nguồn lao động, kỹ sư chất lượng cao. Năm 2030, cả nước đặt mục tiêu 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn, Bắc Giang cần nắm bắt, hình thành Trung tâm Công nghiệp bán dẫn của phía Bắc.

Ông Hoài đánh giá, chương trình đào tạo hiện nay chưa nhất quán, chưa chuẩn quốc tế do ngành bán dẫn mới, cần tăng cường phối hợp các bên. Do đó, việc hợp tác quốc tế, chuẩn hóa quy trình đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, đầu tư máy móc, cơ sở vật chất, thu hút nguồn lực từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), thành lập trung tâm bán dẫn tại địa phương là rất quan trọng.

Bắc Giang có lực lượng lao động dồi dào, tỉnh đã tổ chức 4 đoàn công tác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến các địa phương để tuyển lao động. Bắc Giang cam kết không cắt điện trong bất cứ tình huống nào đối với ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử. Bắc Giang quan tâm câu chuyện thể chế, tập trung cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền mạnh mẽ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Mai Sơn khẳng định: Bắc Giang luôn quan tâm đến đào tạo nghề. Năm 2023 vừa qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo của cả nước là 68% thì tỷ lệ của Bắc Giang là 76%, trong đó tỷ lệ được cấp chứng chỉ trong tỉnh lên tới 33%, còn cả nước là 27%.

Bắc Giang đã đào tạo được nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn và sẽ mở rộng ra các trường cao đẳng khác để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Việc ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục trên địa bàn là tiền đề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, đáp ứng nhu cầu ngành bán dẫn tại Việt Nam. Về lâu dài, tỉnh Bắc Giang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực, phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn của cả nước.

Đăng Chung (giaoducthoidai.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem