Đam mê làm nên kỳ tích của nam sinh phổ thông phát hiện loài cua nước ngọt mới tại Việt Nam

Trung Hiếu - Thùy Anh Thứ năm, ngày 18/04/2024 13:00 PM (GMT+7)
Em Đặng Quang Khải, học sinh lớp 12, trường Vinschool Smart City (Hà Nội) chọn cho mình thú vui nghiên cứu về các loài động vật. Mới đây, Khải cùng các cộng sự đã phát hiện một loài cua nước ngọt mới tại Việt Nam. Đây là loài mới được công bố lần đầu trên thế giới.
Bình luận 0

Sự thật thú vị về nam sinh phổ thông phát hiện loài cua nước ngọt mới tại Việt Nam. Clip: Trung Hiếu

Nam sinh phổ thông phát hiện loài cua nước ngọt mới tại Việt Nam

Ngày 16 tháng 04 năm 2024, tạp chí khoa học về động vật Zootaxa thuộc hệ thống ISI (tập hợp của sự phân loại minh bạch, với tổng cộng khoảng 10.000 Tạp chí khoa học có chất lượng cao, trong tổng số hàng triệu tạp chí thông thường trên thế giới) đã công bố chính thức về một loài cua nước ngọt mới (tên khoa học: Indochinamon datii) được phát hiện tại Việt Nam. 

Bài báo công bố hơn 10 trang được viết chính bởi Đặng Quang Khải, học sinh lớp 12 và tác giả phụ là Hoàng Trâm Anh học sinh lớp 9, cùng giáo viên hướng dẫn, chuyên gia Đỗ Mạnh Cường. Tài liệu số: ISSUE: VOL. 5437 NO. 4: 16 APR. 2024. Loài mới mang tên Phạm Bá Minh Đạt, một thành viên tham gia Experta (nhóm nghiên cứu) từ những ngày đầu.

Hẹn gặp Quang Khải không khó khi phóng viên giới thiệu bản thân cũng là người có tình yêu to lớn với động vật. Căn phòng nhỏ chừng 10m2 với những chiếc bể kính, khay, bình lớn nhỏ được Khải sắp xếp gọn gàng để nuôi thêm những “người bạn” đặc biệt như ốc, cá, cua… Tần ngần một lúc lâu khi quan sát từng chú cá lượn lờ, vẫy chiếc đuôi xinh xắn quanh các con ốc nhỏ xinh, bên cạnh là chiếc chậu nhựa màu xanh được Khải đậy kỹ càng bằng tấm lưới sắt để phòng những chú cua không “chạy nhảy” khắp nhà..., phóng viên cảm nhận được niềm say mê nghiên cứu các con vật của cậu học sinh lớp 12.

Chỉ tay vào tiêu bản cua được đặt trong một chiếc hộp tại góc học tập, Khải hào hứng chia sẻ: “Đây chính là ‘anh bạn’ cùng loại với loài cua nước ngọt mới trong nghiên cứu vừa rồi của em. Hình thái bên ngoài của các loài cua khá giống nhau. Tuy nhiên, có thể phân biệt loài mới với các loài khác bằng đặc điểm mai, telson và tuyến sinh dục đực đầu tiên”.

Quang Khải cho biết, trong quá trình nghiên cứu, em đã phải đọc hết 40 tài liệu bằng tiếng Anh và tên thuật ngữ là tiếng Latin để so sánh, xác minh loài cua mới. Ảnh: Trung Hiếu

Quang Khải cho biết, trong quá trình nghiên cứu, em đã phải đọc hết 40 tài liệu bằng tiếng Anh và tên thuật ngữ là tiếng Latin để so sánh, xác minh loài cua mới. Ảnh: Trung Hiếu

Nhớ về ngày đầu “bén duyên” với loài cua mới, Quang Khải cho biết, trong chuyến đi vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ vào mùa hè năm 2022, nhóm nghiên cứu của Khải đã phát hiện ra mẫu cua đặc biệt. Tuy mẫu cua không còn đủ chân, nhưng là một phát hiện hiếm hoi. “Những con cua này được dân địa phương bắt và bán ven đường như một thứ ‘quà’ từ thiên nhiên cho khách du lịch” - Khải nói.

Bằng ánh mắt say sưa, Quang Khải kể về quá trình nghiên cứu loài cua mới của bản thân: “Để mô tả loài cua mới, nhiều mẫu vật cần được thu thập thêm và so sánh, nên nhóm chúng em đã trở lại Xuân Sơn nhiều lần sau đó. Khi đã có mẫu chuẩn, em sẽ phải chụp ảnh các góc của cua, bao gồm cả bộ phận bên trong yếm của con đực, từ đó so sánh với ảnh đã công bố của các loài khác. Tới khi tìm được điểm khác biệt, em mới bắt đầu viết. Sau rất nhiều lần sửa, biên tập, đọc duyệt và phản biện từ các chuyên gia về cua hàng đầu thế giới, cuối cùng bài báo đã được chính thức chấp nhận vào cuối tháng 3 và bản thảo trước in đã được gửi lại vào tháng 4”.

Tâm sự về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu loài cua Indochinamon datii, chàng trai 18 tuổi cho hay: “Khó khăn đầu tiên của em nằm ở chỗ em là học sinh. Thứ hai, vì loài cua khá giống nhau và đã có 40 công bố về loài lân cận so với loài cua mới nên em cũng khó khăn trong quá trình nghiên cứu. Em cần phải đọc hết tài liệu về 40 loài trên để so sánh, từ đó mới xác định ra loài mới. 40 tài liệu mà em đọc đều được viết bằng tiếng Anh và tên thuật ngữ là tiếng Latin. Đặc biệt, để có kết quả như hôm nay thì em đã làm việc với biên tập và các chuyên gia phản biện của thế giới, đó cũng là một thử thách đối với em”.

“Ngoài ra, có một trở ngại nữa chính là mùi của cua, bởi vì khi cua chết sẽ có mùi rất nồng và sau khi ngâm cồn thì mùi còn có phần ‘ám ảnh’ hơn nữa, nhưng mà giờ em đã quen với mùi đó rồi” (cười), Khải tiếp lời.

Quang Khải hy vọng sẽ có thêm nhiều khảo sát, nghiên cứu về loài cua mới này để mọi người có giải pháp bảo vệ hoặc khai thác hợp lý. Ảnh: Trung Hiếu

Quang Khải hy vọng sẽ có thêm nhiều khảo sát, nghiên cứu về loài cua mới này để mọi người có giải pháp bảo vệ hoặc khai thác hợp lý. Ảnh: Trung Hiếu

Khi được hỏi về điều khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc nhất sau quá trình nghiên cứu, phát hiện và công bố loài cua mới, Quang Khải đáp: “Sau khi bài báo khoa học về loài cua mới được đăng, em thấy rất vui vì em đã dùng nhiều công sức trong khoảng thời gian dài hơn một năm cho bài báo đó. Em hy vọng sẽ có thêm nhiều khảo sát, nghiên cứu về loài cua mới này để mọi người có giải pháp bảo vệ hoặc khai thác hợp lý. Ngoài ra, từ trải nghiệm lần này, em đã biết thêm về quy trình xét duyệt của tạp chí và biết được dạng thức của bài báo khoa học để ứng dụng cho các bài sau”.

Theo lời kể của ông Đỗ Mạnh Cương, một chuyên gia sinh học - người trực tiếp đồng hành và hỗ trợ về mặt phương pháp và chuyên môn cho Khải trong quá trình nghiên cứu, ông Cương cho hay: “Thực sự rất hiếm có học sinh nào có niềm đam mê về sinh học như Khải. Khải có tố chất nghiên cứu, có kiến thức và phương pháp nghiên cứu. Với khả năng của Khải, em đủ trình độ để tự nghiên cứu một đề tài. Tuy nhiên, tôi gặp Khải khi đã học lớp 10, chỉ còn hơn 1 năm nữa cho đề tài vì sẽ phải thi tốt nghiệp và học đại học. Do đó, tôi lựa chọn cho Khải nghiên cứu về một loài kích thước nhìn được, không đòi hỏi thiết bị đặc thù, vòng đời ngắn, mẫu sẵn có và dễ tìm, đó là cua nước ngọt”.

Nam sinh phổ thông phát hiện loài cua nước ngọt mới tại Việt Nam: Bắt nguồn từ đam mê tuổi ấu thơ

Trò chuyện cùng bố mẹ của Khải, phóng viên được biết, gia đình em không ai nghiên cứu về sinh học. Tuy nhiên, theo lời kể của ông Đặng Vân Phúc (bố của Khải), ngay từ khi 6 tuổi, hàng ngày được vào vườn Bách thảo chơi, Khải đã bị thu hút bởi các loài cây, các động vật cùng sinh vật côn trùng li ti. Cùng lúc này, Khải được bố mua cho hai cuốn từ điển bằng hình về động vật và thực vật, hai cuốn sách này đã đi theo em tới tận hôm nay.

“Khải đặc biệt chú ý và đam mê hàng giờ với các sinh vật, cây cỏ. Luôn trong tay có chai nhựa để bắt nòng nọc, ốc, cá con, sâu hay bọ mà Khải bắt được từ hồ, mương hay bụi cây”, bà Đỗ Thị Mai Hương (mẹ của Khải) kể.

Theo ông Phúc, ngay từ khi 6 tuổi, Khải đã bị thu hút bởi các loài cây, các động vật cùng sinh vật côn trùng li ti. Ảnh: NVCC

Theo ông Phúc, ngay từ khi 6 tuổi, Khải đã bị thu hút bởi các loài cây, các động vật cùng sinh vật côn trùng li ti. Ảnh: NVCC

Nhà ở phố, bé và chật, Đặng Quang Khải nuôi những con bắt được trong các hộp nhựa và chậu cây Tết bỏ đi. Nòng nọc lớn, đứt đuôi rồi mọc chân thành nhái nhảy ra sân. Cá cảnh lớn rồi đẻ trứng, nở cá con. Sâu đóng kén rồi thành bướm. Rong rêu, dương xỉ được ươm ở góc sân. “Cuối mỗi năm học, cô giáo từ lớp 3 trở đi, luôn phê cuối sổ là con rất yêu thích các con côn trùng hay những con vật nhỏ bé…”, bà Hương tiếp lời.

“Niềm đam mê với các loài sinh vật nhỏ bé được duy trì trong em suốt 12 năm”, đó là lời tâm sự của Khải. Khi quan sát những tấm ảnh kỷ niệm trong điện thoại được bố mẹ em giới thiệu, phóng viên nhận thấy, ở mọi chuyến đi dã ngoại, nghỉ hè, về quê hay cùng lớp đi chơi, suốt nhiều năm, trong tay Đặng Quang Khải luôn có dụng cụ như chai lọ và vợt để bắt côn trùng nghiên cứu.

Trong các chuyến đi dã ngoại, nghỉ hè, về quê hay đi chơi, trong tay Quang Khải luôn có dụng cụ như chai lọ và vợt để bắt côn trùng nghiên cứu. Ảnh: NVCC

Trong các chuyến đi dã ngoại, nghỉ hè, về quê hay đi chơi, trong tay Quang Khải luôn có dụng cụ như chai lọ và vợt để bắt côn trùng nghiên cứu. Ảnh: NVCC

Ông Phúc chia sẻ: “Thật ra, lĩnh vực mà Khải đang theo đuổi cũng là đam mê của tôi ngày nhỏ. Tôi rất thích sưu tầm, nghiên cứu và tìm hiểu, cho nên mọi người đều nói là Khải cũng giống tôi. Chính vì vậy, tôi không có lý do gì để phản đối việc Khải theo đuổi ước mơ, tôi hoàn toàn ủng hộ. Biết là việc con vừa học, vừa nghiên cứu sẽ khiến quỹ thời gian của con bị hạn chế, tôi cùng mẹ của Khải cũng luôn nhắc nhở con phải đi ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe”.

Về phía Quang Khải, chàng trai 18 tuổi cho biết, nhận được sự ủng hộ tối đa từ phía gia đình, Khải sẽ cố gắng để thực hiện được những dự định trong tương lai, làm “món quà tinh thần” gửi tặng người thân: “Mong muốn của em là theo học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, khoa Sinh học, em cũng khá tự tin với quyết định này. Song song với đó, em sẽ cố gắng để đi đến thật nhiều nơi, tìm nhiều loài vật mới về nghiên cứu và viết bài”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem