Diễn biến mới vụ đi lấy mẫu, xét nghiệm ADN bò để xử lý tranh chấp

Cảnh Thắng Thứ sáu, ngày 15/03/2019 06:12 AM (GMT+7)
Trong quá trình xét xử, cả nguyên đơn và bị đơn đều đưa ra những bằng chứng khác nhau để khẳng định con bò là quyền sở hữu tài sản của gia đình mình.
Bình luận 0

Giống như trường hợp của chị Lương Thị Thúy (SN 1971, trú tại bản Na Ngân, xã Nga My, huyện Tương Dương) gửi đơn kiện gia đình anh Kha Văn Tuấn (SN 1969, trú cùng bản) vì tranh chấp một con bò và phải xét nghiệm ADN để phân biệt xem bò của nhà ai. Trường hợp của gia đình ông Vang Văn Dũng (trú tại bản Cánh Tráp, xã Tam Thải, Tương Dương) cũng tương tự.

Ông Dũng có đơn gửi tòa án đề nghị giải quyết vụ tranh chấp bò với ông Lô Văn Xuân (trú tại bản Lũng, xã Tam Thái). Sau nhiều lần hòa giải bất thành, vụ án đưa ra xét xử theo cách xét nghiệm ADN để xác định huyết thống của bò. Kết quả, ông Dũng thua kiện, phải chịu chi phí xét nghiệm ADN hơn 10 triệu đồng cùng tiền án phí.

img

Hai con bò được các bên đưa đi lấy mẫu để xét nghiệm ADN nhằm giải quyết tranh chấp. Ảnh: Cảnh Thắng

Trao đổi Dân Việt, ông Hoàng Văn Cường - Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Tương Dương cho biết: “Sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản là một con bò của các đương sự, chúng tôi đã tiến hành cử người xuống thôn bản, cùng đại diện thú y, viện kiểm soát, trưởng bản, lãnh đạo xã, phòng nông nghiệp huyện để tiến hành hòa giải. Khi hòa giải bất thành, chúng tôi mới giải quyết mâu thuẫn bằng việc mở tòa”.

“Điều chúng tôi băn khoăn nhất là các đương sự không giải quyết được tranh chấp, yêu cầu tòa lấy mẫu ADN đi giám định để xác định được nguồn gốc con bò. Tiền chi phí giám định rất cao, thậm chí nhiều hơn tiền con bò khởi kiện nhưng người dân vẫn kiên quyết yêu cầu. Chúng tôi phải tiến hành thôi”, ông Cường cho hay.

Muốn lấy mẫu giám định, đoàn phải dùng tới 3 cái kéo với 3 màu khác nhau: Kéo màu đỏ, kí hiệu M1 cắt mẫu tai (con bò bị kiện) bỏ vào lọ thủy tinh có cồn; tiếp đến dùng kéo màu xanh, kí hiệu M2 cắt 1 mẫu mô tai con bò được cho là bò mẹ rồi bỏ vào lọ thủy tinh có cồn. Sau cùng là dùng kéo màu đen, kí hiệu M3 cắt 1 mẫu mô tai con bò mẹ khác mà bị đơn cấp rồi bỏ vào lọ thủy tinh có cồn. Sau khi lấy mẫu xong, mẫu sẽ được niêm phong, có chữ ký của nguyên đơn, bị đơn và những người liên quan. Mẫu được gửi ra Hà Nội để tiến hành xét nghiệm ADN, 30 ngày sau cho kết quả.

img

Tòa án nhân dân huyện Tương Dương nơi đang thụ lý và giải quyết 8 vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản là bò. Ảnh: Cảnh Thắng

“Sau khi có kết quả mẫu xét nghiệm ADN, tất cả những đương sự đều phải đồng tình với kết quả, tự nguyện thỏa thuận với nhau để thi hành án. Không có vụ án nào các đương sự kháng cáo”, ông Moong Công Hải - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tương Dương nói.

“Đặc thù bà con người dân tộc thiểu số luôn thả rông trâu bò, để xử lý những vụ việc như thế này, cán bộ huyện phải xuống tận nơi, làm một cách tỉ mỉ. Có vụ, tôi còn chỉ đạo những cơ quan liên quan làm thận trọng để làm sao bà con tâm phục khẩu phục”, ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương (Nghệ An).
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem