Diễn biến mới vụ giáo viên sang Lào dạy tình nguyện trở về không được tuyển đặc cách

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 09/09/2022 06:59 AM (GMT+7)
Sau khi nhận được trả lời của Bộ Nội vụ về trường hợp 3 giáo viên được cử sang Lào dạy tình nguyện, khi trở về không được tuyển đặc cách, UBND tỉnh Quảng Trị đang chỉ đạo tìm phương án giải quyết.
Bình luận 0

Ngày 9/9, ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi nhận được trả lời của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh này đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp Sở GDĐT và UBND các địa phương khẩn trương tham mưu phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân và đúng theo các quy định của pháp luật. Hiện nay, các cơ quan trên đang tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Diễn biến mới vụ giáo viên sang Lào dạy tình nguyện trở về không được tuyển đặc cách - Ảnh 1.

Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, các cơ quan, địa phương liên quan đang tìm giải pháp, tham mưu UBND tỉnh giải quyết cho 3 giáo viên. Ảnh: Ngọc Vũ.

Như Dân Việt đã đưa tin, năm 2018, có 3 giáo viên ở Quảng Trị được UBND tỉnh Quảng Trị cử sang tỉnh Savannakhet (Lào) giảng dạy.

Các cô giáo sang Lào dựa trên quyết định số 10/2014/QĐ của UBND tỉnh Quảng Trị ký ngày 27/2/2014 (gọi là QĐ 10). QĐ 10 quy định, đối tượng được xét tuyển đặc cách là người được UBND tỉnh cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất 3 năm ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước.

Vì dịch Covid-19, nên 3 cô giáo chỉ giảng dạy được 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020, đã được Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Trị xét tuyển đặc cách cho các cô. Vậy mà, hơn 2 năm trôi qua, 3 cô giáo vẫn chưa được tuyển dụng.

Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết, trước đây theo Nghị định 29/2012 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành và thực hiện QĐ 10. Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 161/2018 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND ngày 9/7/2019 (QĐ 31) để thay thế QĐ 10. Hơn nữa, sau này còn có Nghị định 115/2020 của Chính phủ. Chiếu theo các nghị định, quyết định trên, 3 cô giáo không thuộc đối tượng được tuyển đặc cách, mà phải tuyển bình thường.

Diễn biến mới vụ giáo viên sang Lào dạy tình nguyện trở về không được tuyển đặc cách - Ảnh 2.

Văn bản trả lời của Bộ Nội vụ. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tuy nhiên, theo văn bản 4015/BNV – CCVC do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long ký, quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016) thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định chính sách thu hút, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại địa phương phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương và quy định của cơ quan nhà nước cấp trên.

Quy định của Chính phủ về tiếp nhận viên chức (tuyển dụng đặc cách không qua thi tuyển) tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, sau được thay thế tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đều cho phép đối tượng có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ thì được xem xét, tiếp nhận.

Như vậy, việc UBND tỉnh Quảng Trị ban hành QĐ 31 bãi bỏ QĐ 10 để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, không phải do có sự thay đổi quy định của Chính phủ về tiếp nhận viên chức như báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị.

Diễn biến mới vụ giáo viên sang Lào dạy tình nguyện trở về không được tuyển đặc cách - Ảnh 3.

Chị Phan Thị Thuỳ Dung (SN 1990, trú huyện Vĩnh Linh) tin rằng, với sự ủng hộ của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ có phương án tối ưu, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho chị và 2 người khác, để họ được trở lại làm giáo viên. "Làm nhà giáo là ước mơ từ nhỏ cho tới nay của tôi, chưa bao giờ phôi phai" - chị Dung tâm sự.

Đối với các trường hợp giáo viên đã được UBND tỉnh Quảng Trị cử tham gia giảng dạy nghĩa vụ tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nhưng chưa được tuyển dụng viên chức do có thay đổi về chính sách của tỉnh Quảng Trị, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh khẩn trương có phương án giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Trao đổi với PV Dân Việt, một cán bộ thuộc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết, việc tuyển dụng 3 giáo viên trên đang gặp khó vì vướng quy định, thiếu chỉ tiêu, các cô giáo không đóng bảo hiểm xã hội.

Trong khi đó, cô giáo Phan Thị Thuỳ Dung (SN 1990, trú huyện Vĩnh Linh) – 1 trong 3 giáo viên trong vụ việc cho hay, khi được cử sang Lào dạy học, các giáo viên đã hỏi cơ quan liên quan, xin được đóng bảo hiểm xã hội nhưng bị từ chối vì lý do chưa đủ điều kiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem