Diễn đàn Davos và con đường phát triển của doanh nghiệp Việt

Hoàng Dũng Thứ ba, ngày 26/01/2016 09:50 AM (GMT+7)
Diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới WEF đã khai mạc tại thành phố Davos (Thụy Sĩ), bàn về những vấn đề quan trọng của thương mại toàn cầu. Việt Nam đang ở đâu trên trong bức tranh kinh tế thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay. Diễn đàn Davos đã gợi nên nhiều suy nghĩ về những lựa chọn và con đường phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Bình luận 0

Việt  Nam và những kỳ vọng

Trước sự chứng kiến của 40 nguyên thủ quốc gia và hơn 2.500 quan khách, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 bắt đầu với thông điệp: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cách mạng tự động hóa sản xuất có thể làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế thế giới.

Các đại biểu đã bàn về việc hàng triệu lao động có thể mất việc làm vào tay của rô-bốt, những làn sóng công nghệ có thể tiếp tục làm cho người giàu ngày càng giàu hơn và người nghèo ngày càng nghèo hơn trên thế giới. Một nội dung thảo luận nữa là những sự chuyển biến ngày càng nhanh của phân công lao động trên thế giới trong chuỗi giá trị toàn cầu.

img

Diễn đàn kinh tê thế giới lần thứ 46 khai mạc tại Davos (Thụy Sỹ) từ ngày 20.1. Ảnh: AFP

Trong đó, vai trò mới nổi lên của các hiệp ước kinh tế đa phương, trọng điểm là Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Những va đập về quyền lợi giữa “nhóm lợi ích TPP” của các nước thành viên TPP và các nước khác, nhất là với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc, là một trong những thảo luận quan trọng.

Tất nhiên, cái tên Việt Nam cũng được nhắc đến với nhiều kỳ vọng: Một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu để cung ứng các sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp, vải sợi, giày dép và thủy hải sản? Một cảng biển với những nhà máy sản xuất công nghệ cao?

Một nguồn cung cấp lao động có tay nghề chuyên môn tốt? Và hơn hết, khi đã gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), một cộng đồng đang đặt mục tiêu “kéo” trình độ tiêu dùng, thương mại và đời sống của người dân các nước thành viên lên bằng nhau, thì Việt Nam đang hoạch định điều gì?

Những câu chuyện về Việt Nam làm phát sinh nhiều nghi ngại về việc thích ứng trước một nền kinh tế thế giới đang thay đổi quá nhanh? Liệu doanh nghiệp của chúng ta có tìm được cách chen vào chuỗi giá trị toàn cầu? Và liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp mới hay chỉ quan niệm rằng, cứ đi từ thái cực xuất khẩu nguyên liệu thô và gia công đến thái cực tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh để bán thẳng vào thị trường toàn cầu?

Đó thật sự là một cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư.

Phải tìm ra chỗ đứng của mình

Một công ty thức ăn chăn nuôi miền trung đã “làm tất niên” đúng vào dịp khai mạc diễn đàn kinh tế Davos và đã mời tất cả đại lý, chủ trang trại lớn khu vực miền trung đến dự, coi như vừa tổng kết, vừa hội nghị khách hàng, vừa công bố kế hoạch năm mới. Như hầu hết các cuộc tất niên, doanh số được báo cáo tăng trưởng mạnh, thị trường chăn nuôi miền trung đang khởi sắc và năm vừa qua, công ty đã và đang có nhiều đóng góp vào ngành công nghiệp có giá trị đến hơn sáu tỷ USD này của Việt Nam.

img

Sáu tỷ USD, con số không hề nhỏ của ngành chế biến thức ăn chăn nuôi. Nhưng cấu thành để tạo nên các sản phẩm đó thì có đến 1/3 lại là nguyên liệu nhập khẩu, từ bắp, bã đậu nành, bánh dầu và vài phụ liệu khác. Như vậy, phần giá trị gia tăng của Việt Nam tạo ra lại không nhiều. Lý do có phần do chúng ta chưa có được chiến lược phát triển những loại cây nguyên liệu như nêu trên, cho nên giá thành không thể cạnh tranh lại các nước trồng các loại cây này theo quy mô công nghiệp. Thực tế cho thấy, một phần của ngành nông nghiệp của Việt Nam đã và đang phụ thuộc vào nhập khẩu!

Tương tự như thức ăn chăn nuôi, ngành mía đường cũng gặp nhiều thách thức. Doanh số các doanh nghiệp trong ngành vẫn ổn, tăng trưởng vẫn đều. Nhưng vì một số nguyên nhân mà giá đường của chúng ta lại luôn cao hơn, ít nhất là so với Thái Lan. Đã có lúc, chúng ta phải dùng quota (hạn ngạch) để kiểm soát lượng đường nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và bảo hộ ngành chế biến đường ở Việt Nam.

Những thí dụ như trên còn có thể kể ra rất nhiều: thịt gà phải nhập từ Mỹ vì giá thành sản phẩm rẻ hơn; thịt bò phải nhập từ Australia vì năng suất chúng ta không bằng; muốn sản xuất sữa đậu nành cũng phải nhập nguyên liệu, bột sữa cũng phải nhập. Ngay cả một ngành được cho là mũi nhọn, chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt may, thì 97% nguyên liệu bông để tạo ra sợi, chuẩn bị cho công nghiệp dệt cũng phải nhập khẩu… Những thực tế này, đã ảnh hưởng không nhỏ, tác động tiêu cực đến kinh doanh, sản xuất và làm mất thế chủ động của Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Vậy, Việt Nam phải làm gì trong nền kinh tế thị trường mở như hiện nay?

Không thể bức bách doanh nghiệp ngành chăn nuôi phải mua nguyên liệu bắp của nông dân Việt Nam với giá cao hơn bên ngoài được. Cũng không thể cấm nhập khẩu đường nguyên liệu từ các quốc gia lân cận đối với các doanh nghiệp ngành thực phẩm được. Chỉ có một phương thức phải làm và cần nhanh chóng triển khai là phải tìm ra được chỗ đứng của mình trong một chuỗi giá trị toàn cầu ngành ngày càng phức tạp và rộng mở hơn.

Nỗi lo lắng về bài toán nông nghiệp

Chuyện ở Davos và bài toán nông nghiệp Việt Nam đang có chung một lo lắng: Liệu doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội có đang “mở cửa tư duy”, nhận thức rõ về “luật chơi”, để kịp tham gia vào chuỗi giá trị thế giới đang ngày càng được chuyên môn hóa cao không?

Chúng ta dễ dàng chấp nhận một chiếc điện thoại iPhone của Apple được sản xuất tại Trung Quốc theo quy chuẩn, công thức và công nghệ của công ty công nghệ hàng đầu thế giới này. Tại Mỹ, khi mua các sản phẩm may mặc của những thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Puma… đa phần đều có xuất xứ là Trung Quốc hoặc Việt Nam. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chỉ ghi “làm bởi chúng tôi”, còn làm bằng nguyên liệu gì, ở đâu, là câu chuyện nội bộ. Họ sử dụng tên tuổi và uy tín, trách nhiệm của mình trong việc chọn lựa nhà cung ứng, đơn vị gia công để bảo đảm mọi sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp mình, thường là cao hơn tiêu chuẩn chung của cơ quan chức năng.

Nền kinh tế thị trường đã lan tỏa rộng khắp để người tiêu dùng có thể lựa chọn được các sản phẩm có chất lượng tốt và phù hợp với túi tiền của mình. Và các công ty sản xuất kinh doanh cũng có nhiều sự lựa chọn hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình qua chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong quá trình đổi mới và hội nhập hơn 30 năm nay, thương mại quốc tế của Việt Nam luôn tăng trưởng tốt cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Và gần đây, thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta vẫn là Hoa Kỳ và nhập khẩu lớn nhất vẫn là từ Trung Quốc. Theo thống kê năm 2015, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam và xu hướng gia tăng hàng năm, bao gồm trang thiết bị, máy móc, nhưng đa phần là nguyên phụ liệu và các sản phẩm khác. Với tỷ trọng nhập khẩu như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là một dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế.

Nhìn thẳng vào thực tế

Câu chuyện của một nền kinh tế tự chủ không lệ thuộc trong bối cảnh hội nhập là thông điệp đã được nhắc đến trong suốt quá trình chuẩn bị ra biển lớn trong nhiều năm nay. Nhưng vì sao chúng ta chưa thoát khỏi sự lựa chọn này? Vấn đề chất lượng, giá thành để tạo ra năng lực cạnh tranh trên chính thị trường của mình được nhắc đến nhiều nhưng vẫn chưa có lời giải cụ thể.

Việt Nam có thể trồng được bắp, đậu nành, cam… nhưng cứ phải đi nhập khẩu các nguyên liệu này về để sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng? Chỉ có một lý do: kinh tế thị trường, nhà sản xuất phải lựa chọn điều gì mang lại giá trị kinh tế nhất cho mình. Ngay cả cấu thành trong bài toán xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI (đầu tư nước ngoài) – vốn chiếm đến hơn 99% trong thặng dư xuất khẩu năm 2015, cũng có nguyên vật liệu từ Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam và cả FDI đã nhận ra điều này, và cố gắng liên kết, cùng nhau tạo ra quy mô sản xuất nguyên liệu đầu vào để bớt lệ thuộc vào nguồn cung ứng ở chỉ một quốc gia, nhưng những nỗ lực có phần còn ít trong bức tranh thương mại hiện nay. Chi phí phí sản xuất chế biến ra sản phẩm của chúng ta vẫn còn cao. Muốn thay đổi điều này, chúng ta phải tự tìm nguồn hàng tốt hơn và làm sao cho chất lượng của chúng ta nâng lên, giá thành cạnh tranh hơn trong một thị trường hội nhập sâu và rộng.

Trong khi sự hội nhập thúc bách đang tạo ra những cải cách nền kinh tế trong nước để thuận theo các quy luật chung của kinh tế thị trường toàn cầu, thì tư duy hội nhập cần nhìn thẳng vào những thực tế và hiện trạng: Biết bao nhiêu doanh nghiệp của Việt Nam đang cố gắng tồn tại và phát triển phải lựa chọn thiết bị và hàng hóa trong hơn 49,3 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Chúng ta không thể quay lưng lại với họ một cách đầy cảm xúc.

Sự tồn tại, phát triển, tuân thủ pháp luật và kết quả kinh doanh lời lỗ là trách nhiệm của chính doanh nghiệp. Vì vậy, việc lựa chọn thị trường nào, nguồn cung ứng từ đâu là quyền của chính họ. Đây mới chính là nền kinh tế thị trường đúng với quy luật phát triển của thế giới.

“Biết tư duy đúng đắn và lựa chọn những điều tốt, thuận theo chất lượng cũng như năng lực cạnh tranh của từng quốc gia, để từ đó nâng dần năng lực sản xuất kinh doanh của chúng ta lên mới là một lựa chọn để bước chân vào thế giới mới hiện nay”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem