![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-01-21/1453387277-tr15-a1.jpg)
Diễn đàn WEF diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chậm lại. Ảnh: I.T
Tham dự diễn đàn năm nay có hơn 2.500 đại biểu đến từ 100 quốc gia, là đại diện của các chính phủ, tập đoàn, viện nghiên cứu, xã hội dân sự, truyền thông… Trong đó có Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống nước chủ nhà Johann Scheneider-Ammann…
Chủ đề chính của Diễn đàn năm nay là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với các cuộc thảo luận về cuộc cách mạng công nghệ, vật lý, số hóa và sinh học, đặc biệt là những tác động của chúng đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Mục tiêu của diễn đàn là xây dựng một nhận thức chung về những thay đổi nhanh chóng nêu trên, vốn là chìa khóa để định hình tương lai.
Nariman Behravesh - chuyên gia kinh tế của IHS nhận định, theo thông lệ của các kỳ Davos, chủ đề chính thường bị chìm lấp bởi các sự kiện trên thế giới. Năm nay, điều khiến cho tất cả mọi người phải chú ý là tăng trưởng Trung Quốc đang chậm lại.
Trung Quốc mới đây đã công bố tỷ lệ tăng trưởng năm 2015 là 6,9%, thấp nhất kể từ 25 năm qua. Tình trạng sa sút này cùng với sự yếu kém của các quốc gia mới trỗi dậy đã đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu, bên cạnh đó là thị trường tài chính chao đảo, giá dầu và nguyên vật liệu đang ở mức thấp nhất.
Diễn đàn diễn ra trong 3 ngày và sẽ kết thúc vào ngày 23.1, với hy vọng những vấn đề kinh tế cấp bách sẽ được giải quyết trong khuôn khổ diễn đàn.
Thụy Sĩ đã huy động 4.500 cảnh sát và nhân viên quân đội, chiếm 5% lược lượng binh sĩ của quốc gia này nhằm đảm bảo an ninh cho hội nghị. Ngoài ra, có khoảng 100 thành viên tham gia diễn đàn nhận được sự đảm bảo an ninh đặc biệt. Khu vực diễn ra hội nghị được bao bọc bởi 46km tường rào, tăng 10% so với năm 2015. Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, sân bay Zurich cam kết sẽ hỗ trợ để thêm 1.000 máy bay và trực thăng có thể cất và hạ cánh an toàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.