Diễn đàn nông nghiệp với quy mô lớn tại Việt Nam áp dụng công nghệ thực tế ảo sắp được tổ chức
Diễn đàn nông nghiệp với quy mô lớn tại Việt Nam áp dụng công nghệ thực tế ảo sắp được tổ chức
Ngọc Minh
Thứ bảy, ngày 11/09/2021 15:18 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên một diễn đàn nông nghiệp với quy mô lớn tại Việt Nam áp dụng công nghệ thực tế ảo được tổ chức. Đây cũng là cơ hội hợp tác, kết nối rộng rãi hơn trong đại dịch Covid-19 và tương lai.
Diễn đàn được Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và Báo điện tử VnExpress phối hợp tổ chức, với các hoạt động chính trong ngày 16/9 bao gồm hai phiên chuyên đề và một phiên toàn thể, thảo luận về các chủ đề: “Hoàn thiện Hệ sinh thái cho chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam”, “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa nông nghiệp Việt Nam”, “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19”.
Ông Trần Thanh Huân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) cho biết tại buổi họp báo, đây là diễn đàn đối thoại chính sách công tư để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến nghị giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và định hình chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam đến năm 2035 cũng như các chương trình hành động để đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về nông nghiệp số trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng sẽ tham dự và phát biểu tại diễn đàn; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước và quốc tế đến từ Nhật Bản, Hà Lan, Israel, Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn tài chính Quốc tế IFC...sẽ phát biểu tham luận.
Trả lời tại buổi họp báo, ông Ngô Mạnh Cường, đại diện VnExpress cho hay, đại dịch Covid-19 đang tạo ra sự đứt gãy trong nền kinh tế và nông nghiệp cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Khó khăn về kết nối, gặp gỡ, thương thảo,... đặt ra nhu cầu về một nền tảng có thể khắc phục bớt những hạn chế về khoảng cách thời gian và địa lý. Với diễn đàn lần này, các nhà phát triển công nghệ và ban tổ chức mong muốn đáp ứng phần nào những nhu cầu đó, đồng thời mở ra cơ hội ứng dụng hình thức tương tự với các lĩnh vực khác trong tương lai.
Sau hơn hai tháng khởi động, Triển lãm Quốc tế thực tế ảo Nông nghiệp Việt Nam, một hoạt động của diễn đàn, đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của rất nhiều đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp, với 200.000 lượt tham quan gian hàng, hàng trăm lượt đăng ký mở gian hàng. Triển lãm cũng đang tiếp tục đón nhận các gian hàng từ địa phương và một số đại diện quốc tế khác, nhằm mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các bên.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Triển lãm Quốc tế thực tế ảo Nông nghiệp Việt Nam - AgriTech Expo sẽ chính thức khai mạc, để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thuộc ngành nông nghiệp tới các đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế.
Ông Thân Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội số Nông nghiệp Việt Nam (VIDA) chia sẻ về những thách thức và cơ hội đang tồn tại đối với quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, với đặc thù sản xuất nông nghiệp truyền thống, cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật, nguồn lực con người còn hạn chế, nông dân chưa tiếp cận sâu rộng được với các thiết bị công nghệ, phần mềm. Bên cạnh đó, các hoạt động đầu tư trong số hóa nông nghiệp chưa được đẩy mạnh vì công nghệ mới cần thời gian thử nghiệm để chứng minh tính hiệu quả, trong khi nguồn lực tài chính có thể chưa đáp ứng được. Một số bất cập khác còn tồn tại như các chính sách hỗ trợ hoặc các hướng dẫn thực thi chưa đến được đầy đủ, chi tiết với từng doanh nghiệp và nông dân.
Tuy nhiên, với nhu cầu lớn về chuyển đổi số, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cũng như tiếp cận các công nghệ mới của doanh nghiệp đang diễn ra sôi nổi. Theo ông Hùng, các doanh nghiệp chủ động trang bị kiến thức, thiết bị để đến gần hơn với những công nghệ mình có thể ứng dụng. VIDA cũng tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn, chia sẻ về công nghệ cho hội viên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.