Điện ra đảo Cô Tô: Mở ra cơ hội lớn

Thứ ba, ngày 13/11/2012 11:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đưa điện ra Cô Tô là việc cần và đủ để đánh thức những tiềm năng kinh tế lớn của huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc: Du lịch và dịch vụ nghề cá.
Bình luận 0

Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh xác định sẽ biến Cô Tô thành một trung tâm du lịch mang đẳng cấp quốc tế...

Tạo điều kiện phát triển kinh tế

Anh Nguyễn Mạnh Dũng - chủ cơ sở kinh doanh Mai Lan với ngành nghề chính là hoạt động phục vụ ăn nghỉ và dẫn tour du lịch đến những điểm tham quan đẹp nhất của Cô Tô - giãi bày với tôi những hạn chế của việc không có điện lưới.

img
Ông Đặng Huy Hậu (trái) thăm hỏi, động viên người dân sống và làm ăn trên đảo Cô Tô.

Anh Dũng cho biết, vào mùa hè thì cơ sở mỗi tháng tiêu thụ hết khoảng 20 triệu tiền điện, mặc dù chỉ có 10 phòng nghỉ và cũng chỉ kín khách vào dịp cuối tuần. Giá phòng ở đây thì rất đắt vì giá điện đắt, mùa hè cao điểm khách đến thuê phòng chỉ có 400.000 đồng/ngày, đêm; nhưng nếu dùng điều hoà thì giá phòng phải 700.000 đồng/ngày, đêm.

“Nhiều khi khách cũng kêu đắt đỏ, tôi phải giải thích suốt để cho họ hiểu, chẳng biết làm cách nào khác. Giá điện quá cao nên khó giữ được khách quay lại đảo lần sau. Mặc dù ăn uống ở đây toàn đồ tươi ngon, cảnh đẹp, nhưng cả đảo buồn và tối thui, giá phòng đắt nữa ai muốn quay lại?” - anh Dũng tâm sự.

Nói về dự định của mình khi có điện lưới quốc gia, anh Dũng cho biết việc đầu tiên là hạ giá tất cả các sản phẩm của cơ sở, sau đó cũng tính mở rộng cơ sở lưu trú để đón lượng khách sắp tới được dự báo tăng mạnh “vì nếu có điện sáng, Cô Tô như là một thiên đường du lịch mới”.

Cũng mong chờ ngày có điện, ông Mai Công Đàm (sinh năm 1959) - người có cơ sở chế biến sứa lớn nhất ở xã đảo Thanh Lân tiết lộ: Nếu vào vụ sứa mà hoạt động hết công suất thì mỗi ngày nhà ông phải chi khoảng 4 triệu đồng mua dầu chạy máy nổ. Tới đây có điện lưới thì nhà ông phải xin lắp đặt cả một trạm biến áp phục vụ cho sản xuất, vì ngoài việc làm sứa nhà ông còn kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp dầu, nước ngọt cho hàng trăm tàu cá làm nghề trên vịnh Bắc Bộ. Ông Đàm khẳng định: “Có điện lưới sẽ giảm được chi phí rất nhiều cho ngư dân hoạt động ở đây, làm cho ngư trường nhộn nhịp hơn”.

Có cùng quan điểm với người dân, ông Nguyễn Đức Thành - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô, xúc động nói: Trong lịch sử phát triển của vùng biển đảo Cô Tô, nhất là trong hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày Bác Hồ ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Cô Tô đến nay, có lẽ ngày khởi công kéo điện lưới quốc gia ra đảo là một ngày đặc biệt, ngày vui nhất của người dân sinh sống trên quần đảo này.

Làm cho dân yêu đảo hơn

Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nhớ lại, việc đưa điện ra Cô Tô là một ý tưởng mới, táo bạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh, đưa ra bàn cuối năm 2011. Tỉnh quyết tâm đưa điện ra Cô Tô bằng mọi cách và đây là việc cần phải làm sớm.

“Chúng tôi đã xác định có điện lưới là một tiêu chí cứng để hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới. Quyết tâm của Quảng Ninh là sẽ về đích sớm so với cả nước về xây dựng nông thôn mới, chính vì vậy điện ra Cô Tô là vô cùng bức thiết. Hơn nữa vùng này là đảo tiền tiêu, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo do người dân là chính. Dân thiếu thốn thì không thể sống yên tâm, kinh tế không phát triển sẽ không thể yêu đảo được” - ông Hậu tâm sự.

“Kéo điện lưới ra đảo là một sự kiện trọng đại, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới của cả vùng biển đảo Cô Tô”.

Ông cũng nói rằng, Cô Tô là nơi duy nhất của cả nước mà Bác Hồ cho đặt tượng của mình khi Người còn sống. Nếu không đưa được kinh tế của Cô Tô phát triển, chúng tôi cũng cảm thấy chưa hoàn thành trách nhiệm đối với Người. Tỉnh Quảng Ninh đang kêu gọi thu hút đầu tư kinh tế biển từ nay đến năm 2020 sẽ biến Cô Tô thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn, phát triển vùng đảo này thành một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế và dịch vụ nghề chế biến thuỷ hải sản hàng đầu trong khu vực.

Đem chuyện kéo điện ra Cô Tô hỏi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính, mới biết ông là người vô cùng tâm huyết với dự án này. Ông cho hay, Tỉnh uỷ đã có chủ trương phát động phong trào ủng hộ kinh phí để kéo điện ra Cô Tô trong cả nước. Để dự án sớm được hoàn thành, từ nay đến cuối năm sẽ có những buổi lễ phát động cụ thể tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh để thu hút sự quan tâm của các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem