Diễn viên múa thất nghiệp, phải bán hàng online

Thứ bảy, ngày 17/07/2021 07:05 AM (GMT+7)
Không lương, không có chi phí hỗ trợ, cuộc sống của diễn viên múa tại TP.HCM khó khăn thời dịch. Một số người phải bán hàng online để trang trải cuộc sống.
Bình luận 0

Huỳnh Quốc Phúc (sinh năm 1998) vừa tốt nghiệp Trung cấp múa TP.HCM. Sau khi ra trường, anh trở thành diễn viên múa, hoạt động ở nhiều sân khấu, sự kiện. Không bao lâu sau, dịch Covid-19 tái bùng phát, đảo lộn toàn bộ cuộc sống, công việc của anh.

Ngoài Quốc Phúc, nhiều diễn viên múa tại TP.HCM lâm vào hoàn cảnh tương tự. Nhà hát, sân khấu đóng cửa, mọi hoạt động nghệ thuật đóng băng. Thu nhập bị ảnh hưởng, họ phải tìm kiếm nghề khác để mưu sinh hoặc cậy nhờ sự hỗ trợ từ phía gia đình.

Diễn viên múa bán hàng online để trả tiền thuê trọ

Kể với Zing, Quốc Phúc cho biết hai tháng qua, anh thất nghiệp. Không lương, không có chi phí hỗ trợ, cuộc sống của diễn viên múa 23 tuổi gặp khó khăn.

Anh hiện ở trọ một mình trong căn phòng nhỏ tại quận Gò Vấp. Hàng tháng, Quốc Phúc phải chi trả chi phí thuê phòng gần 3 triệu đồng, chưa kể các khoản điện, nước.

"Biết tôi gặp hoàn cảnh khó khăn vì dịch nên bà chủ trọ cũng giảm tiền thuê phòng. Ngoài ra, cha mẹ ở quê cũng gửi một số tiền nhỏ để tôi trang trải cuộc sống hàng ngày", diễn viên múa sinh năm 1998 tâm sự.

Diễn viên múa thất nghiệp, phải bán hàng online - Ảnh 1.

Cuộc sống của Huỳnh Quốc Phúc gặp khó khăn trong thời dịch. Ảnh: NVCC.

Quốc Phúc chia sẻ để tiết kiệm, anh hạn chế các khoản chi phí khác và tự nấu ăn tại nhà. Ngoài ra, anh còn lên mạng học các công thức món ăn, làm theo và bán online để tăng thêm thu nhập.

"Ban đầu, tôi làm thử món chân gà ngâm sả tắc và tặng bạn bè ăn thử. Mọi người khen ngon và động viên tôi bán thử. Tôi tự mình làm các công đoạn từ mua nguyên liệu, trộn gia vị và đóng hộp. Sau đó, tôi chụp ảnh đăng lên mạng và đi giao hàng nếu có người đặt mua", Quốc Phúc nói.

Khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 và dừng dịch vụ ăn uống mang về, diễn viên múa phải ở nhà, sử dụng dịch vụ giao hàng. Theo Quốc Phúc, mỗi ngày anh bán được khoảng 10 hộp chân gà ngâm sả tắc và chân gà sốt Thái. Số tiền thu được từ việc bán đồ ăn giúp anh trang trải chi phí tiền nhà và ăn uống hàng ngày.

Diễn viên múa 23 tuổi tâm sự anh đang tìm thêm một số công thức nấu chè mới nhằm đa dạng mặt hàng.

Mỗi ngày, Quốc Phúc vẫn tự trải thảm rồi tập thể dục, ép dẻo, ôn lại các động tác múa để cơ thể không bị cứng.

"Múa là ngành phải luyện tập mỗi ngày. Vì thế, khi ở nhà, tôi cảm thấy khá khó chịu. Tôi mong dịch sớm được đẩy lùi để mọi thứ trở lại bình thường như trước", anh bày tỏ.

May mắn hơn Quốc Phúc, diễn viên múa Hồng Thắm (34 tuổi) sống chung với gia đình tại huyện Nhà Bè (TP.HCM). Tuy nhiên, 5 thành viên trong nhà của Hồng Thắm đều thất nghiệp trong thời dịch.

Vì thế, cô gặp áp lực về chi phí ăn uống cùng các khoản tiền khác như điện, nước hàng tháng.

"Trước đây, tôi vừa làm diễn viên múa, vừa làm thêm tư vấn viên ở công ty bất động sản nên thu nhập đủ sống. Bây giờ, dịch bùng phát trở lại ở TP.HCM, cả hai công việc đều chịu ảnh hưởng trực tiếp. Để xoay xở, tôi phải vay một số tiền ở ngân hàng và mượn bạn bè thêm", Hồng Thắm kể.

Tuy nhiên, cô cho biết bản thân cảm thấy may mắn vì vẫn được ở trong nhà và sức khỏe các thành viên của gia đình đều tốt.

"Thời điểm này, sự an toàn và sức khỏe là hai yếu tố đặt lên trên hết. Về áp lực tiền bạc, sau khi đẩy lùi dịch, tôi sẽ làm và cân bằng lại mọi thứ. Xung quanh tôi, nhiều diễn viên múa còn khó khăn hơn. Các bạn phải ở trọ, tốn nhiều chi phí", diễn viên múa nói.

"Xung quanh tôi còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn"

Phương Vi là diễn viên múa tự do tại TP.HCM. Cô thường tham gia biểu diễn trong các sự kiện của công ty, trường học và hoạt động thiện nguyện. Cuộc sống của cô bị ảnh hưởng khá nhiều do dịch Covid-19.

Để cải thiện thu nhập, diễn viên múa xoay xở bằng việc bán hàng online. Các mặt hàng của Phương Vi chủ yếu là đặc sản vùng quê.

"Tôi biết xung quanh mình còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, vất vả hơn nên không than vãn. Trong hoàn cảnh nào, mình cũng phải cố gắng để thích nghi", cô bày tỏ.

Trước hoàn cảnh đó, biên đạo múa Nguyễn Tấn Lộc và công ty múa Arabesque Vietnam đã thực hiện chương trình hỗ trợ, san sẻ khó khăn cho nhiều diễn viên múa trên địa bàn TP.HCM.

Diễn viên múa thất nghiệp, phải bán hàng online - Ảnh 2.

Nhiều diễn viên múa thất nghiệp, phải tìm nghề tay trái để mưu sinh. Ảnh: Sơn Trần.

Chị Nhi - quản lý của Arabesque Vietnam - cho biết nguồn quỹ hỗ trợ có sự đóng góp của gia đình, bạn bè, cùng các đồng nghiệp.

"Chúng tôi không phải là tổ chức từ thiện, cũng không chủ trương kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ mà tự làm bằng sức của mình. Nhóm mong đây là cầu nối để mọi người chung tay và trao đi sự sẻ chia, động viên đến những người cần giúp đỡ", chị cho biết.

Theo chị Nhi, chương trình bắt đầu từ ngày 12/7 và chưa dự tính thời điểm kết thúc. Thời gian qua, nhóm đã gửi gạo, nhu yếu phẩm và một phần tiền gửi đến các diễn viên múa gặp khó khăn ở TP.HCM

"Chúng tôi sẽ cố gắng trong mọi khả năng có thể. Tất cả tùy vào nguồn lực ở từng thời điểm. Quan điểm của nhóm là một cộng đồng nhỏ giúp cho cộng đồng nhỏ. Nhiều cộng đồng nhỏ ổn sẽ giúp xã hội thêm sức mạnh để chiến thắng đại dịch", quản lý của Arabesque Vietnam cho biết.

Hoàng Yến (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem