NSND Thế Anh - trung úy Phương khiến thế hệ nữ khán giả 5x, 6x say mê
NSND Thế Anh không phải người đầu tiên được chọn cho vai trung úy Phương trong phim "Nổi gió". Khi phim đã quay được hơn 400m phim, đạo diễn Huy Thành vẫn cảm thấy không ưng ý. Chính thế, đạo diễn và ê-kíp đã quyết định ngừng quay phim để tuyển diễn viên mới cho vai nam chính.
Cuối cùng, như một định mệnh điện ảnh, diễn viên Thế Anh được chọn vào vai trung úy Phương. Thế Anh khi ấy đang là một diễn viên kịch nói trẻ từng có những vai diễn sân khấu nhưng chưa thực sự tiếng tăm. "Nổi gió" như một bước ngoặt trong sự nghiệp của nam nghệ sĩ.
Thế Anh vào vai Phương - trung úy quân đội Việt Nam Cộng hòa nhưng lại có chị gái tên Vân hoạt động ở Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trước khi được chị gái giác ngộ lý tưởng, trung úy Phương có thời gian đấu tranh tâm lý đầy khó khăn.
Nhưng dù tâm lý nào, NSND Thế Anh thuyết phục hoàn toàn về diễn xuất. Lối diễn tự nhiên, chân thật đã giúp cố nghệ sĩ khắc họa thành công tính cách nhân vật trung úy Phương. Cùng với vẻ ngoài điển trai của chàng trai 28 tuổi sáng giá bậc nhất ở thời điểm đó, Thế Anh đã khiến một thế hệ khán giả 5x, 6x say mê.
Đặc biệt cảnh cuối phim, khi trung úy Phương cúi xuống vốc nước lên rửa mặt trên dòng sông chan hòa ánh nắng trong tiếng cổ vũ của nhân dân và nụ cười trìu mến của người chị đã gây thương nhớ với nhiều khán giả.
Vai diễn đã thực sự giúp Thế Anh tỏa sáng, đưa nghệ sĩ trở thành một ngôi sao điện ảnh. Trong một lần trả lời phỏng vấn, cố nghệ sĩ cho biết thời điểm phim công chiếu, ông không ở Hà Nội mà đi công tác xa. Ngày về lại thủ đô, dọc đường khán giả ùa theo, gọi tên đầy yêu mến khiến Thế Anh không khỏi bất ngờ.
NSND Thế Anh cũng chia sẻ, cuộc đời ông may mắn khi được chọn vào vai trung úy Phương. “Tôi đã đóng nhiều nhân vật, nhưng khán giả vẫn cứ gọi tôi là trung úy Phương”.
Thụy Vân bị đánh đập, tra tấn đốt tay trong "Nổi gió"
Bộ phim "Nổi gió" do đạo diễn Huy Thành chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm, được sản xuất năm 1966, xoay quanh diễn tiến cuộc đời hai chị em ruột ở hai đầu chiến tuyến. Người chị tên Vân theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, người em trai tên Phương - một trung úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh khổ đau, mất mát của chiến tranh, Phương trở về đứng chung chiến tuyến với chị, đấu tranh cho độc lập, hòa bình.
Bộ phim là một trong số cột mốc đánh dấu sự thành danh của thế hệ diễn viên khóa đầu tiên trường Nghệ thuật Sân khấu trong đó có Thụy Vân, Thế Anh, Thanh Loan...
Vai Vân ghi dấu lần chạm ngõ điện ảnh đầu tiên của diễn viên Thụy Vân. Vẻ đẹp nền nã cùng đức tính bất khuất, kiên trung của người phụ nữ Nam bộ qua diễn xuất của Thụy Vân khiến người xem rung động. Sau này, dù làm diễn viên, đạo diễn nhiều bộ phim nổi tiếng, nghệ sĩ vẫn thừa nhận bà chưa vượt qua được cái bóng của vai diễn thuở ban đầu.
Trong phim, Thụy Vân đóng hàng loạt cảnh bị địch đánh đập, tra tấn. Đỉnh điểm là khi nhân vật bị quấn băng gạc tẩm cồn vào 10 đầu ngón tay rồi châm lửa đốt. Trước ngọn lửa cháy rực trên hai bàn tay, ánh mắt cương nghị, gương mặt không chút biến sắc của Vân khiến quân thù sợ hãi. Phân đoạn này gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả nhiều thế hệ, trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, can trường, tinh thần hy sinh bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.
Cảnh quay nguy hiểm cùng vai diễn gai góc trong phim đầu tay "Nổi gió" lưu dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp của NSƯT Thụy Vân.
Thanh Loan - Ni cô Huyền Trang: "Đến giờ khán giả vẫn hỏi tôi bị tra tấn thật à"
Khán giả yêu điện ảnh Việt Nam không thể nào quên hình ảnh ni cô Huyền Trang trong bộ phim 'Biệt động Sài Gòn' từng làm rung chuyển các rạp chiếu cách đây 30 năm. Cảnh ni cô bị ngồi ghế điện do Thanh Loan đảm nhiệm đã trở thành một trong những cảnh quay không thể nào quên của màn ảnh Việt. Đây cũng là vai diễn để đời của nghệ sĩ Thanh Loan.
Với "Biệt động Sài Gòn", nghệ sĩ Thanh Loan cho rằng đó là một cái duyên. Lúc ấy, nghệ sĩ Thanh Loan đang là một phát thanh viên Truyền hình An ninh.
Trong một dịp vào Sài Gòn công tác, bà đã gặp được đạo diễn Long Vân và họa sĩ Trịnh Thái, đúng lúc đạo diễn đang sầu não vì bộ phim ông đang thực hiện đã quay gần xong 1 tập rồi mà vẫn chưa tìm được người đóng vai một ni cô thì ông gặp cô phát thanh viên đẹp dịu dàng cùng phong thái điềm tĩnh.
Chỉ trong một lần gặp gỡ tình cờ của cả ba người, đạo diễn Long Vân tin rằng khuôn mặt từ bi của Thanh Loan chính là khuôn mặt đang cần cho vai diễn ni cô Huyền Trang. Chính vì thế, ông đã mời Thanh Loan tham gia đóng phim. 4 năm ròng rã với các cảnh quay chủ yếu ở TP.HCM, nhưng nghệ sĩ Thanh Loan may mắn vì được sự trợ giúp nhiệt tình của cơ quan và đồng nghiệp.
Diễn viên Thanh Loan kể lại, do đóng phim mất gần 4 năm trời như vậy nên đến mùa hè chị phải đưa các con từ Hà Nội vào Sài Gòn làm phim do không thể đi biền biệt quanh năm suốt tháng. Để hoàn thiện hình ảnh ni cô biệt động, bà không ngại ngần từ bỏ mái tóc dài thướt tha của mình trong sự tiếc nuối.
Hơn nữa, nghệ sĩ Thanh Loan còn vào chùa tu tập, học các nhà sư cách sinh hoạt, đi đứng, nói năng, tụng kinh, gõ mõ, khấn vái bê tráp đúng chất con nhà Phật. Giữa nắng Sài thành, bà phải đi chân trần khất thực. Thế mới thấy lòng yêu nghề và sự nghiêm túc lớn đến nhường nào. Và một khi đã "sống chết" với vai diễn là quên đi mọi thứ xung quanh. Bây giờ, để làm được điều ấy nghe chừng khó khăn rất nhiều.
Bà từng tâm sự: "Thời gian quay "Biệt động Sài Gòn" kéo dài 4 năm nhưng chúng tôi vẫn sống được với nhân vật của mình vì khi đã yêu nhân vật rồi thì mọi thứ như "đeo bám" trong tâm tưởng. Làm gì, nghĩ gì… thì hình ảnh nhân vật cũng hiển hiện ra trước mắt mình. Nhờ thế mà dù quay gián đoạn nhưng cảm xúc không bị đứt đoạn".
Nữ diễn viên gạo cội cũng rất bất ngờ vì mặc dù vai Huyền Trang có số phận buồn nhưng rất nhiều gia đình đã lấy tên nhân vật của chị đặt cho con sau khi phim ra mắt.
"Cho đến bây giờ vẫn nhiều người nhận ra ni cô Huyền Trang và có hỏi tôi là bị tra tấn thật à. Nhưng thực ra chỉ là diễn thôi".
Thương Tín - Sáu Tâm thời kỳ đỉnh cao vàng son khiến bao trái tim thổn thức
Hình ảnh Sáu Tâm liều mình cắt ngang đoàn xe đưa Thứ trưởng bộ Ngoại giao Mỹ, ném quả mìn nổ ngay trước đoàn xe hộ tống đã đọng lại trong lòng khán giả bao thế hệ.
Trong "Biệt động Sài Gòn", có thể nói Thương Tín đã góp phần khắc họa được một cách sâu sắc, chân thật về hình ảnh của người chiến sĩ biệt động.
Chân thật đến mức, chính ông Sáu Tâm - người chiến sĩ biệt động năm xưa cũng phải thừa nhận rằng, Thương Tín đã cố gắng hết sức để vào vai Sáu Tâm một cách sinh động nhất, dù tất cả những hiểm nguy mà ông vượt qua trong cuộc đời người chiến sĩ biệt động đều là những khoảnh khắc khó lặp lại trong đời thường.
Năm 27 tuổi, Thương Tín từng được sách kỷ lục Guinness Việt Nam ghi nhận là nghệ sĩ đóng nhiều phim nhất trong năm (12 phim).
Sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng cùng nhan sắc thuộc hàng "cực phẩm" nên thời tuổi trẻ của Thương Tín gắn liền với những bóng hồng cùng hào quang, nhung lụa.
Sau vai Sáu Tâm từng có thời gian vàng son, rong chơi và hưởng thụ. Ở thời kỳ đỉnh cao, Thương Tín khiến bao trái tim khán giả phải thổn thức.
Có thể nói, vai Sáu Tâm của phim "Biệt động Sài Gòn" (1986) là vai diễn để đời của Thương Tín.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.