Nghề điều dưỡng có thể làm được nhiều việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe như chăm bà mẹ mới sinh tại nhà, chăm sóc người đau ốm, người già, trẻ sơ sinh… Nhu cầu về dịch vụ chăm sóc có chất lượng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, có nghịch lý là nhiều học viên ra trường vẫn không tìm được việc.
Học điều dưỡng đi… chạy bàn
Phạm Thanh Hương (23 tuổi, quê Tiền Giang) tốt nghiệp hộ lý nửa năm nay, với cả chục bộ hồ sơ rải ở các bệnh viện và phòng khám ở ngoại thành vẫn chưa có nơi nào tiếp nhận. Cô nhờ bạn bảo lãnh vào công ty may mặc cắt chỉ làm thời vụ để trang trải chi phí sinh hoạt, cầm cự ở lại TP tiếp tục tìm việc.
Tương tự, Quy (20 tuổi, Bến Tre) có bằng điều dưỡng của Trường Trung cấp y tế Bến Tre lại đang làm tiếp viên một nhà hàng trên đường Lê Quý Đôn. “Em đi khắp nơi xin việc, cả phòng mạch tư nhưng mức lương cao nhất chỉ hơn 2 triệu đồng nên đành tạm làm nghề này một thời gian. Thu nhập bình quân thấp cũng 3-4 triệu đồng/tháng” - Quy nói.
Lê Tuấn Anh (19 tuổi, quê Quảng Bình) đang học điều dưỡng tại Trường Trung cấp Ánh Sáng, giãi bày ngành điều dưỡng mấy năm gần đây bị bão hòa, thế nhưng nhiều người vẫn ào ào đăng ký vô ngành này. Tuấn Anh cho biết đang vừa học chương trình điều dưỡng vừa học tiếng Đức để tìm kiếm cơ hội sang Đức làm việc.
TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, đánh giá: Có nhiều nguyên nhân khiến nhân lực điều dưỡng vừa thừa vừa thiếu. Các trung tâm y tế xã, phường, vùng sâu, vùng xa vẫn có nhu cầu điều dưỡng, y sĩ, hộ lý khá cao. Trong khi các em học xong lại không chịu khó đến những nơi đang cần mà tập trung ở các TP. Tuy nhiên, theo ông Phú nguyên nhân chính vẫn là do nhiều cơ sở đào tạo chưa đạt chuẩn. Y tá, điều dưỡng mới ra trường chưa đáp ứng yêu cầu công việc, thiếu kinh nghiệm thực tế…
Tại hội thảo do Hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức hôm 12-12, ThS Nguyễn Thanh Thủy - Trường CĐ Y tế Hà Nội cho rằng học viên điều dưỡng cần được tăng thời gian thực hành, tiếp cận trực tiếp với bệnh nhân nhiều hơn để hình thành những kỹ năng chăm sóc người bệnh.
Nhu cầu nhân lực ngành điều dưỡng được đánh giá đã bão hòa, tuy nhiên số lượng học viên theo học ngành này không vì thế mà sụt giảm. Ảnh: QT
Nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài
Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, đánh giá nhu cầu xuất khẩu điều dưỡng viên sang một số nước là có thật. Nhưng rào cản lớn nhất của phần lớn học viên hiện nay là ngoại ngữ.
Ba năm gần đây, có hơn 500 ứng viên điều dưỡng đã được tuyển chọn để sang Đức, Nhật học tập và làm việc. Riêng tại Nhật, ứng viên điều dưỡng có thời gian làm việc ba năm tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe với mức lương khoảng 26-28 triệu đồng/tháng, ứng viên hộ lý có thời gian làm việc bốn năm với mức lương khoảng 28-30 triệu đồng/tháng.
Gần đây, Trường Trung cấp Quang Trung (TP.HCM) là đơn vị đầu tiên đưa 16 ứng viên điều dưỡng, y sĩ sang Đức làm việc với mức lương 45-54 triệu đồng/tháng. ThS Nguyễn Đình Bá, Phó ban Điều hành dự án của trường này, cho biết hiện trường đang gấp rút đào tạo tiếng Đức (chứng chỉ B1) và chuyên môn điều dưỡng cho 60 học viên để đưa sang Đức làm việc trong tháng 5-2016.
Theo ông Bá, dù cơ hội việc làm hấp dẫn nhưng số lượng học viên đăng ký không nhiều. Bởi học viên phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn - khoảng 200 triệu đồng cho việc học tiếng, học nghề và kỹ năng… tại Đức trong một năm, sau đó mới có thể làm việc.
Nhật Bản đang thiếu hụt trầm trọng điều dưỡng viên và hộ lý trong 10 năm tới do tốc độ lão hóa dân số. Do vậy quốc gia này cần khoảng 2.000 điều dưỡng viên mỗi năm. Dự kiến đến năm 2016 sẽ có gần 500 điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật làm việc theo chương trình nằm trong Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản.
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH
Việt Nam hiện có 12 trường ĐH y, 20 trường CĐ y và một số trường trung cấp đào tạo ngành điều dưỡng. Theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 220.000 điều dưỡng viên, tương đương tỉ lệ 25 điều dưỡng/10.000 dân.
|
Phong Điền (Pháp Luật TPHCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.