Điều khiển máy bay không người lái gần đường điện cao áp làm sao để không bị phạt tới 700 triệu?
Đồng Tháp: Điều khiển máy bay không người lái, vận hành máy cơ giới gần đường dây điện cao áp cần lưu ý điều này
Thứ năm, ngày 20/06/2024 05:40 AM (GMT+7)
Vận hành phương tiện cơ giới, thiết bị bay (máy bay không người lái) phục vụ sản xuất nông nghiệp gần hành lang an toàn lưới điện cao áp tiểm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn điện. Do đó, ngành điện đặc biệt quan tâm tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân có phương tiện...
Vận hành phương tiện cơ giới, thiết bị bay phục vụ sản xuất nông nghiệp gần hành lang an toàn lưới điện cao áp tiểm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn điện. Do đó, ngành điện đặc biệt quan tâm tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân có phương tiện cơ giới, thiết bị bay các biện pháp đảm bảo an toàn điện khi vận hành gần hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Tại các địa phương, nhân viên Điện lực thường xuyên gặp các chủ phương tiện, người điều khiển xe cẩu, xe ép cọc, xe ben, xe đổ bê tông chuyên dùng, thiết bị bay,... để tuyên truyền, gởi văn bản cảnh báo an toàn điện, dán bảng cảnh báo an toàn điện vào phương tiện.
Ông Phạm Văn Trí - Giám đốc Công ty TNHH Hà Phạm Trí (Khóm 3, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) chuyên đúc, ép cọc bê tông cốt thép, chia sẻ: “Qua sự hướng dẫn tận tình của nhân viên Điện lực về an toàn điện, nhất là khi vận hành các phương tiện cơ giới gần đường dây điện, tôi nhận thấy được sự nguy hiểm và có ý thức đề phòng tai nạn điện rất cao.
Tôi luôn nhắc nhở nhân viên khi điều khiển phương tiện phải giữ khoảng cách an toàn từ đường dây điện đến điểm gần nhất của xe lớn khoảng 4m. Trường hợp gần hơn thì tôi chủ động liên hệ Điện lực để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo an toàn mới vận hành.
Nhân viên Điện lực huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) hướng dẫn nhân viên Công ty TNHH XAG MeKong biện pháp đảm bảo an toàn khi điều khiển thiết bị bay (máy bay không người lái) gần đường dây điện.
Khi điều khiển phương tiện phải cử người cảnh giới an toàn điện, đề phòng người điều khiển bị khuất tầm nhìn. Khi vận hành, chúng tôi cũng làm tiếp địa cho xe cẩu, đặt biển báo an toàn thi công công trình...”.
Những năm gần đây, thiết bị bay không người lái phục vụ nông nghiệp ngày càng phổ biến nên vấn đề điều khiển các thiết bị này gần đường dây điện được ngành điện và người điều khiển thiết bị rất quan tâm.
Anh Nguyễn Ngọc Hiếu - Công ty TNHH XAG MeKong (thị trấn Tràm Chim, Tam Nông), chuyên bán thiết bị bay, huấn luyện điều khiển thiết bị bay phục vụ sản xuất nông nghiệp cho biết, điều khiển thiết bị bay gần đường dây điện là rất nguy hiểm cho hệ thống điều khiển của thiết bị do từ trường và nguy cơ va chạm vào đường dây điện nên phải thiết lập bản đồ bay tránh đường dây điện khoảng 6m trở lên; khu vực hành lang đường dây điện không thể bay để phun, sạ được...
Ông Trần Trương Minh Kiên - Phó Giám đốc Điện lực Tam Nông khuyến cáo người dân và các tổ chức về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp như sau:
Khi vận hành các phương tiện cơ giới phục vụ công trình xây dựng phải đảm bảo khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của phương tiện đến lưới điện 22kV là >4m và lưới điện 110kV là >6m.
Khi xây dựng, sửa chữa cơi - nới nhà, công trình ở gần hoặc trong hành lang an toàn lưới điện cao áp phải đảm bảo khoảng cách an toàn với lưới điện theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, cụ thể:
Khoảng cách ngang: từ bất kỳ điểm nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn gần nhất phải > 2m đối với đường dây đến 35 kV và > 4m đối với đường dây đến 110kV.
Khoảng cách đứng: từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất phải > 3m đối với đường dây đến 35 kV và > 4m đối với đường dây đến 110kV.
Không lắp giàn giáo trong hành lang an toàn lưới điện cao áp hay lắp ngoài hành lang an toàn lưới điện cao áp mà không có neo chằng chắc chắn, có khả năng ngã đổ vào đường dây gây nên sự cố và tai nạn điện.
Khi sử dụng thiết bị bay không người lái phục vụ nông nghiệp phải cách lưới điện cao áp trong phạm vi an toàn phóng điện theo khoản 2, Điều 4 Nghị định 14/2014/NĐ-CP là 6m; luôn quan sát điều khiển và chú ý hướng gió làm ảnh hưởng đến khoảng cách an toàn thiết bị bay vào đường dây sẽ gây sự cố lưới điện, dứt dây; không chạm vào máy bay sau khi bị vướng vào đường dây điện hoặc móc kéo xuống vì sẽ gây phóng điện vào người điều khiển.
Mức phạt theo Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP và điểm d, khoản 2 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP “Thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện” là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Mức phạt theo Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP và điểm b, khoản 5 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP “Điều khiển thiết bị, dụng cụ, phương tiện hoặc các hoạt động khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp” là từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.