|
Các ngân hàng vẫn đòi hỏi phải nắm chắc khả năng tài chính và trả nợ của người vay. |
Vốn vay chưa đủ nhu cầu
Ông Nguyễn Văn Luân ở Thạch Thất (Hà Nội) than thở: "Ở khu Mỏ Chén (Thạch Thất) có khoảng 20 hộ làm trang trại quy mô lớn, nên nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh rất lớn. Đầu năm chúng tôi thấy triển khai dự án cho vay vốn để cải tạo trang trại, bảo vệ môi trường nhưng bà con đã làm hồ sơ mà đến nay chưa thấy có tín hiệu gì.
Với khoảng 40.000 con lợn tập trung của toàn khu, nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất và cải tạo môi trường là rất lớn. Chỉ riêng gia đình tôi, đàn lợn trung bình luôn có khoảng 10.000 con nhưng trong năm 2010 mới chỉ vay được có 700 triệu đồng của một ngân hàng với lãi suất 1,35%/tháng theo hình thức thế chấp bìa đỏ.
Tôi cũng nghe nói tới việc cho trang trại vay tối đa 500 triệu đồng không cần thế chấp. Tuy nhiên, giá trị sổ đỏ của gia đình tôi có thể vay được 10 tỷ nhưng hiện tại muốn vay thêm cũng chưa thấy được duyệt.
Trao đổi với NTNN, ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX dịch vụ Cổ Đông - thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, HTX có 150 xã viên với nhiều trang trại quy mô lớn, chăn nuôi lợn, gà, cá, ba ba... Có những trang trại tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng.
"Tôi khẳng định, đến thời điểm này, chưa xã viên nào được vay theo theo Nghị định 41 của Chính phủ. Muốn vay được vốn, các chủ trang trại vẫn phải có tài sản thế chấp, mà 95% đất trang trại là đất thuê nên không có sổ đỏ để thế chấp vay vốn. Mới đây, tôi vừa vay được Ngân hàng 800 triệu đồng, lãi suất 1,4%/tháng với điều kiện có thế chấp và trả 6 tháng lãi suất ngay sau khi vay, hết tới 50 triệu đồng"- ông Chiến nói.
Vướng ở thủ tục
Theo khoản 2, điều 3 Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước về cơ chế đảm bảo cho vay quy định 3 mức cho vay, trong đó: Tối đa đến 500 triệu đồng đối với các HTX, chủ trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, tại khoản 3 của thông tư này lại quy định: Các khách hàng được vay không có bảo đảm bằng tài sản quy định tại khoản 2 điều này tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành và phải nộp bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khách hàng vay phải được UBND cấp xã cấp 1 bản chính (duy nhất) giấy xác nhận khách hàng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp.
Với điều khoản này, nhiều chủ trang trại đều than phiền, sẽ rất khó để tiếp cận được vốn. Trong khi, để vay được vốn theo Nghị định 41 chủ trang trại chỉ được vay với một tổ chức tín dụng, chưa vay một dự án nào khác... và quan trọng nhất vẫn là chứng minh được khả năng tài chính và thanh toán nợ...
Trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giám đốc Ngân hàng No&PTNT Chi nhánh Đông Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) nói: Trên thực tế, chưa có khách hàng nào có đủ điều kiện vay 500 triệu đồng theo nghị định này. Một số chủ trang trại lớn, nếu vay tiếp 500 triệu đồng sẽ trùng với dự án vay trước đó, nguyên tắc của ngân hàng là không cho vay trùng 2 dự án cùng một lúc".
Theo bà Ngọc, để thực hiện Nghị định 41 cũng rất phức tạp, cần căn cứ vào nhiều yếu tố. Mặc dù tiền không lớn nhưng nguyên tắc khi cho vay dù không thế chấp cũng vẫn phải nắm chắc tài chính của người vay và khả năng trả nợ của họ.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.