Vẹn nguyên sự hào hùng
Kim Bình có vị trí chiến lược quan trọng trong An toàn khu, do vậy tháng 2.1951 Kim Bình được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đại hội diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19.2.1951 tại khu rừng Nà Loáng (một rừng cọ bạt ngàn), thôn Phú An, nay là thôn Bó Củng, xã Kim Bình.
Dự đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 766.000 đảng viên của Đảng bộ Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là Đại hội Đảng diễn ra đầu tiên ở trong nước, trong thời điểm cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Nghề trồng chuối tây đang mang lại thu nhập cao người dân xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ảnh: Trần Quang
Từng là người có mặt chứng kiến những ngày đại hội II diễn ra, ông Hoàng Văn Bảo, người dân tộc Tày ở thôn Khuôn Nhự, xã Kim Bình năm nay đã gần 80 tuổi, sức khỏe đã yếu dần, nhưng mỗi khi nhắc đến ngày hào hùng ấy, vẫn kể vanh vách: “Ngày đó, vì nhiệm vụ bảo đảm bí mật an toàn cho đại hội diễn ra nên tất cả người dân trong làng đều được không được biết về ngày diễn ra Đại hội Đảng mà ai cũng nghĩ đó là buổi họp công trường lao động xã, mãi về sau này khi cách mạng thành công chính quyền địa phương mới cho biết”.
Để chuẩn bị cho đại hội, năm 1947 -1951, toàn bộ các máy móc, cơ sở vật chất cùng các lãnh đạo, cán bộ cách mạng được huy động lên Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), ông Bảo khi đó mới hơn 10 tuổi đã chứng kiến khu vườn nhà mình được sử dụng làm trụ sở làm việc của đồng chí Nguyễn Lương Bằng và kho thóc.
Hàng ngày, gia đình ông Bảo nhận trách nhiệm phục vụ cơm nước cho các đồng chí cán bộ. Cụ thân sinh ra ông Bảo là cụ Hoàng Văn Ngọ được giao nhiệm vụ trông coi kho thóc. Mỗi khi có việc vào họp bàn với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thường cho ông Bảo đi cùng vào khu vực hội trường trên đồi Nà Loáng. “Chưa khi nào tôi thấy tình cảm cán bộ, quân, dân lại thắm thiết như ngày đó, giữa mọi người dường như không có khoảng cách, đặc biệt là đời sống đồng bào còn nghèo nhưng nhân dân nơi đây một lòng theo Đảng, vẫn hăng say sản xuất phục vụ cho đại hội” – ông Bảo nhớ lại.
Đồi Nà Loáng khi đó toàn cọ mí cao, phủ kín cả quả đồi, toàn bộ nhà làm việc của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo đều làm bằng tre, vách cót đan lợp lá cọ. Riêng nhà hội trường làm trụ bằng gỗ cọ mí ghép lại với nhau. Có một số cây cọ vẫn còn nguyên gốc lấy tán để che mái. Những chỗ mái nào hở người ta lấy những cây tầm gửi cài lên vì thế đứng từ trên cao nhìn xuống không thấy gì ngoài tán rừng cọ một màu xanh mướt.
Ông Hoàng Văn Bảo (gần 80 tuổi) ở thôn Khuổi Nhự, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang kể lại cho cháu ruột của mình nghe không khí những ngày diễn ra Đại hội toàn quốc lần II. Ảnh: Trần Quang
Những ngày diễn ra đại hội, ông được đến nhưng chỉ đứng ở ngoài chấn song cửa nhìn vào thấy Bác Hồ mặc áo chàm nâu đen đang phát biểu. “Khi ấy trong hội trường rất trang nghiêm, các đại biểu chăm chú lắng nghe Bác Hồ phát biểu, bên ngoài là nhiều vòng canh gác của các chiến sĩ bộ đội, toàn bộ các khu thôn, xóm trong xã được đặt trong tình trạng giới nghiêm” – ông Bảo kể.
Ông Bảo kể: “Những ngày diễn ra đại hội là những ngày người dân Vinh Quang không bao giờ quên, bởi khi ấy đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên người dân được đón tết an toàn và ấm cúng với Bác Hồ và các đại biểu. Ngoài giờ họp, Bác Hồ và các đại biểu còn chơi thể thao và giao lưu văn nghệ với người dân, nên kỷ niệm của người dân Kim Bình về đại hội không chỉ là sự kiện trọng đại của đất nước mà còn là sự gần gũi, giản dị của Bác và các đại biểu, là nghĩa Đảng, tình dân thắm thiết”.
Ông Bảo còn kể 1 tháng sau đại hội, giặc Pháp cho máy bay trinh sát bay rà sát mặt rừng nhưng cũng không phát hiện ra khu vực hội trường.
Xã có nhiều triệu phú nhất huyện
"Đã thành nếp, trước thời gian vào lễ hội Lồng tồng, bao giờ Đảng bộ xã cũng dành thời gian ôn lại truyền thống đầy tự hào; khẳng định niềm tin son sắt với Đảng, với Bác Hồ của người dân Kim Bình vẫn vẹn nguyên như suốt 63 năm qua kể từ ngày Bác Hồ, Trung ương Đảng tin tưởng tổ chức Đại hội II ở nơi này”.
Ông Đào Ngọc Vang
|
Trao đổi với NTNN, ông Đào Ngọc Vang – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết: Sau năm 1971, được sát nhập từ 2 xã Kim Quang và Công Bình, đến nay bộ mặt nông thôn của Kim Bình đã ngày một đổi thay nhanh chóng, đời sống của trên 1.200 hộ được nâng lên rõ rệt với mức thu nhập trên 18 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 9 triệu so với 2009).
Ông Vang cho biết, tính đến tháng 8.2015, sau hơn 4 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn xã đã cơ bản đạt 19 tiêu chí. “Điều đáng tự hào nhất trong số đó phải kể đến là tiêu chí thu nhập, ngoài việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nhiều năm trở lại đây, xã đưa cây chuối tây vào cơ cấu cây trồng chính, đến giờ diện tích đã tăng lên trên 500ha, với mức thu trên dưới 100 triệu đồng/ha, hơn 90% các hộ dân trong xã tham gia trồng đã có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, trong số đó có nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng, trở thành xã có nhiều triệu phú nhất huyện” – ông Vang nhấn mạnh.
Trong vùng núi đá khô cằn, người dân Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, từng một thời cống hiến hết lòng phụng sự cho Đảng và Bác Hồ, giờ đây khi cách mạng thành công, tinh thần yêu nước ấy lại được thể hiện mạnh mẽ trong cuộc chiến mới chống lại đói nghèo.
|
Một số địa danh Cách mạng Tháng 8
1. Được coi là cội nguồn của cách mạng Việt Nam, quần thể di tích cách mạng Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) là địa danh gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam những năm 1941 - 1945.
2. Vào giai đoạn chuẩn bị tiến hành Cách mạng Tháng 8, Tân Trào là thủ đô lâm thời của khu giải phóng. Vào ngày 16.8.1945, Đại hội đại biểu Quốc dân (hay Quốc dân Đại hội Tân Trào) chính thức khai mạc tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
3. Nhà hát Lớn Hà Nội và quảng trường trước nhà hát là nơi diễn ra cuộc mít-tinh lớn của cách mạng. Đoàn người sau đó tỏa thành nhiều mũi tiến hành tổng khởi nghĩa trên toàn thành phố.
4. Bắc Bộ phủ (nay ở số 12 phố Ngô Quyền, Hà Nội- ảnh) từng là nơi đặt trụ sở chính quyền thực dân ở Bắc Kỳ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9.3.1945, tòa nhà được đổi thành Phủ Khâm sai của Chính phủ Trần Trọng Kim. Khi tổng khởi nghĩa nổ ra ở Hà Nội ngày 19.8.1945, lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã tiến công và chiếm giữ tòa nhà mang tính biểu tượng của chế độ thực dân này.
5. Tỉnh Tân An (nay là Long An) có vinh dự là địa phương miền Nam đầu tiên khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 21.8.1945. Sự kiện trọng đại đó gắn liền với Dinh tổng Thận - biểu trưng của Cách mạng Tháng 8 tại nơi đây.
6. Khi cuộc cách mạng bùng nổ ở Sài Gòn ngày 24.8.1945, dinh Khâm sai (nay là Bảo tàng Thành phố) là nơi đầu tiên ở thành phố cờ đỏ sao vàng được kéo lên, tung bay trong niềm tin thắng lợi.
7. Nằm giữa khu phố cổ Hà Nội, ngôi nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Người từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô tháng 8.1945. Tại đây, Hồ Chủ tịch đã soạn thảo bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
8. Quảng trường Ba Đình, Hà Nội là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2.9.1945, sau sự toàn thắng của cuộc Cách mạng Tháng 8.
PV (tổng hợp)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.