Điều luật lạ trên thế giới

Thứ tư, ngày 01/01/2014 09:35 AM (GMT+7)
Chắc hẳn ai cũng biết rằng, một quốc gia không thể tồn tại nếu thiếu luật pháp. Tuy nhiên, trong hệ thống quy tắc khổng lồ chi phối tất cả mọi quốc gia đó, lại có những điều luật kỳ lạ đến khó hiểu mà con người ta không thể không tuân thủ.
Bình luận 0
Các nhà sư Tây Tạng không được “đầu thai”

Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang có một số quy định gây nhiều tranh cãi, chẳng hạn như việc mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép có một con. Thế nhưng, xét về độ kỳ lạ thì điều luật này chẳng là gì so với luật cấm những nhà sư Phật giáo tại Tây Tạng đầu thai mà không có sự cho phép của Chính phủ. Luật lệ này, theo như tuyên bố của Cục Quản lý các vấn đề về tôn giáo cấp quốc gia của Trung Quốc năm 2007, được coi là “một bước tiến quan trọng để thể chế hóa việc quản lý sự luân hồi chuyển kiếp”.

Bơ thực vật màu vàng bị cấm

Bạn có biết rằng mua một hộp bơ thực vật màu vàng tại Missouri cũng có nghĩa là bạn đang phạm pháp không? Tại đây, phần lớn các điều luật liên quan đến bơ là từ năm 1895 và được sửa đổi lần cuối năm 1939. Mặc dù chính quyền không còn thực thi chúng nữa, nhưng các hình phạt vẫn được áp dụng nếu có một đại lý hay một cửa hàng tạp hóa nào đó phạm luật. Bạn sẽ phải ngồi tù một tháng và chi trả 100 đô trong lần vi phạm đầu tiên, còn mức phạt cho việc tái phạm là 6 tháng tù giam và 500 đô.

Việc thi hành bộ luật này được giao cho Sở Nông nghiệp nhà nước, nhưng ngay cả các quan chức nơi đây cũng không biết người cuối cùng bị truy tố bởi tội danh này là ai. Các hồ sơ tội phạm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cho thấy vào khoảng thời gian này tính hợp hiến của bộ luật vẫn được tòa án duy trì trong một số kháng cáo. Phát ngôn viên của Sở Nông nghiệp, bà Misti Pretston cho biết có khả năng cơ quan lập pháp của Missouri hạn chế bơ thực vật và một số loại bơ giả khác để bảo vệ cho ngành công nghiệp sữa, một trong những sản phẩm mang tính chiến lược của toàn bang vào đầu thế kỷ XX.

Trả cô dâu không còn trinh trắng


Một cô dâu ở Brazil trong ngày cưới.
Một cô dâu ở Brazil trong ngày cưới.

Việc này cũng chẳng có gì là lạ nếu nó diễn ra tại một đất nước Hồi giáo, nhưng ngay cả ở Brazil, một đất nước nổi tiếng với lễ hội Carnival nóng bỏng, cũng từng có một khoảng thời gian, đàn ông nơi đây có thể trả lại tân nương của mình trong vòng 10 ngày nếu họ bị phát hiện là không còn trong trắng trước đám cưới. Điều luật này xuất hiện năm 1916 và đã bị bãi bỏ năm 2002. Chắc hẳn có khá nhiều đàn ông Brazil cho rằng những cô nàng nóng bỏng trên bưu thiếp của Rio đều là trinh nữ. Ngoài ra, cũng có một bộ luật gần đây ở Brazil quy định không được in hình phụ nữ mặc bikini trên bưu thiếp của nước này.

Cấm thuốc lá, nhưng được dùng... cần sa

Chính sách kỳ lạ ở Hà Lan về việc cho phép hút cần sa nhưng lại cấm thuốc lá đã làm cảnh sát nơi đây lúng túng khi xử phạt một trường hợp trộn hai thứ thuốc này với nhau. Việc hút thuốc lá trong các quán cà phê hay nhà hàng đều bị xử lý không khoan nhượng kể từ khi bộ luật này có hiệu lực năm 2008. Trong một cuộc kiểm tra định kỳ, cảnh sát đã phát hiện một ít thuốc lá được trộn với cần sa và chàng trai 27 tuổi nói trên bị buộc tội không phải vì sử dụng cần sa mà do hút thuốc lá tại một quán cà phê.

Gối được xếp vào danh sách... vũ khí

Nếu có một kẻ côn đồ tấn công mình, bạn muốn bị khống chế bởi một con dao hay một cái gối? Chắc hẳn là ai cũng sẽ chọn cái gối hơn, nhưng dường như những người Đức lại nghĩ khác. Ở đất nước này, gối được liệt vào loại “vũ khí thụ động”. Phải chăng họ đang ám chỉ các trường hợp gối nhét đá hay dùng gối để làm đối phương nghẹt thở? Dù sao thì, có lẽ một khẩu súng vẫn sẽ hữu dụng hơn một cái túi nhồi bông khi bạn muốn tự vệ.

Đi chung xe là phạm luật

PickupPal là một trang mạng dựa trên Google Maps với khoảng 15.000 người sử dụng tại Ontario (Canada). Mục đích của nó là tìm kiếm người sử dụng chung xe với mình. Nghe có vẻ thật hữu ích, phải không? Vấn đề duy nhất là... hầu hết những cuộc đi chung xe xảy ra trên PickupPal là bất hợp pháp. Ở Ontario, việc đi chung xe là phạm luật, trừ khi bạn đáp ứng được tất cả các tiêu chí sau: Bạn chỉ có thể di chuyển từ nhà đến nơi làm việc (không phải trường học, bệnh viện...).

Bạn không được phép vượt qua ranh giới thành phố đến các khu vực lân cận. Bạn phải đi với cùng một người lái xe mỗi ngày (không có ngoại lệ). Bạn phải trả tiền cho người lái xe hàng tuần và chỉ một lần mỗi tuần. Thật đáng tiếc, điều đó cũng đồng nghĩa với việc nếu bạn nhờ bạn trai của mình đi đón một cậu em họ ở sân bay, bạn vi phạm pháp luật; nếu bạn đi nhờ xe của một người bạn và trả cho cô ấy 5 đô tiền xăng, bạn cũng vi phạm pháp luật.

Tính tiền phạt bằng % thu nhập

Ở Phần Lan, nếu bạn vi phạm luật giao thông, tiền phạt sẽ được tính trên phần trăm thu nhập (theo báo cáo mới nhất) của bạn. Tháng 1.2002, Anssi Vanjoki (44 tuổi)- Giám đốc của thương hiệu viễn thông khổng lồ Nokia tại Phần Lan, đã nhận được một vé phạt được cho là đắt nhất lịch sử – 12,5 triệu đô – vì chạy xe với tốc độ 75km/giờ tại khu vực giới hạn tốc độ là 50km/giờ. Dù vậy sau khi sự cố xảy ra năm ngày, thu nhập của ông nhanh chóng sụt giảm và án phạt cũng theo đó mà giảm xuống còn 103.600 đô, tuy nhiên đây vẫn là mức phạt cao nhất trong lịch sử do chạy quá tốc độ.

Phụ nữ ở Swaziland bị cấm không được mặc quần

Swaziland là một trong những đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đói nghèo. Tuổi thọ trung bình của những người dân nơi đây chỉ từ 30 - 35 tuổi. Dù vậy, tầng lớp thống trị của đất nước này vẫn ra sức củng cố những “giá trị truyền thống” qua nhiều điều luật kỳ lạ. Họ cho rằng phụ nữ luôn thua kém nam giới và không được phép ăn mặc những loại quần áo tương tự như đấng mày râu. Nếu mặc quần ở nơi công cộng, phụ nữ Swaziland sẽ ngay lập tức bị binh sĩ tước bỏ trang phục và chịu sự sỉ nhục trước đám đông.

Luật về biển số xe tại Philippines

Đây là một luật lệ khá kỳ quặc và đến nay vẫn còn được áp dụng. Nó quy định rằng những ô tô mang biển số xe kết thúc bằng 1 và 2 sẽ không được ra đường vào thứ Hai; 3 và 4 vào thứ Ba; 5 và 6 vào thứ Tư; 7 và 8 vào thứ Năm; còn 9 và 0 là vào thứ Sáu. Việc thực thi điều luật này đã mang đến không ít phiền toái cho người dân Philippines, còn mục đích của nó thì đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

Chết ở nhà Quốc hội -hành vi phạm pháp!

Từ hàng trăm năm nay, Vương quốc Anh đã luôn nổi tiếng khắp châu Âu bởi các bộ luật kỳ lạ và các loại thuế vô lý của mình. Trong số đó cũng có những điều luật vẫn còn nguyên hiệu lực, chẳng hạn như Nghị định số 1324 về Đặc quyền của Hoàng gia quy định rằng bất cứ một con cá voi hoặc cá tầm đang nào được tìm thấy ở bờ biển nước Anh sẽ thuộc về quốc vương. Tuy nhiên, hơn 2.000 điều luật đã bị bãi bỏ, trong đó có việc cấm không được chết tại nhà Quốc hội.

Lý do của luật lệ bất thành văn này là bởi khu vực này vốn thuộc cung điện Hoàng gia Anh. Bất kỳ một người nào qua đời ở đây sẽ được tổ chức một tang lễ trang trọng theo cấp Nhà nước. Vì vậy, nếu chỉ trông hơi mệt mỏi một chút, họ sẽ đưa bạn ra khỏi đó ngay tức khắc. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Hạ viện lại cho rằng: “Những ai biết về nơi này đều không thấy có cơ sở nào cho một luật lệ như vậy, chưa nói đến việc chẳng có văn bản giấy tờ nào quy định điều đó cả”.
Xuân Đan (Xuân Đan)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem