Điều tra bổ sung vụ nguyên Tổng GĐ cùng 8 người phá hơn 64ha rừng

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 24/07/2018 18:56 PM (GMT+7)
Sau một ngày xét xử, TAND tỉnh Bình Định đã quyết định trả hồ sơ vụ án phá rừng lớn nhất từ trước đến nay ở địa phương này để cơ quan điều tra bổ sung.
Bình luận 0

Chiều 24.7, HĐXX thuộc TAND tỉnh Bình Định đã quyết định trả hồ sơ cho cơ quan điều tra bổ sung vấn đề giám định lại giá trị thiệt hại và xác định lại diện tích rừng đã phá, đối với vụ “Hủy hoại rừng” do bị cáo Lê Văn Thiệt (SN 1962, trú huyện Hoài Nhơn) cùng 8 người khác thực hiện.

img

Bị cáo Lê Văn Thiệt tại tòa.

Sáng cùng ngày, tất cả các bị cáo đều thừa nhận hành vi phá rừng Tuy nhiên, bị cáo Lê Văn Thiệt cho rằng, Công ty CP Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo có gửi đơn đến các cơ quan chức năng huyện An Lão xin phép được khai thác và trồng lại 250ha rừng trên địa bàn xã An Hưng. Do chờ đợi các cơ quan cấp phép quá lâu, từ năm 2013-2017, bị cáo Thiệt đã cử bảo vệ đến canh giữ khu vực rừng nói trên để tránh bị người khác khai thác, phát rẫy… Năm 2017, khi thấy nhiều người phát rừng trồng keo, lại được các bảo vệ khuyên “nếu mình không phát thì người khác cũng phát” nên bị cáo Thiệt mới tổ chức phát rừng để trồng keo.

Bị cáo Nguyễn Văn Ri cho rằng, mình bị truy tố oan vì chỉ làm theo sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty, mà cụ thể là bị cáo Thiệt.

Tuy nhiên, sau gần 1 ngày xét xử, các bị cáo đều khiếu nại về diện tích rừng bị phá và cho rằng chưa được cơ quan điều tra cho đi xác định thực tế tại nơi phá rừng cụ thể là bao nhiêu, cũng như khiếu nại về mức giá.

Xét thấy yêu cầu của các bị cáo là chính đáng và để đảm bảo tính khách quan, cũng như xét xử đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, sau khi hội ý HĐXX quyết định trả hồ sơ cho cơ quan điều tra.

Theo cáo trạng, từ tháng 7.2015 - 8.2017, bị cáo Lê Văn Thiệt - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty CP Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo cùng Nguyễn Văn Ri (SN 1975), Lê Hồng Đức (SN 1977); Lê Xuân Hậu (SN 1986); Nguyễn Nguyên Thực (SN 1984; Võ Dần (SN 1949); Văn Ngọc Triển (SN 1969); Nguyễn Cứ (SN 1964) và Phan Dễ (SN 1960, cùng trú huyện Hoài Nhơn), đã có hành vi phá rừng trái phép tại xã An Hưng với tổng diện tích là 64,18ha (gồm 25,87ha rừng phòng hộ và 38,31 ha rừng sản xuất), tổng giá trị rừng bị thiệt hại trên 4,7 tỷ đồng.

img

Hiện trường vụ phá rừng tại xã An Hưng, huyện An Lão.

Cơ quan chức năng phát hiện được 3 nhóm và 1 cá nhân (tổng cộng 9 người) đã thực hiện hành vi phá rừng nói trên.

Cụ thể, đối với nhóm Lê Văn Thiệt và Nguyễn Văn Ri, dưới sự chỉ đạo của Thiệt, Ri đã thuê người chặt phá 37,53ha rừng sản xuất.

Nhóm Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu, Nguyễn Nguyên Thực và Võ Dần đã cùng góp tiền thuê nhân công phát thực bì, cưa hạ cây rừng với 17,81ha rừng phòng hộ.

Nhóm Nguyễn Ngọc Triển và Nguyễn Cứ đã cùng góp tiền thuê người thực hiện phá rừng để trồng keo với 6,99ha (trong đó, rừng có chức năng phòng hộ là 6,21ha và 0,78ha rừng có chức năng sản xuất).

Riêng Phan Dễ đã tự phát rừng để trồng keo, diện tích rừng phòng hộ bị phá là 1,85ha.

Theo Viện KSND tỉnh Bình Định, hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, đã vi phạm Luật Quản lý và bảo vệ rừng, xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương, cần xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự để răn đe và ngăn ngừa tội phạm. Theo đó, Viện quyết định truy tố trước TAND tỉnh Bình Định để xét xử các bị can về tội “Hủy hoại rừng”.

Trước đó, ngày 28.6, HĐXX TAND tỉnh Bình Định cũng đã hoãn phiên tòa xét xử vụ án này do vắng mặt nhân chứng và người bào chữa cho bị cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem