Tin từ Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh cho biết, bệnh viện vừa điều trị cho một bệnh nhân nhập viện vì viêm phổi, tuy nhiên quá trình khám đã phát hiện 1 khối phổi biệt lập - "phổi thừa", cần cắt bỏ.
Nam bệnh nhân là N.T.N (36 tuổi) ở phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả. Cách đây khoảng vài ngày, bệnh nhân ở nhà sốt cao liên tục, ho nhiều, đau ngực, khó thở, điều trị tại bệnh viện tuyến dưới không tiến triển nên được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Qua chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, các bác sĩ phát hiện hình ảnh khối phổi biệt lập kích thước lớn ở đáy phổi trái có động mạch nuôi xuất phát từ động mạch chủ ngực. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định cắt phổi biệt lập qua nội soi lồng ngực.
Theo bác sĩ Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại (Bệnh viện đa khoa Quảng NInh), phổi biệt lập là một khối đặc giàu mạch máu, giống như lá gan dính liền thùy dưới phổi trái có một động mạch nuôi từ nhánh động mạch chủ ngực, áp lực rất lớn.
Vì vậy quá trình phẫu tích đòi hỏi các phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm phẫu tích để tránh chảy máu ồ ạt trong mổ.
“Bệnh nhân N. có khối phổi biệt lập chiếm gần hết thùy dưới phổi trái, kích thước lớn (15x15cm). Phổi phụ này gây chèn ép và kích thích, viêm dính phổi lành lân cận dẫn đến bệnh nhân dễ bị viêm phổi tái phát khó khỏi.
Phổi phụ to nên mạch máu nuôi cũng lớn, áp lực máu cao do gần tim nên chúng tôi rất cẩn trọng khi phẫu tích phổi biệt lập ra khỏi nhánh mạch này, bởi người bệnh có thể mất máu ồ ạt ngay trên bàn mổ, đe dọa tử vong cao.
Nhờ quá trình đào tạo bài bản, kinh nghiệm vững vàng trong phẫu thuật lồng ngực, mạch máu cùng sự hỗ trợ của hệ thống nội soi 3D hiện đại với các dụng cụ cắt nối chuyên dụng, chúng tôi đã khéo léo xử lý gọn gàng khối phổi biệt lập cùng nhánh mạch nuôi trong lồng ngực chật hẹp mà không mất nhiều máu của người bệnh", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Bác sĩ Hùng cũng cho biết, phổi biệt lập là một bất thường bẩm sinh, chiếm tỉ lệ khoảng 2% trong số các bệnh lý phổi bẩm sinh.
Thùy phổi này không có chức năng hô hấp do không có sự trao đổi oxy với động mạch phổi và khí phế quản, được cấp máu riêng bởi mạch máu xuất phát từ động mạch chủ ngực hoặc động mạch chủ bụng, do vậy tổ chức phổi biệt lập giàu các mạch máu sẽ có áp lực cao và dễ gây chảy máu trong phổi.
Triệu chứng của bệnh nhân có khối phổi biệt lập là viêm đường hô hấp, đau ngực, sốt, ho từng đợt do phổi biệt lập gây kích thích viêm dính tổ chức phổi lân cận.
Vì triệu chứng không đặc hiệu nên rất dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác (viêm phổi tái diễn, u phổi, kén phế quản…).
Bác sĩ Hùng cũng khuyến cáo, người dân khi có các triệu chứng sốt cao kéo dài, ho nhiều, đau tức ngực, khó thở… cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về hô hấp, lồng ngực để được chẩn đoán, điều trị. Khi đã phát hiện phổi biệt lập cần điều trị sớm để tránh nhiễm khuẩn, gây tổn thương đến vùng phổi lành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.