Hà Nội xuất hiện trẻ bị ho gà, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 08/03/2024 06:18 AM (GMT+7)
Trong 2 tuần gần đây, Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc ho gà, một bệnh nếu tiêm phòng đầy đủ rất hiếm khi có trẻ mắc.
Bình luận 0

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 16/2 đến ngày 1/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6 ca mắc ho gà. Như vậy, từ đầu năm đến nay, TP đã có 9 ca mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm 2022 và năm 2023 không ghi nhận ca mắc. 

Điều đáng nói, đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh.  

Bác sĩ Bùi Thu Phương, khoa Nhi, Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, bệnh ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng lây nhiễm cao. 

Bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi các triệu chứng như ho, hắt hơi, xổ mũi, sốt nhẹ, tăng nặng sau từ 1- 2 tuần. Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể rất nặng với triệu chứng suy hô hấp, thậm chí gây tử vong.

Hà Nội xuất hiện trẻ bị ho gà, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm- Ảnh 1.

Vi khuẩn ho gà Bordetella trong đường hô hấp của con người. Ảnh minh họa Shutterstock

"Cho tới nay, bệnh vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới dù tiêm chủng đã được phủ rộng. 

Chu kỳ dịch khoảng 2-5 năm, xảy ra lẻ tẻ ở tất các các nước, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi, các ca bệnh nặng và tử vong hay gặp ở trẻ độ tuổi bú mẹ, tỷ lệ tử vong tăng cao hơn ở các nước đang phát triển", bác sĩ Phương cho biết. 

Theo bác sĩ Phương, nếu trẻ chưa được tiêm phòng ho gà rất dễ bị mắc bệnh. Đặc điểm lâm sàng của nhóm bệnh này thường chia làm các giai đoạn: Khởi phát, toàn phát, giai đoạn lui bệnh và hồi phục.

Ở giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Biểu hiện điển hình như ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, dần chuyển thành ho cơn. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, giai đoạn này thường không có.

Giai đoạn toàn phát (giai đoạn ho cơn): Thường kéo dài từ 1-2 tuần, với trẻ < 3 tháng tuổi, thời kỳ này kéo dài hơn, xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ cả ngày và đêm, ho cả khi trẻ đang chơi, đang ăn hay khi đang quấy khóc, cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít và khạc đờm.

Ở giai đoạn này, trẻ bị rũ rượi, mỗi cơn thường từ 15-20 tiếng liên tiếp. Khi ho lưỡi bị đẩy ra ngoài, lâu dần dẫn tới loét hãm lưỡi (ở trẻ chưa có răng thì không gặp triệu chứng này). 

Cơn ho nặng, trẻ có thể thở yếu dần, có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi.

Đồng thời xuất hiện thở rít vào thường xuất hiện cuổi cơn ho và có khạc đờm. 

Trẻ mệt mỏi, nôn vã mồ hôi mạch nhanh sau mỗi cơn ho. Ngoài ra trẻ có thể sốt nhẹ, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, có ran phế quản. Các cơn ho tăng dần về số cơn và mức độ nặng của cơn trong vòng vài ngày đến 1 tuần và duy trì trạng thái nặng trong vòng vài ngày đến vài tuần. Cơn ho nặng có thể kéo dài vài giờ.

Thời kỳ lui bệnh và hồi phục: kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần: Số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn. Tình trạng toàn thân tốt lên, trẻ ăn được và vui chơi bình thường. Tuy nhiên, ở một số trẻ có thể có những cơn ho kéo dài 1-2 tháng. Đặc biệt trẻ dưới 3 tháng tuổi, thời gian ho có thể kéo dài cả năm sau đó.

Hà Nội xuất hiện trẻ bị ho gà, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm- Ảnh 2.

Tiêm vaccine phòng ho gà đầy đủ cho trẻ là cách phòng bệnh tốt nhất. (Tiêm vaccine cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh BVCC)

"Trẻ bị ho gà có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm trùng bội nhiễm (viêm phổi, viêm tai giữa); Suy hô hấp (do ngừng thở, viêm phổi hoặc tăng áp phổi), suy tuần hoàn; Tăng áp lực động mạch phổi", bác sĩ Phương nhấn mạnh. 

Theo bác sĩ Phương, khi phát hiện trẻ mắc ho gà cần được thực hiện các biện pháp dự phòng lây qua hô hấp. Trẻ cần được cách ly 3-4 tuần để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh; Giảm các kích thích cho trẻ và tránh các mối lo lắng bị lây bệnh cho các thành viên trong gia đình. 

Ngoài ra cần dự phòng sau phơi nhiễm bằng kháng sinh cho những người trong gia đình tiếp xúc gần với trẻ và những người chăm sóc trẻ ở bất kỳ tuổi nào, tiền sử tiêm phòng và có triệu chứng hay không. Tiêm phòng cho những người tiếp xúc gần cũng nên được xem xét.

"Bệnh ho gà có vaccine dự phòng, vaccine này nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ. Do đó, cha mẹ cần cho con đi tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng ho gà và các bệnh khác. 

Trong đó, vaccine ho gà được tiêm mũi 1 lúc trẻ 2 tháng tuổi, mũi 2, 3,4 lần lượt khi trẻ được 3 tháng, 4 tháng và 18 tháng tuổi", bác sĩ Phương khuyến cáo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem