Định giá doanh nghiệp hàng triệu đô dù biên lợi nhuận thấp, startup sàn dropship ra về tay trắng
Định giá doanh nghiệp hàng triệu đô dù biên lợi nhuận thấp, startup sàn dropship ra về tay trắng
PV
Thứ hai, ngày 11/07/2022 06:49 AM (GMT+7)
FuniMart là sàn thương mại điện tử dropship (vận chuyển theo đơn đặt hàng). Mục tiêu của startup này là trở thành Top 1 hệ sinh thái về nền tảng kinh doanh online với hơn 10 triệu cộng tác viên bán hàng, doanh thu đạt 50 triệu USD mỗi tháng và có mặt tại hơn 10 quốc gia Đông Nam Á vào năm 2025.
Theo giới thiệu của nhà sáng lập Minh Đức, FuniMart là cầu nối và giải pháp cho những nhà cung cấp và cộng tác viên kinh doanh online (trực tuyến). Nhà cung cấp có thể dễ dàng đăng tải sản phẩm, tìm kiếm, gia tăng, phát triển số lượng cộng tác viên và quản lý đơn giản trên một nền tảng thống nhất. Tất cả đơn hàng sẽ được nhà cung cấp xử lý và giao hàng đến tận tay khách hàng, cộng tác viên sẽ được hưởng hoa hồng trên từng đơn hàng thành công.
FuniMart đã tạo ra doanh thu hơn 500 triệu cho các nhãn hàng về đồ gia dụng và nhà bếp. Đỉnh điểm, nền tảng này đã giúp các nhãn hàng đạt hơn 2 tỷ mỗi tháng.
Bên cạnh cung cấp sản phẩm và công cụ, startup còn cho ra đời Funi Academy để chia sẻ, đào tạo kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giúp cộng tác viên có thể bán hàng hiệu quả hơn bằng những khóa học miễn phí và khóa học chuyên sâu có thu phí. Trong 2 tháng qua, Funi Academy đã đào tạo hàng trăm học viên và mang về doanh thu là hơn 300 triệu.
Ngoài ra, startup này còn có Funi Express, hợp tác với tất cả đối tác vận chuyển tại Việt Nam và trong khu vực để phục vụ mục tiêu phát triển quốc tế.
Theo Minh Đức, startup còn hợp tác với các cổng thanh toán, ví điện tử, tạo ra một hệ sinh thái quản lý dòng tiền, đơn hàng thuận tiện cho các nhà bán. Với lượng lớn đơn hàng giao dịch chảy qua FuniMart mỗi ngày, startup hợp tác với các đối tác tín dụng, cho phép các nhà bán có thể vay tiền, vay tín dụng nhằm làm đòn bẩy tài chính trong kinh doanh online.
Nguyễn Hiếu Liêm – nhà đồng sáng lập và đầu tư thiên thần của FuniMart cho biết, startup đã hoạt động được 2 năm. Trong năm 2022, startup này đã hòa vốn với GMV (Gross Merchandise Volume – Tổng giá trị giao dịch) trung bình mỗi tháng là 500.000 USD và có hơn 50.000 cộng tác viên.
Doanh thu trong tháng gần nhất của FuniMart là 1,5 tỷ, đến từ việc thu phí vận hành cho một số nhãn hàng; các khóa đào tạo; phí cố định của các nhà cung cấp và cộng tác viên; phí hoa hồng từ các đơn vị vận chuyển..
Shark Bình cho rằng 4 nguồn thu mà startup nêu ra chưa đáng kể, ngoại trừ việc FuniMart đang “lấy ngắn nuôi dài” từ việc thu tiền các khóa đào tạo bán hàng online. Có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Chủ tịch HĐQT NextTech cho biết, nguồn thu quan trọng nhất của nền tảng như thế này là thu phí theo GMV. Tuy nhiên hiện tại startup lại chưa thu mà cho hết cộng tác viên.
Đáp lại, Hiếu Liêm cho biết lợi thế cạnh tranh của FuniMart là miễn phí hoa hồng giao dịch thành công.
Không đồng tình với các nhận định này, Shark Bình cho rằng FuniMart miễn phí hoa hồng thì các bên khác cũng làm được. Ông đặt ra tình huống khi các đối thủ khác gọi được nhiều vốn từ các quỹ của nước ngoài thì sẽ “đè” startup và muốn biết “long mạch” khác biệt của FuniMart.
Minh Đức cho biết, FuniMart sẽ là đơn vị hỗ trợ vận hành cho các nhãn hàng và thu phí từ 1 – 6% tùy dòng sản phẩm. Ngoài ra FuniMart cũng có nhiều nguồn doanh thu khác, ví dụ như từ các đơn vị vận chuyển. Startup hưởng lợi từ 3.000 – 5.000Đ/đơn hàng và trung bình mỗi ngày FuniMart có khoảng 2.000 đơn hàng.
Trên nền tảng FuniMart hiện đã có hơn 100 nhãn hàng niêm yết. Bên cạnh những sản phẩm vật lý, FuniMart định hướng trở thành đối tác chiến lược, nhà phân phối các sản phẩm phi vật lý như bảo hiểm, vé máy bay, tàu hỏa, thẻ điện thoại nhằm tạo ra một hệ sinh thái toàn diện cho các cộng tác viên có thể kinh doanh online kiếm thêm thu nhập. Minh Đức cũng tiết lộ FuniMart đang hợp tác với một số đối tác bán bảo hiểm như VIFO, Global Care, VASS, đối tác vé máy bay, tour du lịch.
Mô tả về bộ máy nhân sự, Minh Đức cho biết đội ngũ của FuniMart có gần 20 người. Trong đó Minh Đức và Hiếu Liêm là sáng lập, còn lại là các nhân sự phụ trách marketing, chăm sóc khách hàng, xây dựng và phát triển nhãn hàng.
Vốn điều lệ của FuniMart là 300 triệu, thực góp là 2,3 tỷ. Startup này đã trải qua 2 lần gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần. Vòng đầu tiên vào năm 2020 với số vốn là 10.000 USD, vòng tiếp theo là 100.000 USD vào năm 2022.
Khi Shark Liên đặt ra câu hỏi những gì startup làm được thì người khác cũng làm được, Hiếu Liêm cho biết lợi thế của FuniMart là các cộng tác viên đều có thể bán hàng đa kênh. Từ việc bán hàng trên các kênh mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo đến bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, TikTok Shop. Trong khi đó đa phần đối thủ chỉ hỗ trợ cộng tác viên đăng bài, livestream (phát trực tiếp) bán hàng trên Facebook để chốt đơn.
Một lợi thế khác của FuniMart là đã xây dựng cộng đồng nhà bán hàng để chia sẻ kinh nghiệm với hơn 50.000 cộng tác viên đang hoạt động.
Hiếu Liêm nêu quan điểm rằng nếu có các đối thủ lớn vào thị trường thì đây là cơ hội tốt giúp educate (giáo dục) thị trường, giúp cộng tác viên hiểu hơn về mô hình dropship. Ưu điểm của FuniMart là đi bền vững chứ không đi nhanh “đốt” tiền.
Quan điểm này của startup không nhận được sự đồng tình của Shark Bình. Ông cho rằng startup đang “lý tưởng hóa”.
Shark Linh thắc mắc về các loại sản phẩm được bán trên FuniMart và việc đánh giá chất lượng sản phẩm. Minh Đức cho biết startup của mình có đội ngũ chuyên quản lý chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp. Các nhà cung cấp muốn lên sàn, muốn được vào ShopMall hay Shop yêu thích thì đều phải gửi sản phẩm kèm giấy tờ để đội ngũ của FuniMart kiểm duyệt chất lượng và xây dựng hệ thống đánh giá sản phẩm. Còn lại các tổng kho, nhà cung cấp, xưởng sản xuất muốn bán hàng trên FuniMart thì startup cũng có những hệ thống xếp hạng dựa trên lịch sử bán hàng của nhà cung cấp đó.
Shark Hưng đánh giá mô hình của startup là xu thế của thương mại điện tử hiện nay và rất cần thiết cho thị trường. Ông phân tích startup đang gặp phải câu chuyện “con gà quả trứng”. Startup phải chọn lựa hàng hóa, đàm phán tỷ lệ hoa hồng với nhà cung cấp để có hàng tốt, giá rẻ thu hút cộng tác viên. Ngược lại, cộng tác viên phải bán hàng giỏi, GMV cao mới thu hút nhà cung cấp đưa hàng hóa vào.
Đánh giá lợi nhuận startup đạt được lúc này rất nhỏ bé so với định giá doanh nghiệp và không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên Shark Hưng từ chối đầu tư.
Shark Bình phân tích mô hình của startup có nhiều khó khăn. Đầu tiên là nguồn hàng tốt thì khó chiết khấu cao. Thứ hai là chi phí tuyển dụng và giữ chân cộng tác viên cao. Biên lợi nhuận của startup thấp so với các ngành thương mại điện tử. Ông tiết lộ đã từng đầu tư vào lĩnh vực dropship nhưng chưa thành công. Chính vì vậy ông cũng không đầu tư cho startup.
Vì không hiểu về lĩnh vực của startup và định giá doanh nghiệp startup đưa ra quá cao so với kết quả đạt được nên Shark Phú cũng từ chối đầu tư.
Shark Linh phân tích rằng startup đặt mục tiêu mở rộng ra các quốc gia khác sẽ khó cạnh tranh vì có các công ty khác đã đi trước. Vì vậy, bà cũng không đầu tư.
Shark Liên cho rằng FuniMart đang định giá doanh nghiệp quá cao. Với tư cách nhà đầu tư, bà chưa có cơ sở để đầu tư cho startup. Chính vì vậy bà cũng từ chối ra deal cho thương vụ này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.