Doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn bây giờ cũng khó như… Shark Tank “hứa” rót vốn

Quốc Hải Thứ tư, ngày 22/06/2022 16:16 PM (GMT+7)
Việc triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay trên thực tế dường như còn quá chậm, khiến doanh nghiệp cảm thấy “mất niềm tin” vào chương trình hỗ trợ phục hồi sau dịch…
Bình luận 0

Hồ hởi rồi mòn mỏi, thất vọng

Khi được hỏi về gói hỗ trợ lãi suất 2% để phục hồi, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More) thở dài: Nói thật, gói này hầu như không ai tiếp cận được hết…

Theo ông Luận, ngay khi nghe triển khai về gói hỗ trợ lãi suất này, doanh nghiệp của ông đã tiếp cận các ngân hàng để tìm hiểu nhưng các điều kiện đưa ra của gói này vượt khỏi "tầm với" của đơn vị.

Doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn bây giờ cũng khó như… Shark Tank “hứa” rót vốn - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp sản xuất đang rất mong được tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% để phục hồi. Ảnh: Quốc Hải

"Nói chung, nếu là phần vay cũ thì doanh nghiệp không được hỗ trợ gì hết, trước giờ vẫn chịu lãi suất 7-8%, hoặc 9%. Còn nếu như vay mới thì phải đợi đạt một số điều kiện, có tài sản thế chấp giống y như những gói vay bình thường khác, nghĩa là phải có tài sản, nhà cửa, đất đai… để thế chấp vào.

Rồi doanh số trong các năm vừa qua phải dương, không lỗ thì mới được ngân hàng giải ngân 70% theo giá trị của tài sản. Khi đó, ví dụ nếu thị trường hiện đang cho vay khoảng 9% thì sẽ được giảm về 7%", ông Luận chia sẻ.

"Nói chung là chúng tôi tìm hiểu nhiều lần nhưng không tiếp cận được. Chưa kể chương trình có thể cũng không kéo dài, chỉ từ giờ đến cuối năm là hết", ông Luận chia sẻ thêm.

6 tháng đầu năm, Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu xuất khẩu khá tốt. Quốc tế mở cửa trở lại, vừa là câu chuyện khủng hoảng sau chiến tranh nên quốc tế cũng thiếu lương thực, thực phẩm nên nhu cầu tăng trở lại, nhưng bị yếu tố lạm phát và giá nguyên vật liệu tăng quá cao.

"Cước vận chuyển từ trước đến nay đã cao rồi, giờ lại còn tăng thêm. Thành ra xuất khẩu của chúng tôi tăng hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận thì lại không bằng vì không nâng được giá bán cho khách hàng. Đây là một khó khăn khiến các doanh nghiệp như chúng tôi rất cần hỗ trợ nguồn vốn nhưng  không tiếp cận được. Đành phải cố gắng vượt qua hết năm nay xem sao", ông Luận chia sẻ thêm.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng chia sẻ thắng thắn, có vẻ như các nhà ra chính sách đưa ra việc này cũng chưa sát thực tế.

Theo ông này, lâu nay, chưa có một thống kê nào về việc các gói hỗ trợ đưa ra thì doanh nghiệp tiếp cận được mức độ hiệu quả thế nào. Các chương trình hỗ trợ Covid-19 cũng vậy, chỉ lâu lâu có thông tin trên truyền hình đưa tin gói hỗ trợ này, gói hỗ trợ kia đã tiếp cận được bao nhiêu doanh nghiệp, giải ngân bao nhiêu tỷ đồng… mà chẳng thấy phỏng vấn doanh nghiệp thực tế nào, tiếp cận các gói hỗ trợ ra sao, được vay bao nhiêu, hỗ trợ lãi suất ra sao…

"Giống như trò chơi của Shark Tank bây giờ, các Shark Tank lên truyền hình thì cứ nói cho đã nhưng khi đầu tư vốn cho Shark thì cả một mùa được có vài tỷ, trong khi cam kết thì lên vài chục tỷ đồng. Nói thật, việc tiếp cận nguồn vốn hiện nay cũng giống như games show vậy", ông nói.

Doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn bây giờ cũng khó như… Shark Tank “hứa” rót vốn - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đang rất "khát" vốn

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đang rất mong chờ ngành ngân hàng khẩn trương triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay. Bởi các doanh nghiệp lương thực thực phẩm đang trong cơn "bão giá" khi tất cả nguyên, vật liệu sản xuất đều tăng 20-30%; trong khi hầu hết các mặt hàng đều nằm trong chương trình bình ổn và là các mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến lạm phát.

"Doanh nghiệp không thể đưa hết phần tăng của giá nguyên liệu vào trong giá thành sản phẩm, vì ảnh hưởng đến lạm phát và sức mua tiêu dùng. Việc hỗ trợ 2% lãi suất cho vay theo đó sẽ giúp doanh nghiệp giảm đi phần chi phí rất lớn cho doanh nghiệp trong cơn bão giá, nhất là khi sức tiêu dùng vẫn kém như hiện tại" bà Lý Kim Chi, cho biết.

Tuy nhiên, chương trình hỗ trợ 2% lãi suất đang triển khai quá chậm. Theo bà Kim Chi, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong giai đoạn này là rất lớn, nhiều doanh nghiệp đang rất mong chờ gói hỗ trợ này.

"Các Bộ, ngành cần phối hợp tham gia và khẩn trương giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận", bà Kim Chi đề nghị.

Thế khó của ngân hàng

Theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN, các NHTM có thể lựa chọn thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng theo một trong hai phương thức là giảm trừ trực tiếp số lãi tiền vay phải trả của khách hàng bằng với số tiền vay được hỗ trợ lãi suất.

Hoặc, ngân hàng có thể thực hiện thu của khách hàng toàn bộ lãi tiền vay trong kỳ và hoàn trả khách hàng số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất trong cùng ngày thu lãi.

Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay. Vì vậy, chỉ khi nào doanh nghiệp đáp ứng ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật mới được tiếp cận nguồn vốn này.

Phó Giám đốc một NHTM tại TP.HCM, chia sẻ, việc triển khai chính sách hỗ trợ khiến ngân hàng cũng có băn khoăn lo lắng nhất định. Nguyên nhân là vì nguồn hỗ trợ được lấy từ ngân sách nhà nước, do đó quá trình triển khai hỗ trợ phải đảm bảo vừa hỗ trợ được khách hàng, vừa có thể quyết toán được từ ngân sách.

"Cần phải khẳng định hoạt động ngân hàng luôn có rủi ro nhưng hỗ trợ lãi suất có rủi ro khác là rủi ro cho cán bộ tín dụng trong việc xác định sai đối tượng. Đây là điều các ngân hàng rất quan ngại nên quy trình thẩm định phải chặt chẽ, đánh giá, rà soát hiệu quả dự án theo đúng quy định pháp luật nên chắc chắn sẽ có độ trễ", vị này chia sẻ.

Doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn bây giờ cũng khó như… Shark Tank “hứa” rót vốn - Ảnh 4.

Các ngân hàng đang được NHNN chỉ đạo triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: HDB

Trong khi đó, liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2%, đại diện Sacombank cũng cho biết, hiện ngân hàng đang triển khai thực hiện nhưng phải xây dựng quy trình, quy chế để làm sao có thể hỗ trợ được doanh nghiệp kịp thời, mà phải công khai minh bạch, đúng đối tượng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai, tập huấn về chính sách hỗ trợ lãi suất đến toàn đơn vị; đảm bảo tư vấn và hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng và tuân thủ các quy định liên quan. Trường hợp từ chối hỗ trợ lãi suất, các tổ chức tín dụng phải có văn bản thông báo cho khách hàng.

Song song đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng lưu ý các ngân hàng thương mại phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay theo đúng mục đích sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất.

Đồng thời, theo dõi, lưu trữ hồ sơ, hạch toán, thống kê riêng các khoản vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

"Nếu doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ mà đúng đối tượng, quy định sẽ được hưởng. Trường hợp, doanh nghiệp bị ngân hàng thương mại "làm khó" thì có thể liên hệ với Ngân hàng Nhà nước để được tiếp nhận, giải quyết tháo gỡ. 

Riêng vấn đề tài sản thế chấp là bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các NHTM rà soát các kiến nghị và thực hiện nếu đủ điều kiện, đúng luật", ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem