Chuyến thăm đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện mở
ra cơ hội hợp tác mới giữa hai nước.
Nhân sự kiện này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả
lời báo chí về kết quả chuyến thăm quan trọng của Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Xin Bộ trưởng cho biết, mục đích chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang?
- Chuyến thăm hướng tới 3 mục tiêu chính sau đây: Thứ nhất,
chuyến thăm là một bước quan trọng triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự
chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế
của Đại hội Đảng XI nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam, thúc đẩy và làm sâu sắc
hơn nữa quan hệ với các đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn, trong đó có
Hoa Kỳ.
Thứ hai, đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên trong vòng 5
năm qua giữa hai bên. Chuyến thăm của Chủ tịch nước nhằm xác lập khuôn khổ cho
quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ trong giai đoạn mới; thúc đẩy quan hệ hai
nước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, nhất là trong các lĩnh vực hai nước
có chung lợi ích và ta ưu tiên như kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ,
giáo dục đào tạo để phát triển đất nước, giải quyết hậu quả chiến tranh...
Thứ ba, chuyến thăm thể hiện thiện chí của Việt Nam trong
việc sẵn sàng trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng về các vấn
đề hai bên còn có khác biệt về quan điểm, trong đó có vấn đề quyền con người,
qua đó tăng cường hiểu biết, thu hẹp giảm thiểu bất đồng, khác biệt, đồng thời
khẳng định đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc
bảo đảm và tôn trọng quyền con người.
Xin Bộ trưởng cho biết kết quả nổi bật của chuyến thăm?
- Về chính trị, kết quả lớn nhất của chuyến thăm là hai bên
đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, định hình khuôn khổ
quan hệ song phương cho giai đoạn mới cũng như hướng phát triển của quan hệ
trong những năm tới.
Hai bên đã ra tuyên bố chung, đề cập toàn diện những nguyên
tắc và nội hàm của quan hệ hai nước được xác lập theo khuôn khổ mới, trong đó
có tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế
chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Khuôn khổ quan hệ
bao gồm các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan hệ chính trị
và ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục
và đào tạo, môi trường và y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng và
an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hóa, thể thao và du lịch.
Đây là những lĩnh vực hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang
triển khai tương đối hiệu quả, tuy nhiên hai bên đều mong muốn thúc đẩy hơn nữa
hợp tác giữa hai nước theo hướng thực chất và bền vững. Hai bên nhấn mạnh Đối
tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ phục vụ lợi ích chung của nhân dân
hai nước mà còn góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong
khu vực và trên toàn thế giới.
Ngoài ra, trong các cuộc trao đổi với phía Hoa Kỳ, Chủ tịch
nước cũng khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ
hữu nghị và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ trong quá trình triển khai đường lối
đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đóng góp tích cực vào
việc xây dựng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng,
muốn phát triển quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước lớn trong đó có Hoa Kỳ.
Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ mở rộng hợp tác với châu Á-Thái
Bình Dương vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Hai bên
cũng đã đồng ý thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ giữa hai bộ trưởng ngoại
giao; giữa hai Quốc hội; xem xét trao đổi đoàn của các cơ quan đảng.
Về kinh tế: Hai bên coi đây là trọng tâm, nền tảng và động
lực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Hai bên khuyến khích các doanh nghiệp và
nhà đầu tư Hoa Kỳ tiếp tục tới Việt Nam làm ăn kinh doanh, đặc biệt trong những
lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như công nghệ cao, năng lượng, chế tạo, môi
trường, công nghệ thông tin, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nguồn nhân
lực...
Chúng ta đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị
trường đầy đủ của Việt Nam; bỏ các rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu,
đặc biệt là hàng nông sản, của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.
Việc trên 100
doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ cùng Bộ trưởng Thương mại và đại diện Thương
mại Hoa Kỳ tới dự cuộc gặp và lắng nghe Chủ tịch nước trình bày về triển vọng
quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng như giải đáp mọi thắc mắc cho thấy sự quan
tâm cao của chính giới và các doanh nghiệp Hoa Kỳ về tiềm năng hợp tác kinh tế,
đầu tư với Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama khẳng định
cam kết hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) toàn
diện và tiêu chuẩn cao vào thời điểm sớm nhất có thể trong năm nay. Đây là hiệp
định của thế kỷ 21, giúp tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy các mục
tiêu phát triển và giúp tạo việc làm ở Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước thành viên
TPP khác, trong khi tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành
viên trong khuôn khổ một thỏa thuận cân bằng và toàn diện.
Chuyến thăm cũng thể hiện một Việt Nam chủ động, tích cực
hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong hội
đàm với Tổng thống Obama, khi phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và
quốc tế (CSIS) và trao đổi với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang đã chia sẻ những đánh giá, nhận định về sự vận động của tình hình thế
giới và khu vực, vai trò của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình
hiện nay.
Chủ tịch nước chia sẻ mong muốn của Việt Nam về một khu vực
châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; khẳng định
Việt Nam sẵn sàng nỗ lực đóng góp hiệu quả và thực chất hơn nữa vào hòa bình và
ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước nêu rõ duy trì hoà bình, ổn định, an ninh an
toàn hàng hải ở Biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của các nước trong và
ngoài khu vực; các quốc gia cần nỗ lực, thể hiện trách nhiệm trong việc thực
hiện mục tiêu chung này. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước ta và Tổng thống
Obama tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình,
phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có những quy định của Công ước Liên Hợp
Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đồng thời tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc
không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên
biển và tranh chấp lãnh thổ.
Về quan hệ chính trị trong tương lai: Các cơ chế hiện có sẽ
được củng cố hơn và có thể được nâng cấp hoặc thiết lập mới. Bên cạnh quan hệ
song phương, chuyến thăm chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa phối hợp giữa
Việt Nam và Hoa Kỳ trong
khuôn khổ ASEAN.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhấn mạnh
giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông
(DOC), tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để hoàn tất một bộ Quy tắc
ứng xử (COC) có hiệu quả.
Bên cạnh hoạt động chính thức của Chủ tịch nước, đoàn các
cựu chiến binh và chức sắc tôn giáo của ta đi cùng cũng có các hoạt động tiếp
xúc, làm việc trong thời gian chuyến thăm.
Ngoài cuộc làm việc với đại diện USAID, nhóm đối thoại Mỹ -
Việt về chất da cam/dioxin, các cựu chiến binh đã gặp gỡ với các cựu chiến binh
Hoa Kỳ. Cuộc gặp diễn ra rất cảm động, có ý nghĩa biểu tượng, thể hiện hai nước
thực sự đã vượt qua mộtchặng đường dài
từ cựu thù trở thành bạn bè. Ngày nay, các cựu binh từng đứng ở hai bên chiến
tuyến lại cùng nhau chia sẻ nguyện vọng giản dị là được sống trong hòa bình,
hợp tác lâu dài, gác lại quá khứ, cùng nhau hướng tới tương lai.
Xin Bộ trưởng đánh giá triển vọng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
trong thời gian tới?
- Thời gian tới quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy
trì đà phát triển và có những bước tiến mới, nội dung hợp tác trong từng lĩnh
vực sẽ đi vào chiều sâu với hiệu quả cao hơn trên cả bình diện song phương và
đa phương, trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.
VOV (lược trích) (Theo VOV (lược trích))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.