Đình làng trên 400 năm ở Bắc Ninh suýt hóa tro tàn, có chi tiết chạm khắc đặc biệt không nơi nào có
Đình làng trên 400 năm ở Bắc Ninh suýt hóa tro tàn, có chi tiết chạm khắc đặc biệt không nơi nào có
Gia Khiêm - Phạm Thứ
Chủ nhật, ngày 22/12/2024 06:06 AM (GMT+7)
Đình làng Phù Lưu (Bắc Ninh) có niên đại hơn 400 năm với các hình chạm khắc ở đình có rồng, phượng, hoa lá... nhưng đặc biệt có điêu khắc cảnh trai gái cưỡi rồng ca hát, đấu vật, chèo thuyền… độc đáo khác biệt so không nơi nào có.
Đình làng hơn 400 năm tuổi, được xếp là một trong những đình cổ và đẹp nhất cả nước
Dọc theo con đường đá xanh đặc biệt gần 100 năm tuổi dẫn vào làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nhiều người cảm nhận được nét kiến trúc đặc biệt của đình làng Phù Lưu.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Bình (69 tuổi, Trưởng họ của dòng họ Hoàng - một dòng họ lớn có nhiều ưu tú tại Phù Lưu) cho biết, Phù Lưu là một ngôi làng cổ nổi tiếng của cả vùng Kinh Bắc. Nay làng đã thành phố, nhưng con đường lát đá xanh mà cụ Tổng đốc Hoàng Thụy Chi, người làng làm năm 1933 vẫn giữ được.
Theo ông Bình, đình Phù Lưu mặt bằng kiến trúc hình chữ công, được xây dựng ngay gần khu chợ xưa của làng, trên một khoảng đất rộng. Đây là ngôi đình lớn và cổ kính còn lại trên đất Từ Sơn cho đến ngày nay, được Bộ Văn hóa Thể thao xếp hạng là di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật năm 1992. Đây cũng là ngôi đình được xếp thứ 5 trên tổng số 62 ngôi đình được xem là cổ và đẹp nhất cả nước.
"Toàn bộ công trình kiến trúc được dựng trên nền bó đá tảng xanh có diện tích hơn 400m2, mái lợp ngói mũi, bờ dải hộp rỗng hoa chanh, bốn đầu đao cong thanh thoát. Đình Phù Lưu được khởi dựng vào thời gian chuyển tiếp giữa hai thế kỷ XVI-XVII, thời Mạc cách đây trên 400 năm. Toà đại đình gồm 5 gian 2 chái, 2 dĩ và hậu cung dài 31m6… Cả 7 gian đều có 6 hàng cột cấu trúc theo kiểu 'Lục hàng chân'. Kể cả hậu cung có 70 cột to nhỏ khác nhau. Các cột đều đứng trên tảng đá vững chãi.
Gỗ làm đại đình đều là loại tứ thiết và đã đực các bàn tay tài hoa tạo dựng, chạm khacs khéo léo tinh sảo sống động. Các hình chạm khắc ở đình có rồng, phượng, hoa lá và con người. Nhưng con người là chủ yếu. Đó là cảnh trai gái cưỡi rồng ca hát, đấu vật, chèo thuyền… là những mảng điều khắc cổ thời Lê cuối thế kỷ XVII. Đó cũng là cái độc đáo khác biệt so với các hình chạm của các đình khác trong vùng, trong cả nước", ông Bình chia sẻ.
Ông Bình kể tiếp, năm 1789, dưới triều Lê, một người làng tên là Nguyễn Lệnh Công làm quan đến chức Thượng tướng quân, đô hộ phủ đô đốc thiên sự, Tổng thái giám đã hưng công tôn tạo lại đình và mở mang chợ làng.
Đặc biệt trên hai bức cốn hai đầu đình phía ngoài có hai bức chạm khắc cảnh chèo thuyền rồng, được sơn son thếp vàng, một trong hai chiếc thuyền có chữ "Vinh quy", đây là một cảnh vinh quy bằng đường thủy rất độc đáo. Đầu thuyền chạm rồng, mũi thuyền có hình người ngồi trong khoang có mái che, giữa thuyền có người cầm trịch gõ nhịp chỉ huy cùng với sáu người cầm mái khua chèo, đuôi thuyền chạm hình người cầm lái.
"Bức chạm thuyền rồng đầu đình bên kia có người cầm cờ. Những người chèo thuyền đều mình trần đóng khố, chít khăn hoặc đội mũ. Nhìn vào toàn cảnh bức phù điêu thấy hình khối hiện lên khá sinh động. Bức chạm sơn son thiếp vàng này cho thấy không khí tưng bừng, náo nhiệt của một ngày hội", ông Bình chỉ lên phần mái đình chia sẻ.
Ngôi đình suýt hoá tro tàn
Cùng với đó, trên đầu các cây cột cái, cột quân và cột hiên đều còn thấy dấu vết lắp ván gió vào khoảng trống giữa xà và hoành đặt trên đấu đỉnh cột. Trên hàng cột quân những tấm ván gió đã mất, hàng cột cái vẫn còn hai tấm ván gió chạy dài suốt một gian, chiều cao khoảng 40cm, mặt trước được chạm khắc trang trí.
Trên một ván gió hẹp và dài chạm một đôi rồng có người cưỡi. Người cưỡi rồng ở phía bên phải là hình một tiên nữ vì có cánh, hình người phía bên trái là hình một chàng trai, vì tính chất tạo hình mạnh mẽ. Cùng trong bố cục ấy có thêm hình tượng người hầu chạy theo che lọng, ván gió này cũng được sơn son thếp vàng làm cho bức chạm tăng giá trị nghệ thuật.
"Một số bức cốn theo chiều ngang ở hai gian giáp đầu hồi, trên xà đùi của dãy cột trong, cột ngoài, cốn dọc nối cột cái, cột quân…được chạm những hình rồng, nghê, mây, hoa lá, cô gái ngồi bên cửa sổ… tạo nên sự phong phú cho phong cách tạo hình", ông Bình chỉ nét đặc biệt của ngôi đình cổ 400 năm tuổi.
Trưởng họ của dòng họ Hoàng cũng cho biết, sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ Hoàng Thuý Mậu khi ấy là Chủ tịch UBHC-UBKCHC xã Tân Hồng đã có công giữ lại đình và sau này góp thêm tiếng nói giữ lại đền làng cho dân.
"Khi ấy quân Pháp sau khi rút lui đã có ý định đốt phá đình làng, tuy nhiên cụ Hoàng Thuý Mậu đã có công giữ lại đình nên mới giữ được cho tới ngày hôm nay không thì đình làng cũng đã bị tàn phá", ông Bình kể lại.
Ông Bình kể, người Phù Lưu có nhiều điều kiện trong việc học hành. Phụ nữ Phù Lưu duyên dáng, thanh lịch. Nhờ tài đảm đang buôn bán, những người mẹ, người vợ ở đây chăm lo cuộc sống gia đình như một thiên chức, tạo điều kiện để đàn ông, con trai dùi mài đèn sách, do đó, số người đi học, đi thi đỗ đạt thời xưa khá nhiều.
Ngày nay, đinh Phù Lưu cổ kính dưới bóng đề cổ thụ luôn luôn được nhân dân gìn giữ, tôn tạo và mãi mãi là niềm tự hào của dân làng Phù Lưu - Chợ Giầu văn hiến, giàu đẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.