Chỉ vài tuần trước đây là ngày kỷ niệm 50 năm sinh nhật của định luật Moore. Định luật này được phát biểu cách đây nửa thế kỷ bởi Gordon Moore, người đồng sáng lập ra hãng chip x86 lớn nhất thế giới, Intel. Trong ngần ấy năm, công ty này luôn cố gắng gìn giữ điều mà cựu chủ tịch của mình đã từng phát biểu.
Kích thước các bóng bán dẫn (transistor) đang gần chạm tới giới hạn vật lý...
Phát biểu trên đến tình cờ từ việc Moore nhận ra sự tăng trưởng số bóng bán dẫn (transistor) trên các con chip theo các năm. Ông nói với tạp chí Venture Beat: "Tôi bắt đầu nhận ra trong phòng thí nghiệm của chúng tôi rằng chúng ta sẽ có nhiều mạch điện tử hơn trên một con chip, và thời điểm đó là cơ hội để gửi thông điệp với mọi người. Tôi không biết tại sao nó lại có thể chính xác như một lời tiên tri".
Tuy nhiên, phát biểu của Moore không phải bất biến suốt 50 năm. Trong lần dự đoán đầu tiên, ông nói rằng số lượng transistor trên mỗi con chip sẽ tăng gấp đôi cứ mỗi 1 năm. Đến 1975, ông đẩy con số đó lên 2 năm và nó gần như đúng toàn bộ trong 40 năm còn lại. "Tôi không thể tưởng tượng ra được điều gì có thể tăng trưởng theo cấp số mũ tới một thời gian lâu đến như thế", Moore cảm thán.
...đòi hỏi các hãng công nghệ phải nghiên cứu nhiều hơn nữa.
Nhưng khi nhận xét như thế, bản thân ông cũng thấy được định luật trên sẽ không thể tồn tại mãi. Giống Moore, nhiều người khác cũng phát biểu điều tương tự trong nhiều năm qua. Và để giúp nó tiếp tục "hơi thở", các hãng công nghệ sẽ phải nỗ lực nghiên cứu nhiều hơn nữa để giúp tiến trình thu nhỏ các mạch điện được liên tục. Tại mức 7 nm, silicon hầu như không thể thu nhỏ hơn nữa và người ta phải tìm đến loại bán dẫn mới có độ dẫn điện cao hơn như vật liệu thuộc nhóm III-V. Theo Moore, các "kỹ thuật tốt" có thể giúp phát biểu của ông tồn tại được thêm 10 năm.
CEO đương nhiệm của Intel, Brian Krzanich, cũng thừa nhận định luật Moore không phải lời tiên đoán như định luật vật lý, mà nó chỉ là sự thúc đẩy cho công nghệ. "Định luật Moore là một nguyên tắc kinh tế, nó dựa rất ít vào hoá học hay lý học". Lời này nhằm ám chỉ khi một thế hệ chip mới ra đời, nó sẽ đẩy giá thành các lứa chip cũ xuống, và những ai chưa thể mua được chip mới ngay khi nó ra mắt thì họ có thể "chờ" tới năm sau. Lẽ tất nhiên, điều trên chỉ xảy ra khi các hãng công nghệ rót hàng tỷ USD vào việc nghiên cứu. Nếu không, không có lý do gì cho một con chip mới phải giảm giá nếu nó không được thay thế bởi con tốt hơn.
Kỷ nguyên Internet hiện nay có được nhờ sự ra đời của những con chip nhỏ hơn, tiết kiệm điện hơn.
Liệu tương lai sẽ kỷ nguyên của người lai với máy tính?
Trong phần kết của buổi sinh nhật, cựu chủ tịch Intel không nói nhiều về chip mà ông hướng đến những thứ mới hơn, đang và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của công nghệ nói riêng cũng như nhân loại nói chung: "Tôi ước gì tôi có thể đoán được (sự phát triển) các ứng dụng sớm hơn. Với tôi, sự phát triển của Internet quả là điều bất ngờ. Tôi đã không nhận ra rằng nó có thể mở ra cả một thế giới cơ hội đến thế. Chúng ta chỉ mới ở điểm bắt đầu về những lợi ích mà máy tính có thể làm được cho chúng ta. (Kế tiếp sẽ là) sự phát triển của trí thông minh nhân tạo. Và nó đang lớn lên từng ngày một".
(Theo VnReview/Ars Technica)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.