Thấm thoắt đã tròn nửa thế kỷ họ gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn giữa những ngày mưa bom bão đạn của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Tài sản lớn nhất của vợ chồng người cựu binh hiện nay là 3 người con và các cháu cùng những kỉ vật, kí ức về một thời tuổi trẻ hiến dâng cho Tổ quốc…
Cô gái quê lúa Thái Bình Trần Thị Thanh Kiêm và chàng trai xứ nhãn Trịnh Trung Tích, nay đã ở tuổi cổ lai hi nhưng vẫn giữ được chất lính, luôn lạc quan, yêu đời. Trong căn nhà ngói mộc mạc xây từ năm 1990 ở xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên), còn lưu giữ nhiều kỉ vật: ảnh Thanh Kiêm xinh xắn tuổi 18 chụp trước ngày lên đường vào chiến trường miền Nam, ảnh hai vợ chồng với các đồng đội và đặc biệt là bức phóng to treo trên tường: “Chiến sỹ gái đơn vị xăng dầu Trường Sơn”. Đây là bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Vương Khánh Hồng, chụp năm 1973 tại Trung đoàn 592 Bộ đội Trường Sơn, đóng quân bên dòng sông Sê Pôn thuộc tỉnh Savannakhet nước bạn Lào.
Trong ảnh, bà Kiêm bên trái, trên vai là chiếc đòn gánh với những cổ cút, vòng ngoàm; bên phải ảnh là bà Nguyễn Thị Lan (hiện trú tại xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đang vác một đoạn ống dẫn xăng dầu. Bức ảnh chụp lúc nắng đẹp, người chụp đứng phía dưới (có lẽ là con dốc hoặc miệng một hố bom) hướng ống kính về nơi hai nữ chiến sỹ đang tiến đến. Góc chụp này khiến hình ảnh 2 cô gái nổi bật trên nền trời cuồn cuộn những đám mây. Tiền cảnh bên trái có một thân cây mất ngọn, nát te tua – phản ánh rất chân thực sự khốc liệt của chiến trường.
Nhớ lại kỉ niệm trở thành người trong bức ảnh lịch sử, bà Kiêm kể: “Bức ảnh chụp cuối năm 1973. Khi đó, chúng tôi đang chiến đấu trong đội hình Trung đoàn đường ống xăng dầu 592, Bộ đội Trường Sơn, đóng quân bên nước bạn Lào. Đơn vị này có nhiệm vụ bảo đảm thông suốt, an toàn tuyến vận chuyển xăng dầu vào Nam. Hôm ấy, chúng tôi vận chuyển ống dẫn xăng dầu từ lòng sông Sê Pôn về vị trí tập kết. Lúc tôi và chị Lan từ bờ sông đi lên, vừa đi vừa tíu tít nói chuyện. Bỗng có anh bộ đội đeo máy ảnh xuất hiện và nói to: “Này hai em gái, dừng lại cho anh chụp bức ảnh nhé”; chúng tôi vui vẻ nói: “Vâng. Anh nhớ gửi tặng chúng em mỗi đứa một bức đấy”. Thế là anh ấy bấm máy”… Bức ảnh: “Chiến sỹ gái đơn vị xăng dầu Trường Sơn” ra đời đơn giản như thế, song nó là một trong những bức ảnh đã đi vào lịch sử sự nghiệp thống nhất đất nước trong thế kỷ XX.
Bà Kiêm tìm một chiếc túi, lấy ra cho chúng tôi xem những bức thư tình thời chiến, những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian, rồi chiêm nghiệm: “Ơn giời, hai vợ chồng tôi lành lặn trở về và có cuộc sống ổn định. Ba đứa con đều có nhà riêng ở cùng làng. Vợ chồng tôi chả để lại của nả to tát gì. Quý nhất là những bức thư thời chiến và tấm ảnh Chiến sỹ gái đơn vị xăng dầu Trường Sơn. Tôi đã phóng to, lồng khung kính cho cả 4 gia đình treo, để các con, các cháu hiểu cha mẹ, ông bà đã một thời vào sinh ra tử”.
Tròn nửa thế kỉ, bà Kiêm vẫn nhớ như in ngày nhập ngũ đúng kỉ niệm sinh nhật Bác Hồ, 19-5-1971. Sau mấy tháng huấn luyện, 278 chị em đều là những cô gái mới mười tám đôi mươi lên đường ra trận vào ngày 4-10-1971. Càng đi vào phía Nam, hơi thở của cuộc chiến càng rõ rệt với những cánh rừng tan hoang dấu vết bom đạn, những con đường bị băm nát... Đến Quảng Bình, đoàn quân cuốc bộ sang Lào và được bàn giao cho Trung đoàn đường ống 592, Bộ đội Trường Sơn, đóng quân ở Bản Đông, bên dòng sông Sê Pôn thuộc tỉnh Savannakhet. Cô gái Trần Thị Thanh Kiêm cùng một nhóm nữ chiến sĩ được phân công đến Đại đội 8, Tiểu đoàn 968. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, họ hăng hái đảm nhận mọi nhiệm vụ được giao: vận hành đường ống xăng dầu, trực tổng đài, thủ kho và cả văn công để mang lời ca tiếng hát giúp đồng đội thêm lạc quan, yêu đời... “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” là nhờ tinh thần yêu nước và nhiệt huyết tuổi trẻ, nhưng nơi chiến trường, lằn ranh sinh tử cực kì mong manh. Đã có nhiều đồng đội của bà Kiêm mãi mãi tuổi hai mươi và chưa từng biết đến một nụ hôn.
Dù cuộc chiến đã lùi xa nửa thế kỉ nhưng nghe bà Kiêm kể lại những mất mát, hi sinh, chúng tôi vẫn trào dâng xúc động và cảm phục những người lính đã cống hiến tuổi xanh cho đất nước. Hôm đó, nhằm ngày 28-1-1973, tròn 1 ngày sau khi Hiệp định Paris được kí kết, không khí hân hoan lan tỏa khắp đơn vị những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Sửu, mọi người tất bật chuẩn bị gói bánh chưng, trang trí lán trại. Không ai ngờ, tầm 8h sáng, một chiếc máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện giội bom trúng đài thông tin của Trung đoàn 592!
Đúng cảnh thịt nát xương tan. Bà Kiêm ngậm ngùi kể: “Có 19 đồng đội của tôi hi sinh bên dòng Sê Pôn, đa phần là anh chị em quê Thái Bình. Cô bạn đồng hương của tôi, nữ y tá trẻ trung xinh đẹp của trung đoàn tên là Vy, nằm trong số đó. Ngay trước khi trúng bom, Vy đang di chuyển qua các chốt điều trị sốt rét cho bộ đội. Vy chưa một lần yêu. Chúng tôi chỉ tìm được duy nhất một cánh tay con gái nõn nà của Vy, nhận diện được nhờ chiếc nhẫn kỉ niệm của cô ấy. Còn Vân quê Hà Bắc, mãi 3 ngày sau mới tìm được xác bị vùi lấp dưới một chiếc xoong quân dụng loại lớn. Tôi vẫn nhớ sáng hôm đó, Vân cọ xoong nồi để anh em chuẩn bị đón Tết”…
Mối tình thời chiến Trường Sơn
Nơi chiến trường ác liệt, quân lệnh như sơn. Việc đi tắm cũng có quy định rất chặt chẽ, vừa đề phòng biệt kích, thám báo của địch, vừa kín đáo với cánh lính trẻ cùng trung đoàn đã nhiều năm chưa được nhìn thấy một mái tóc dài, đừng nói gì đến việc nghe tiếng nói, nắm tay người con gái.
Một buổi chiều muộn cuối năm 1971, sau một ngày vất vả, 6 nữ chiến sĩ đi tắm suối. Tắm giặt xong, họ trở về lán trại thì dọc đường, gặp một tốp lính cũ toàn nam giới, đều nhập ngũ từ dịp Mậu Thân 1968. Mấy cô gái ngượng ngùng, mải mướt bước nhanh, người bị tụt lại là cô Kiêm xởi lởi lên tiếng: “Em chào các anh. Các anh đi làm về ạ!”.
Lời chào ngọt ngào của cô gái tuổi 18 có khuôn mặt trái xoan tươi tắn khiến chàng lính cũ Trịnh Trung Tích xốn xang. Tròn 50 năm sau, ông Tích vui vẻ kể lại thời khắc bị “sét đánh”: “Bao lâu nay chỉ làm bạn với mưa rừng, đạn bom, chả thấy bóng dáng một cô gái. Nay nghe tiếng chào ngọt lịm và được ngắm những mái tóc dài, anh em tôi vui lắm. Tôi thầm nghĩ, cô bé này được đấy!”.
Những câu chào hỏi làm quen vu vơ, ngượng nghịu. Vài hôm sau, lãnh đạo trung đoàn tổ chức cho anh em giao lưu với các nữ chiến sĩ mới được tăng cường. Ông Tích gặp lại cô gái có lời chào ngọt lịm và “càng ngắm càng say”. Buổi gặp mặt không lãng mạn như người viết bài này mường tượng, bởi ngoài việc tạo điều kiện cho đám lính trẻ gặp gỡ, như ông Tích kể lại, còn có mục đích là vận động anh em lính cũ tặng áo may ô để chị em sửa chữa, sử dụng trong hoàn cảnh trang cấp thiếu thốn, vô cùng khó khăn, nhất là với các nữ quân nhân; rồi tặng gà giúp chị em có vốn tăng gia. Hôm đó, anh lính Trịnh Trung Tích đã tặng người bạn đời tương lai một cặp gà mái.
Là cô gái trẻ trung, xinh xắn và có giọng hát khá hay, Thanh Kiêm trở thành một cây văn nghệ, một "họa mi giữa rừng Trường Sơn". Trịnh Trung Tích cũng có khiếu đàn ca. Ngẫu nhiên và hữu ý, họ hợp thành một cặp song ca, đoạt nhiều giải cao của tiểu đoàn, trung đoàn. Nữ chiến sỹ Trần Thị Thanh Kiêm từng đoạt giải A giọng hát hay toàn quân năm 1974, tiết mục được thu âm và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam…
Ông Tích vui vẻ bật mí với chúng tôi về màn tỏ tình: “Mình là đàn ông, phải chủ động. Nhưng cũng như đi trận phải trinh sát đã. Tôi không muốn bị tẽn tò vì nhỡ bà ấy có người yêu ở quê rồi hoặc vì lý do nào đó mà từ chối tình cảm của mình. Hôm đó gặp nhau, tôi thẳng thắn: “Kiêm, anh hỏi thật nhé, em đã có người yêu chưa? Bà ấy nhìn tôi, bẽn lẽn cười rồi trả lời: “Dạ chưa, anh!”… Dù chiến trường khốc liệt và kỉ luật Quân đội nghiêm ngặt, tình yêu đã nảy nở như thế. Chỉ huy Tiểu đoàn, Trung đoàn, hầu hết là những người bản lĩnh và trải đời nên cũng ngầm ủng hộ mối tình đẹp của đôi trẻ.
Ông Tích kể: “Sau Tết Ất Mão 1975, tình hình chiến trường thay đổi rất nhanh. Những đoàn quân thần tốc tiến vào Sài Gòn, đất nước hoàn toàn thống nhất. Đơn vị tôi anh em ai nấy đều mong ngóng ngày trở lại quê nhà. Chúng tôi may mắn được chỉ huy Trung đoàn rất quan tâm, tạo điều kiện. Mới đầu, chỉ huy gợi ý vợ tôi ra quân về quê học nghề, tôi ở lại đơn vị công tác rồi cưới sau… Chúng tôi suy nghĩ kĩ và quyết định sẽ cưới nhau càng sớm càng tốt, vì đất nước đã hòa bình, thống nhất”.
Giữa tháng 5/1975, đôi trẻ lên gặp đồng chí Trung đoàn trưởng và đề đạt nguyện vọng được về quê tổ chức đám cưới. Khi họ chia tay đơn vị, đồng chí Bảo, Phó ban Chính trị Trung đoàn đưa cho chú rể Trịnh Trung Tích bức ảnh cắt từ một tờ báo và dí dỏm nói: “Để góp vào ảnh cưới”. Đó là bức ảnh đã đi vào lịch sử: “Chiến sỹ gái đơn vị xăng dầu Trường Sơn”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.