DN dính nghi án tài trợ lãnh đạo Bộ Công Thương đi nước ngoài đột ngột bãi nhiệm TGĐ

Huyền Anh Thứ ba, ngày 02/04/2019 09:40 AM (GMT+7)
Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) vừa bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc của ông Trần Ngọc Hà, thành viên HĐQT sau gần 8 tháng bị đình chỉ chức vụ. Năm 2018, VEAM vẫn đạt lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng dù vướng vào không ít nghi án, đồn đoán về việc tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương đi nước ngoài và quyền Tổng giám đốc VEAM bỏ trốn.
Bình luận 0

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM Corp – mã VEA) vừa ban hành thông báo về việc bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc.

Theo đó, trên cổng thông tin điện tử của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, hội đồng quản trị VEAM đã chính thức ban hành nghị quyết ngày 29.3.2019 về việc bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà, thành viên HĐQT VEAM.

Đột ngột bãi nhiệm Tổng giám đốc

Quyết định này căn cứ quy chế nội bộ về quản trị VEAM được ĐHĐCĐ thông qua ngày 29.6.2018 và căn cứ kết quả biểu quyết của thành viên HĐQT về việc bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc VEAM đối với ông Trần Ngọc Hà tại phiên họp ngày 29.3 vừa qua.

img 

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh VEAM đang bị rơi vào trường hợp rất hi hữu là cùng lúc có tới 2 tổng giám đốc. Trong đó, 1 người tạm thời bị đình chỉ chức vụ và 1 người hiện đang thay thế. Như vậy mới việc chính thức bãi nhiệm ông Trần Ngọc Hà, VEAM sẽ thoát khỏi vòng rối ren khi một công ty có tới hai Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, lý do bãi nhiệm không được VEAM công bố chi tiết.

Trước đó, ngày 8.8.2018, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp công bố thông tin cho biết, ông Trần Ngọc Hà, thành viên HĐQT tạm dừng nhiệm vụ điều hành với chức danh Tổng giám đốc. HĐQT giao ông Ngô Văn Tuyển, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc lên thay thế và là người đại diện theo pháp luật của VEAM trong thời gian ông Hà bị tạm dừng nhiệm vụ.

img 

Ông Trần Ngọc Hà vừa bị bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM

Lý do đưa ra khiến ông Hà bị tạm dừng nhiệm vụ liên quan đến thương vụ mua bán 3.000 linh kiện phụ tùng ô tô xe Hyundai để sản xuất và tiêu thụ của VEAM.

Liên quan đến vụ việc này, VEAM đã có văn bản giải trình, khẳng định việc Tổng giám đốc Trần Ngọc Hà đơn phương ký hợp đồng này là phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Điều 149 về Hội đồng quản trị: Việc ký mua lô hàng 3.000 bộ linh kiện có giá trị 1.600 tỷ đồng so với tổng giá trị tài sản của VEAM trên 17.000 tỷ đồng là "hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với thẩm quyền của Tổng giám đốc".

Trong các vản bản giải trình sau đó, theo Dantri, VEAM cho rằng việc ông Trần  Ngọc Hà đồng ý để Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM ký hợp đồng mua mà không có văn bản, ý kiến ủy quyền là có "thiếu sót" về thủ tục hành chính và cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Thực tế, đến đầu năm nay VEAM đã tiêu thụ lô 3.000 xe Hyundai này và thu được 1.762,6 tỷ đồng, lợi nhuận thuần tạm tính mang về cho VEAM xấp xỉ 70 tỷ đồng.

Nhiều nghi án, lợi nhuận vẫn nghìn tỷ

Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy và sản xuất, lắp ráp xe tải với thương hiệu VEAM Motor. Có đến trên 80% vốn cảu VEAM hiện do Bộ Công Thương sở hữu.

Không những thế, VEAM còn được gọi tên trong danh sách doanh nghiệp có nhiều lùm xùm nhất trong năm 2018. Ngoài thương vụ “tai tiếng” của ông Hà liên quan đến lô hàng hơn 1.600 tỷ, VEAM còn vướng nghi án quyền Tổng giám đốc Ngô Văn Tuyển “bỏ trốn" ra nước ngoài và tin đồn tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương xuất ngoại?

Cụ thể, VEAM bị đồn đoán là 1 trong trong những nhà tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương xuất ngoại “Tìm hiểu thị trường nguyên liệu và dự hội chợ tại Cuba, Argentina và Panama" kéo dài 12 ngày năm 2016. Tổng chi phí chuyến đi này, riêng phần chi cho 5 cán bộ của Bộ Công Thương lên tới gần 1,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo VEAM đã khẳng định không hề tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương đi nước ngoài.

img 

Vận đen chưa hết đeo bám doanh nghiệp này khi người thay thế ông Hà, là ông Ngô Văn Tuyển dính tin đồn bỏ trốn ra nước ngoài vào cuối năm 2018 vừa qua.

Việc ông Ngô Văn Tuyển, Quyền Tổng Giám đốc của VEAM tự ý đi nước ngoài khi chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng khiến dư luận cho rằng ông này tìm cách bỏ trốn vì trước đó đã có dư luận vị này được cho là vướng vào nhiều sai phạm gây thất thoát của Nhà nước lên đến hơn 250 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thông tin này ngay sau đó đã được Bộ Công thương “dập tắt”.

Về kết quả kinh doanh, trong năm 2018, VEAM đạt 7.130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 40% so với năm trước. Trong đó, phần lợi nhuận từ liên doanh, liên kết lên tới 6.849 tỷ đồng, tăng 32%.

Hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đem lại doanh thu thuần là 7.073 tỷ đồng, lợi nhuận gộp chỉ đạt 603,9 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) VEAM năm 2018 đạt xấp xỉ 5.321 đồng.

img 

Tính đến ngày 31.12.2018, VEAM ghi nhận gần 10.000 tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng tài sản công ty bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền (342,3 tỷ đồng); các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (là các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, 9.649,9 tỷ đồng). Điều này cũng giúp cho doanh thu tài chính của VEAM tăng mạnh trên 60% so với cùng kỳ năm trước, đạt 416,6 tỷ đồng.

img 

BCTC hợp nhất cho thấy, nợ phải trả của VEAM giảm mạnh từ 4.785 tỷ xuống 1.582 tỷ đồng. Riêng chỉ tiêu phải trả người bán của Tổng công ty đã giảm mạnh từ 2.155 tỷ đồng (từ đầu năm 2018), xuống mức 446,6 tỷ đồng.

Tương tự, các khoản phải trả, phải nộp khác cũng giảm mạnh với 1.566,3 tỷ đồng, xuống mức 195,6 tỷ đồng. Sự biến động này đến từ việc khoản mục “Phải trả về cổ phần hóa” của VEAM đã giảm từ 1.511 tỷ đồng, về mức 11,76 tỷ đồng vào cuối năm 2018.

Cuối năm 2018, tổng tài sản của VEAM đạt mức 26 nghìn tỷ đồng, tăng 3 nghìn tỷ đồng so với đầu năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem