Không như Elon Musks hay Mark Zuckerberg – hai tỷ phú công nghệ cam kết sẽ cho đi ít nhất một nửa tài sản trước khi qua đời, Feeney nổi tiếng với lời hứa cho đi mọi số tiền mình có và sẽ chết như một người đàn ông không có đồng xu nào dính túi.
Đến tuần này, cựu tỷ phú 89 tuổi đã khánh kiệt khi quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies của ông dừng hoạt động. Trong hơn 4 thập niên, thông qua Atlantic Philanthropies, ông Feeney đã quyên góp 8 tỷ USD cho các quỹ từ thiện, trường đại học và các tổ chức trên toàn cầu. Điều đáng chú ý là hầu hết các khoản đóng góp được thực hiện bí mật.
Tỷ phú, nhà hảo tâm này cho biết hồi 2012 rằng, ông để ra 2 triệu USD làm tiền nghỉ hưu cho hai vợ chồng. Nói một cách khác, ông đã cho đi hơn 375.000% số tiền mình để lại.
Trong khi nhiều nhà hảo tâm giàu có tuyển mộ cả một đội quân để tuyên truyền về các khoản đóng góp của mình, ông Feeny lại luôn giữ bí mật về các món quà của mình. Vì hoạt động từ thiện bí mật, quy mô toàn cầu, nên tạp chí Forbes đã gọi ông là “James Bond từ thiện”.
Ngày 14/9/2020, trong một buổi lễ được tiến hành trực tuyến qua ứng dụng Zoom với sự tham gia của vợ và các thành viên ban điều hành quỹ, ông Feeney đã ký vào một tài liệu đánh dấu Atlantic Philanthropies đóng cửa. Tỷ phú Bill Gates và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi – đại diện cho Quốc hội Mỹ, đã gửi thông điệp cảm ơn ông Feeney vì những gì ông đã làm.
Những khoản đóng góp đáng chú ý
Kể từ năm 1984, ông Feeney đã vô số lần đóng góp cho các tổ chức giáo dục, các nhóm nhân quyền và trao tiền để giúp giải quyết các vấn đề xã hội. Ông dành 3,7 tỷ USD cho giáo dục, hơn 870 triệu USD cho vấn đề nhân quyền và thay đổi xã hội và hơn 700 triệu USD cho y tế.
Những khoản đóng góp đáng chú ý nhất của ông bao gồm 62 triệu USD để bãi bỏ án tử hình ở Mỹ, 76 triệu USD cho các chiến dịch ủng hộ việc thông qua chương trình Obamacare, gần 1 tỷ USD cho trường đại học Cornell – gồm cả 350 triệu USD cho một dự án phát triển để biến đảo Roosevelt, thuộc New York bị lãng quên lâu này trở thành một trung tâm công nghệ. Ông Feeney cũng dành 270 triệu USD để cải thiện hệ thống y tế công của Việt Nam.
Cho tới giờ, doanh nhân thành công này vẫn sống trong một căn hộ khiêm tốn ở San Francisco. Steven Bertoni, người từng phỏng vấn ông Feeney nhiều lần kể: “Cách đây vài năm, khi tôi tới thăm, vẫn chỉ có các bức ảnh của ông chụp cùng bạn bè và người thân treo trên tường, phía trên chiếc bàn gỗ giản dị. Trên bàn, có một kỷ niệm chương nhỏ với dòng chữ: “Chúc mừng Chuck Feeney đã quyên góp 8 tỷ USD”.
Tỷ phú Warren Buffett và Bill Gates nói, ông Feeney là nguồn cảm hứng trực tiếp đằng sau việc thành lập chương trình “Cam kết trao tặng”, vốn khuyến khích các tỷ phú đóng góp phần lớn tài sản của họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.