DN nên chia sẻ với Nhà nước bởi tình cảnh "ba năm giặt váy gặp ngày trời mưa"

Ong Lý Thứ sáu, ngày 08/05/2020 19:00 PM (GMT+7)
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguồn lực Nhà nước đang có hạn do phải chi quá nhiều khoản vào chống dịch - đúng như câu các cụ vẫn ví “ba năm giặt váy gặp ngày trời mưa”. Vì thế, các doanh nghiệp cũng nên chia sẻ khó khăn với Nhà nước.
Bình luận 0

Ngày 9/5, khoảng 800.000 doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh và người dân có thể theo dõi Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2020. Đây được được coi như "Hội nghị Diên Hồng" về lĩnh vực kinh tế, khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch.

Để chuẩn bị cho Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, đây không phải dịp "than nghèo, kể khổ" mà phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực khắc phục khó khăn, một quyết tâm tái cơ cấu để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng.

Tại Hội nghị này, Thủ tướng sẽ ra nghị quyết, quyết định ngay, đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, các vấn đề vượt thẩm quyền sẽ được gửi lên Quốc hội trong Kỳ họp tới để được giải quyết sớm và triệt để.

“Nên cho vay bằng tín chấp”

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế. PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Hội nghị lần này có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Đây là dịp, không chỉ doanh nghiệp đưa ra các giải pháp tháo gỡ cho bản thân mà cũng cần có những kiến nghị dành cho Chính phủ.

DN cũng nên chia sẻ với Nhà nước bởi tình trạng "ba năm giặt váy gặp ngày trời mưa" - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cùng với việc giãn nợ, các ngân hàng cũng nên tiếp tục cho vay để doanh nghiệp duy trì sản xuất mà không phải đòi hỏi các điều kiện như phương án kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp...

Theo ông Long, hiện các doanh nghiệp mong muốn nhất tại thời điểm này là được tiếp sức từ ngân hàng. Bởi doanh nghiệp cần dòng tiền để duy trì sản xuất kinh doanh dù ở mức tối thiểu để nuôi lao động và tìm hướng phục hồi.

“Tuy nhiên, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Họ cũng tính toán và xem xét các điều kiện của các doanh nghiệp như có đủ tài sản thế chấp không, có khả năng sản xuất để hoàn lại vốn không. Đây là một trong các gói hỗ trợ đang có nhiều vướng mắc hiện nay”, ông Long nói.

Theo vị chuyên gia này, cùng với việc giãn nợ, các ngân hàng cũng nên tiếp tục cho vay để doanh nghiệp duy trì sản xuất mà không phải đòi hỏi các điều kiện như phương án kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp... 

“Nên cho vay bằng tín chấp”, ông Long nói. Bởi nếu đòi hỏi các điều kiện thế chấp lúc này doanh nghiệp không thể nào đáp ứng được. Nếu không được hỗ trợ vay vốn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải đóng cửa, không còn khả năng trả nợ cũ. Ngoài ra, thời gian hỗ trợ cũng lâu dài, từ 6 tháng trở lên chứ không nên chỉ hỗ trợ trong thời gian quá ngắn.

Với chính sách tài chính, theo ông Long hiện việc hoãn, giãn nợ thuế là chưa đủ mà cần xem xét miễn, giảm thêm. 

Hiện Bộ Tài chính đang xem xét giảm từ 20-50% phí và lệ phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn lực Nhà đang có hạn do phải chi quá nhiều khoản vào chống dịch - đúng như câu các cụ vẫn ví “ba năm giặt váy gặp ngày trời mưa”. Vì thế, các doanh nghiệp cũng nên chia sẻ khó khăn với nhà nước. Điều này vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và tạo tác động tích cực đến xã hội.

PGS.TS Ngô Trí Long

Cũng theo vị chuyên gia này, để Hội nghị ngày mai thành công, các doanh nghiệp tùy từng ngành, dịch vụ nên đưa ra các giải pháp cụ thể. “Hiện tại hàng hóa khó xuất khẩu đi, trong khi đó chúng ta vẫn hô hào khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì dịch Covid-19 này là dịp chúng ta đẩy mạnh việc này. Các doanh nghiệp muốn lấy được niềm tin của người tiêu dùng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành, tạo uy tín... đó là một trong các biện pháp cụ thể”, ông Long nêu.

“Mong Thủ tướng rốt ráo hơn nữa với các vấn đề tham nhũng, thủ tục hành chính phiền hà”

Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hiện đang là giai đoạn phục hồi kinh tế, bên cạnh những khó khăn hiện hữu của doanh nghiệp khi dịch Covid-19 bùng nổ thì còn một loạt những vướng mắc đã tồn tại nhiều năm nay cần giải quyết như: 

Thứ nhất đó chính là tham nhũng: Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì có trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Mặc dù những năm gần đây Việt Nam đấu tranh tham nhũng cũng được đánh giá là tích cực nhưng chưa đảm bảo một môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Đặc biệt là hiện tượng tham nhũng vặt, nói tham nhũng vặt nhưng số tiền không hề ít. “Các chi phí gầm bàn vẫn rất nan giải”, GS Mại nhấn mạnh.

DN cũng nên chia sẻ với Nhà nước bởi tình trạng "ba năm giặt váy gặp ngày trời mưa" - Ảnh 3.

Cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính... là những mong muốn của doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai đó là thủ tục hành chính cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa. “Các thủ tục giấy tờ ở Việt Nam quá rối rắm, phiền hà. Giờ doanh nghiệp đến xin một cái giấy phải mất 3 tháng, tiếp đó xin giấy cấp đất lại mất 1 năm, rồi giấy phép xây dựng cũng năm nữa thì chắc chắn không ai đến đầu tư”, GS Mại nói.

Thứ ba đó là về sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ được đặt nên như một vấn đề hệ trọng nhất ở các nước, tập đoàn lớn. Về hệ thống luật pháp Việt Nam với sở hữu trí tuệ thì hoàn toàn phù hợp với xu hướng quốc tế. Mặc dù luật rất tốt nhưng thực thi rất kém. Tình trạng ăn cắp bản quyền rồi buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, thương quyền… rất đáng lo ngại.

“Những vấn đề này đã tồn tại nhiều năm nay cản trở không ít đến các doanh nghiệp. Tôi mong Hội nghị lần này, Thủ tướng sẽ giải quyết rốt ráo hơn nữa để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Hiện chúng ta đang được đánh giá rất cao trên thế giới về công tác phòng chống dịch bệnh, nếu lần này cải cách mạnh mẽ hơn nữa chắc chắn các doanh nghiệp sẽ vực lên rất nhanh”, GS Mại nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem