Dồn ứ phân bón vì cấm đường 24/24 giờ
Sở GTVT Hà Nội vừa có đề xuất UBND thành phố cho phép cấm xe tải lớn lưu thông trên nhiều tuyến đường trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nhằm giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể, các tuyến đường cấm gồm: Đường vành đai 3 trên cao đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến giao với đường Pháp Vân - Cầu Giẽ; đường 70 giao với đường Phúc La - Văn Phú (Hà Đông) đến Văn Điển. Các loại xe cấm là xe sơ-mi rơ-moóc (bao gồm cả container).
Nông dân nhiều tỉnh thành phía Bắc đang thấp thỏm lo thiếu phân bón cho cây trồng nếu Hà Nội cấm một số tuyến đường vào nội thành. Ảnh: Đình Thắng
"Chúng tôi đề nghị Hà Nội xem xét kỹ việc cấm đường ở các tuyến vành đai, nếu cấm đường thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp”.
Ông Hoàng Văn Tại
|
Theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, thời gian cấm dự kiến chia làm 2 đợt: Trước Tết Nguyên đán từ ngày 31.1 (ngày 15.12 âm lịch) đến hết ngày 8.2 (ngày 23.12 âm lịch); sau tết từ ngày 20.2 (ngày 5.1 âm lịch) đến 21.2 (ngày 6.1 âm lịch).
Việc cấm đường sẽ gây ra không ít khó khăn cho các DN sản xuất phân bón ở nội đô. Đại diện Công ty CP XNK Hà Anh có trụ sở tại huyện Đông Anh chia sẻ, việc cấm xe tải để đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại Hà Nội vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm là cần thiết. Tuy nhiên, thành phố chỉ nên cấm các tuyến nội đô, các tuyến vành đai nên để xe tải chạy vào các giờ thấp điểm như các năm trước, vẫn đảm bảo an toàn giao thông mà hoạt động của DN không bị xáo trộn quá lớn.
“Năm 2013, TP.Hà Nội cấm xe tải 24/24 giờ bất kể ngày đêm, kể cả các tuyến đường vành đai, nếu năm nay lại tiếp tục cấm như vậy, chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi ngoài việc kinh doanh, Công ty Hà Anh còn nhận nhiệm vụ bán phân trả chậm cho bà con. Với nông dân tại Đông Anh, Sóc Sơn thì không sao, nhưng những huyện ở phía tây và nam Thủ đô như Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín… sẽ gần như bị tê liệt vì không còn lối nào để đi” - đại diện Công ty Hà Anh nói.
Trước đó, trong 2 năm 2013-2014, Hà Nội cấm các tuyến đường vành đai trong dịp tết khiến nhiều DN gặp khó khăn trong khâu vận chuyển nguyên liệu sản xuất và lưu thông hàng hóa. Sau nhiều lần kiến nghị, từ năm 2015, Hà Nội không cấm xe trên các tuyến đường vành đai. Tuy nhiên năm nay, Sở GTVT Hà Nội lại tiếp tục gửi đề xuất cấm đường.
Trao đổi với NTNN, ông Hoàng Văn Tại - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển cho biết: “Dịp tết 2013, 2014, Hà Nội cấm đường hơn 1 tháng cả trước, sau tết. Dù cuối cùng không ra văn bản cấm đường vành đai 3, nhưng việc tuyên bố kế hoạch cấm đường trước đó đã làm cho Hội Nông dân các tỉnh miền Bắc và một số công ty vật tư nông nghiệp bị ảnh hưởng. Sản lượng bán ra của công ty giảm tới 11% so với tổng số lượng phân bón bán ra cả năm”.
Theo lịch cấm đường dự kiến mà Sở GTVT Hà Nội đề xuất, thời gian cấm đường trùng với thời gian gieo cấy lúa vụ xuân của các tỉnh, thành phía Bắc, là thời điểm bà con rất cần phân để bón cho lúa. Đại diện Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển cho biết trong thời điểm đó, mỗi ngày công ty vận chuyển 1.000 tấn phân bón đến các tỉnh, thành. Nếu cấm đường 11 ngày, tương đương 11.000 tấn phân bón sẽ không đến được với nông dân.
Nông dân lo thiếu phân bón cho lúa
Huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có hơn 12.000ha đất lúa, gần 500ha khoai tây và hàng nghìn ha rau quả, vài năm trước cũng bởi lệnh cấm đường của Thủ đô mà nông dân nơi đây khốn khổ vì thiếu phân bón. Anh Nguyễn Văn Độ - nông dân huyện Đông Hưng (Thái Bình) kể lại: “Tôi nhớ như in thời điểm tết năm 2013, Hội Nông dân huyện Đông Hưng và bà con nông dân như ngồi trên đống lửa, lo lắng cực độ vì không có đủ phân bón cho đồng ruộng. Vì Hà Nội cấm đường nên xe vận chuyển phân bón cỡ lớn không thể vào nội thành đúng thời gian để lấy phân từ nhà máy. Xe tải loại nhỏ 1-2 tấn thì không ăn thua, bởi giá cả sẽ đội lên rất nhiều. Hiện nay mỗi sào lúa bà con đã phải chi khoảng 200.000 đồng tiền phân bón”.
Cùng nỗi niềm trên, chị Trần Thị Hợi - nông dân huyện Phú Xuyên (Hà Nội) lo lắng: “Năm nay nếu thiếu phân bón thì chúng tôi cũng không có tâm trạng nào mà ăn tết. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo ngành giao thông vận thải, Công an TP.Hà Nội cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con kịp thời mua phân bón từ nhà máy”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.