Trúng tuyển ngành yêu thích nhưng học phí cao, thí sinh bối rối nên dừng lại hay tiếp tục học?

Tào Nga Thứ ba, ngày 27/09/2022 12:54 PM (GMT+7)
Nỗ lực thi để được ghi danh vào trường đại học nhưng giờ đây không ít thí sinh hoang mang vì mỗi kỳ, mỗi năm phải đóng một số tiền vượt sức bởi học phí quá cao.
Bình luận 0

Nhiều thí sinh muốn bỏ học vì học phí cao

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT, từ ngày 18/9 đến 17h ngày 30/9 sẽ mở Hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Điều đó có nghĩa, trước 17h ngày 30/9, tất cả thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Nếu không thực hiện quy trình này coi như thí sinh từ chối cơ hội học tập đã trúng tuyển.

Như vậy, chỉ còn 3 ngày nữa Hệ thống sẽ dừng tiếp nhận, nhưng theo ghi nhận của PV, thực tế vẫn còn khá nhiều thí sinh lăn tăn với việc trúng tuyển của mình, trái hẳn với niềm háo hức đỗ đại học mấy ngày trước. Lý do là học phí cao.

Đỗ đại học nhưng học phí cao, thí sinh bối rối dừng lại hay tiếp tục học? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hưng

Chia sẻ với PV, Nguyễn Thu Hà, một thí sinh ở Hòa Bình cho hay: "Em đã đỗ đại học nhưng em lại buồn vì không biết phải làm thế nào. Học phí của trường 27 triệu đồng/năm, nghĩa là mỗi tháng em phải đóng khoảng gần 3 triệu đồng, chưa tính tiền học tiếng Anh hay sách vở, bút thước... Cộng thêm tiền thuê trọ và chi phí sinh hoạt tầm 3 triệu đồng nữa. Tổng cộng mỗi tháng em phải chi trả 5,5-6 triệu đồng. Với số tiền này mỗi tháng thì ngoài khả năng chi trả của bố mẹ làm nghề nông như nhà em. Nhiều người nói em có thể đi làm thêm phụ giúp gia đình nhưng chỉ được phần nào. Tiếp tục đi học hay không là dấu hỏi lớn với em lúc này".

Em Vũ Minh Đạt cũng chung tâm trạng dù đỗ vào chuyên ngành, trường yêu thích. "Em đỗ đại học rồi nhưng học phí của trường hơn 600.000 đồng/tín chỉ. Một kỳ em không biết phải đóng bao nhiêu tiền nữa. Em sợ bố mẹ không nuôi nổi em nhưng em đã thi lại một năm rồi. Vì học phí mà em phải ở nhà một năm nữa em không muốn. Nhìn các bạn đi học mà em buồn tủi, chạnh lòng vô cùng".

Còn với em Nguyễn Minh Nguyệt, một thí sinh ở Hà Nội thì buồn bã cho hay: "Em tham gia xét tuyển khối D01 nhưng trượt ở hệ đào tạo chuẩn vào khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đáng lẽ em có thể đỗ vào hệ Chất lượng cao nhưng vì học phí 35 triệu đồng/năm nên em đã không dám đăng ký. Quá sức với gia đình em. Giờ đây em đành phải vào một ngành khác mà em không hề yêu thích".

Trên đây là một trong rất nhiều tâm trạng chung của các thí sinh trước ngưỡng cửa đại học. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ làm nông hoặc già yếu, nhà đông con... đã khiến cho con đường vào đại học của các em vốn đã gian nan nay còn gập ghềnh, chông chênh hơn. Nhiều thí sinh quyết định từ bỏ ý định học đại học hoặc từ chối nhập học để năm sau thi lại. Có em quyết tâm đi học thì hoang mang không biết xoay xở thế nào với một số tiền quá lớn, chưa nói đến việc nhiều trường có lộ trình tăng học phí 10% mỗi năm...

Nên tiếp tục hay dừng lại?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về học phí chung hiện nay ở các trường đại học, Ths Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM bày tỏ đồng cảm với những khó khăn mà các thí sinh đang gặp phải hiện nay.

"Các em thí sinh gặp khó khăn trong khâu nhập học vì lý do học phí thì hãy an tâm vì ngân hàng chính sách xã hội đã có nguồn cho vay tiền để đóng học phí. Các trường đại học cũng đã có hỗ trợ cho các thí sinh khó khăn, có chính sách giảm học phí cho các tân sinh viên. Như trường Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã chính sách hỗ trợ cho tân sinh viên khó khăn, không đóng học phí với khoản kinh phí giảm 100%, 50%, 25%. Hiện tại đã có 3 thí sinh được miễn 100% học phí. Hay như Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã lập quỹ để cho vay tiền đóng học phí không lãi suất... 

Các chính sách hỗ trợ học phí, học bổng có rất nhiều, các em hãy mạnh dạn trao đổi khó khăn của bản thân với nhà trường để được hỗ trợ", Ths Phạm Thái Sơn chia sẻ.

Tuy nhiên, về việc tăng học phí hiện nay của các trường đại học, theo anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Đồng hành cùng con qua các kỳ thi" cho rằng: "Việc học phí đại học tăng cao phù hợp với việc đảm bảo chất lượng giảng dạy. Nếu các thí sinh chọn hướng khác, đó là tín hiệu đáng mừng bởi đại học không phải con đường duy nhất lập nghiệp. Cá nhân tôi ủng hộ những lựa chọn thay thế, nó báo hiệu sự thay đổi về nhận thức".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem