Từ đầu tháng 2.2012, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai mô hình tổ hợp tác 6 ngư đội và tàu Hải Vương 68 trong việc khai thác, thu mua hải sản ở Trường Sa. Sau 3 tháng, tổ hợp tác này phải tạm dừng hoạt động do tàu mẹ Hải Vương 68 thôi mua cá của các tàu ngư dân.
Sáng kiến hay
Đầu tháng 2.2012, Tổ hợp tác liên kết khai thác và thu mua thủy sản tại vùng biển Trường Sa theo mô hình tàu mẹ - tàu con được thành lập. Công ty CP Thủy sản Hải Vương (TP.Thanh Hóa) đại diện cho tàu mẹ Hải Vương 68 đã ký hợp đồng hợp tác khai thác và thu mua với 6 ngư đội câu cá ngừ đại dương của tỉnh Khánh Hòa (mỗi đội 5 chiếc tàu đánh bắt xa bờ).
|
Đội tàu con của mô hình đang neo đậu tại Cảng cá Hòn Rớ, Khánh Hòa. |
Tàu mẹ có công suất 1.200 CV, có hầm lạnh âm 60 độ C, sẽ mua hết cá của 30 tàu con ngay trên biển, đồng thời cung cấp dầu, đá, nước ngọt và nhu yếu phẩm khác với giá bằng giá bờ... Giá thu mua cá ngừ đại dương do Giám đốc Sở NNPTNT quyết định dựa trên thống nhất của hội đồng thẩm định giá (gồm đại diện của tàu mẹ, tàu con, Hội Nghề cá Khánh Hòa, Hiệp hội Cá ngừ đại dương…).
Ngay sau khi xuất quân chuyến đầu, tàu mẹ đã mua được gần 20 tấn cá ngừ đại dương nhưng với giá thấp hơn giá mua tại bờ 5.000 đồng/kg. Đồng thời, tàu mẹ giữ lại thêm 3.000 đồng/kg “làm tin” để đảm bảo tàu con sẽ vẫn bán cá cho tàu mẹ, số tiền này sẽ được trả gối đầu vào lần bán cá sau.
Ông Lê Văn Hy – Ngư đội trưởng Ngư đội Sinh Tồn, vui mừng cho biết: “Mô hình này nếu hoạt động tốt sẽ tiết kiệm cho ngư dân khoảng 70% phí nhiên liệu do kéo dài được thời gian bám biển. Tàu mẹ thu mua cá trên biển sẽ là chấm dứt cảnh ngư dân bị tư thương, đầu nậu ép giá vì phải vay tiền của họ”.
Sớm vỡ đội hình
Ông Võ Thiên Lăng – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, cho biết: Hiện nay tàu mẹ Hải Vương 68 đã tạm ngừng mua cá của các ngư đội. Nguyên nhân chủ yếu là do tàu mẹ và tàu con bất đồng về giá cá mua vào.
“Doanh nghiệp này chỉ có lời khi mua cá với giá 140.000 – 150.000 đồng/kg, trong khi giá cá mà công ty mua cho ngư dân hơn 175.000 đồng/kg ngay trên biển” – ông Lăng nói.
Được biết, khi họp thống nhất giá cá, đại diện Hải Vương đã đề nghị mức giá giảm hơn giá bờ khoảng 30.000 đồng/kg mới có lãi. Nhưng ngư dân không đồng ý, cuối cùng tàu mẹ đành phải chịu thua lỗ và trả cho ngư dân mức giá thấp hơn so với giá bờ 5.000 đồng/kg vì đã trót thu nhận cá vào hầm lạnh.
Ông Võ Văn Đẹp – chủ tàu KH - 9679, cho biết thêm, ngoài giá thu mua thấp hơn trong bờ, hình thức mua cá của tàu mẹ chưa chuyên nghiệp, hầm lạnh liên tục trục trặc, nhiều tàu con phải chầu chực rất lâu mới bán được cá. Hiện nay, tàu mẹ “ra đi” mang theo luôn cả số tiền “làm tin” của các tàu con, trung bình mỗi tàu khoảng 3 triệu đồng, không biết lúc nào trả lại.
“Ngoài giá thu mua thấp hơn trong bờ, hình thức mua cá của tàu mẹ chưa chuyên nghiệp, hầm lạnh liên tục trục trặc, nhiều tàu con phải chầu chực rất lâu mới bán được cá”.
Ông Võ Văn Đẹp - Chủ tàu KH - 9679
Chiều 15.5, ông Lê Thanh Hải – Tổng Giám đốc Công ty Hải Vương, cho biết: Với phương thức mua cá trên biển với số lượng lớn như hiện nay, sản phẩm xuất khẩu chỉ có thể là phi lê đông lạnh.
Tuy nhiên, ngư dân cho rằng, khi bán cá cho chúng tôi trên biển là cá tươi loại 1, có thể xuất khẩu nguyên con với giá cao hơn gần 20% so với giá cá xuất khẩu đông lạnh.
Chuyến đầu tiên, chúng tôi đã thua lỗ nặng vì phải trả cho ngư dân với giá cá tươi loại 1 tham chiếu với giá ở bờ, nên chúng tôi không thể tiếp tục hợp tác.
Theo ông Hải, ngư dân cần phải nhìn xa hơn để lựa chọn giữa hai phương án: Chịu chi phí xăng dầu cao hơn 70% để tàu liên tục chạy vào bờ để bán được một số cá tươi loại 1 với giá cao (chưa tính sẽ có một số cá bị dạt xuống loại 2). Hai là, hợp tác với tàu mẹ bám biển dài ngày, tiết kiệm được 70% chi phí xăng dầu và bán được cá với giá thấp hơn giá bờ khoảng 16 – 20%.
Mai Khuê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.