Đổ xô lên... mặt trăng khai mỏ

Thứ bảy, ngày 30/03/2013 13:18 PM (GMT+7)
Đẹp đẽ và huyền bí, mặt trăng đã là nguồn gốc của cả nỗi sợ hãi lẫn cảm hứng cho con người trong hàng thiên niên kỷ. Giờ đây, nó lại là trung tâm của một cuộc đua để khai mỏ nhằm tìm các nguyên liệu.
Bình luận 0

Ganh đua lên mặt trăng

Khi Neil Armstrong lần đầu đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969, có lẽ ông không ngờ rằng mình đã đặt nền móng cho tham vọng khai mỏ "nhà chị Hằng" của nhiều "ông lớn" sau này.

img
Neil Armstrong. 1930-2012

"Chúng ta giờ đã biết rằng có nước trên mặt trăng và đó là yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi. Nước là nhiên liệu tên lửa. Nước có thể hỗ trợ sự sống và nông nghiệp.

Vì thế khai phá mặt trăng với mục đích thương mại sẽ là bước tiến đầu tiên nhằm biến nơi này trở thành một phần thế giới của chúng ta" - Bob Richards, Giám đốc điều hành Công ty Moon Express ở thung lũng Silicon cho biết.

Công ty này nằm trong 25 công ty hiện đang chạy đua để giành phần thưởng Google Lunar X trị giá 30 triệu USD.

 
Moon Express được xem là nằm trong nhóm 3 đội dẫn đầu cuộc đua. Hai đội khác là Astrobiotic nằm ở Pittsburgh và đội Barcelona Moon.
img
Bob Richards bên mô hình tàu thăm dò mặt trăng do công ty của ông đang nghiên cứu chế tạo.

Trong 30 triệu USD kể trên, 20 triệu USD sẽ được trao cho công ty tư nhân đầu tiên đưa rô bốt lên mặt trăng thành công và rô bốt này phải di chuyển được ít nhất 500 mét, đồng thời gửi được video độ phân giải cao về trái đất.

Đội đứng nhì cuộc đua sẽ được nhận 5 triệu USD, trong khi 5 triệu USD còn lại trao cho đội nào điều khiển rô bốt đi xa hơn 5km để tìm dấu vết của nước trên mặt trăng. Thời hạn chót để các đội hoàn tất việc đổ bộ lên mặt trăng là vào năm 2015.

Phần thưởng bí mật

Tuy nhiên, nếu xét tới một nhiệm khó khăn như lên mặt trăng, 30 triệu USD là số tiền quá nhỏ. Thực tế các công ty tham gia cuộc thi là bởi họ còn có các mô hình kinh doanh kèm theo, với giá trị vượt xa giải thưởng của Google. Họ nói rằng giải thưởng thực sự nằm ở kho khoáng sản giá trị cao của mặt trăng.

"Điều chúng tôi biết rất rõ về mặt trăng là bề mặt nơi này có nhiều hợp kim chứa bạch kim (platinum) hơn tất cả kho dự trữ của trái đất. Cuộc đua đã bắt đầu" - Richards nói.

Mặt trăng có những gì? Các nhà khoa học nói rằng mặt trăng có rất nhiều đất hiếm, được sử dụng trong hàng loạt lĩnh vực công nghệ. Hiện đất hiếm gần như chỉ được khai thác tại Trung Quốc. Ngoài ra, mặt trăng có nước đóng băng, nằm tập trung ở hai cực. Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nước này có thể phân tách thành hydro và oxy, trong đó hydro dùng làm nhiên liệu tên lửa và oxy dùng để thở. Mặt trăng có khá nhiều khí helium-3 (He-3). Một số người tin rằng He-3 có thể là nguồn năng lượng tương lai. Ngoài ra, mặt trăng có rất nhiều bạch kim, bên cạnh các kim loại quý có giá cao khác.

Nhưng ai có quyền sở hữu mặt trăng và điều gì sẽ xảy ra nếu nhiều công ty thành công trong việc đặt chân tới đây? Theo Hiệp ước Thượng tầng Không gian, không một quốc gia nào có quyền sở hữu mặt trăng và phần lớn mọi người tin rằng quy định này cũng áp dụng cho cả các cá nhân, các công ty.

Tuy nhiên, theo luật sư về các vấn đề liên quan tới vũ trụ James Dunstan, người ta vẫn có thể tới và khai thác mặt trăng, dù không sở hữu nó. Vì lẽ đó, ai tới mặt trăng sớm chắc chắn sẽ có lợi thế hơn những kẻ đến sau, ví dụ như họ có thể chiếm trước các khu vực khai thác tiềm năng.

Trung Quốc hiện đã có kế hoạch phóng thiết bị thăm dò lên mặt trăng vào cuối năm nay, trước khi đưa phi hành gia lên thăm "nhà chị Hằng" vào năm 2020. Bởi các kế hoạch chinh phục mặt trăng của Trung Quốc tham vọng hơn tất thảy, đã có những người lo ngại họ sẽ giành lấy quá nhiều quyền kiểm soát mặt trăng.

Dunstan không tin rằng Trung Quốc sẽ gạt luật lệ quốc tế sang một bên để độc chiếm mặt trăng. Nhưng việc họ làm gì trên đó sẽ rất khó quản lý.

img
Mô phỏng cuộc sống lâu dài của con người trên mặt trăng.
 

Con người sẽ đô hộ mặt trăng?

Nếu quan điểm của Moon Express và các bên tham gia cuộc đua của Google là đúng, việc tương lai con người và rô bốt lên sống, khai thác khoáng sản ở mặt trăng là chuyện có thể thực hiện. Từ đây, người ta sẽ dùng mặt trăng làm bàn đạp để tiến sâu hơn vào không gian.

Richards tin rằng con người sẽ sớm tìm ra cách định cư lâu dài ở mặt trăng. "Chúng ta đang tiến tới chỗ trở thành một giống loài sống ở nhiều thế giới. Chuyện này sẽ xảy ra. Bước chân đầu tiên của con người đặt lên sao Hỏa sẽ xảy ra trong khi chúng ta còn sống, chỉ 10 hoặc 20 năm nữa thôi" - ông nói, 

"Con người cũng sẽ thay đổi. Họ sẽ hợp nhất với công nghệ. Họ sẽ tìm cách tái lập trình cơ thể để sống lâu hơn và phát triển các cỗ máy cộng sinh có thể giúp chữa lành bệnh tật".

Có một câu hỏi đặt ra là nếu chúng ta lên sống ở mặt trăng vào ngày nào đó, liệu chúng ta có lo lắng về vấn đề gây ô nhiễm trên đó?

Nhà khoa học hành tinh của NASA là Margarita Marinova cho rằng con người sẽ không phạm sai lầm tương tự như ở trái đất. Bà cũng nói rằng con người sẽ không thể khám phá và chinh phục các hành tinh khác sâu trong vũ trụ nếu không tìm cách khai phá nguồn tài nguyên từ những nơi này để tồn tại.

Theo Thể thao & Văn hóa
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem