Đổ xô trồng nấm linh chi: Lợi thì có lợi, nhưng bán cho ai?

Hùng Đình - Hồ Văn Thứ năm, ngày 19/10/2017 18:40 PM (GMT+7)
Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đổ xô đầu tư trồng các loại nấm có giá trị kinh tế cao như nấm linh chi, nấm bào ngư...
Bình luận 0

Theo các hộ nông dân, trồng nấm đang cho thu nhập khá cao nhưng thiếu ổn định về thị trường tiêu thụ sản phẩm này.

Được mùa, được giá

Anh Vũ Văn Khánh - Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp sản xuất nấm ở ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang, huyện Châu Đức cho biết, trước đây chỉ thường trồng nấm mèo, nấm rơm... nhưng 3 năm trở lại đây anh trồng thêm nấm linh chi, nấm bào ngư. Cơ sở của anh Khánh đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, trang trại, máy móc, nồi hấp, bể lọc nước… trên diện tích gần 2ha, mỗi năm sản xuất 3 vụ, thu trên 10 tấn nấm thành phẩm các loại.

Ngoài việc trồng nấm, anh Khánh còn là người tìm thị  trường tiêu thụ sản phẩm cho các hội viên trong tổ, cung cấp phôi nấm cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. “Vừa trồng, vừa thu mua và cung cấp giống mỗi năm cũng mang lại cho gia đình tôi khoảng một tỷ đồng. Tiền lãi tôi lại tiếp tục đầu tư mở rộng trại nấm vì đang cho thu nhập cao”- anh Khánh cho hay.

img

   Chị Vũ Thị Hoàng Yến (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) thu hoạch nấm.ảnh: Hồ Văn

Đến tham quan trại nấm đúng vào mùa thu hoạch, sân phơi đủ màu nâu, đỏ của các loại nấm, chị Vũ Thị Hoàng Yến (vợ anh Khánh) cho biết, vụ này, nhà thu hoạch hơn 2 tấn nấm linh chi, gần 1 tấn nấm mèo, còn nấm bào ngư thì bán quanh năm. Riêng với nấm linh chi, cơ sở trồng theo đặt hàng của Công ty Minh Khải (TP.HCM) – đơn vị cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm. 

Do có giá trị kinh tế cao, ở Bà Rịa-Vũng Tàu hiện phong trào trồng nấm bắt đầu có xu hướng phát triển, mở rộng với trên 60 hộ gia đình, doanh nghiệp trồng nấm. Một số địa phương như xã Tóc Tiên (Tân Thành), xã Xà Bang (Châu Đức) đã thành lập Tổ hợp tác trồng nấm để tạo dựng thương hiệu nấm linh chi.

Ông Thân Xuân Động - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, để tạo thương hiệu, tìm kiếm đầu ra ổn định, 22 hộ trồng nấm trên địa bàn xã Xà Bang đã liên kết lại lại thành Tổ hội nghề nghiệp, với tổng diện tích các trang trại 41ha, sản lượng đạt 165 tấn/năm.

Cần phát triển thị trường tiêu thụ

Trong thời buổi cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc tìm kiếm thị trường càng trở nên khó khăn. Hầu hết người nông dân trồng nấm đều ở thế bị động vì phụ thuộc thương lái và chưa ổn định trong khâu phát triển thị trường.

Ông Nguyễn Phúc Hoàng (thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) cho biết, đầu năm 2017, ông tham quan, học hỏi các mô hình trồng nấm ở xã Tóc Tiên (Tân Thành), xã Long Tân (Đất Đỏ) rồi mạnh dạn đầu tư trại nấm bào ngư xám diện tích 200m2, năng suất thu hoạch khoảng 350kg/tháng, giá bán 30.000 đồng/kg. Đây là loại nấm ngon, dai, ngọt hơn bào ngư trắng nên được người tiêu dùng trong vùng ưa chuộng.

Thấy hiệu quả, mới đây, ông Hoàng mở rộng thêm diện tích trồng nấm hồng chi, hiện đang đến kỳ thu hoạch khoảng 150kg, nhưng ông Hoàng vẫn đang loay hoay chưa biết bán cho ai, ở đâu, giá cả như thế nào?

Ông Nguyễn Chí Đức-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, một số địa phương tuy đã xác định được vùng chuyên canh nấm, đặc biệt là nấm linh chi nhưng quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đồng nhất.

Đặc biệt, trong chuỗi liên kết giá trị, liên kết vùng miền, dự báo, chia sẻ thông tin thị trường đến các cơ sở sản xuất còn yếu và thiếu. Do đó, các địa phương cần tổ chức mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. /.

Phương pháp chăm sóc, thu hái nấm linh chi

 Theo các tài liệu nghiên cứu, nấm linh chi là một loại thảo dược quý, có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh. Hiện nay, do đời sống tăng cao, người dân ngày càng quan tâm tới sức khỏe nên nhu cầu nấm linh chi cho thị trường cũng lớn hơn.
- Nhà trồng nấm phải đảm bảo sạch sẽ thông thoáng, có mái chống mưa dột và chủ động được các điều kiện sinh thái như: Nhiệt độ thích hợp cho nấm mọc từ 22 độ C đến 28 độ C; độ ẩm không khí đạt 80-90% (hệ thống phun sương); ánh sáng khuếch tán và chiếu đều từ mọi phía; kín gió; không trồng quá dày, khó thu hoạch.
- Dùng dao hoặc kéo sắc cắt chân nấm sát bề mặt túi; nấm sau khi thu hái được vệ sinh sạch sẽ; phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 400C-450C; độ ẩm của nấm khô dưới 13%, tỷ lệ khoảng 3kg tươi được 1 kg khô. Khi thu hoạch hết đợt 1, cần tiến hành chăm sóc như lúc ban đầu để tận thu đợt 2. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem