Như tin đã đưa, Công ty CP BOT Cầu Việt Trì vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị có phương án cấm triệt để phương tiện ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì cũ. Đồng thời trả nguyên trạng ụ nổi, rào chắn phân luồng giao thông qua cầu Việt Trì cũ.
Chủ đầu tư cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới) theo hình thức BOT cho rằng những việc trên sẽ đảm bảo cho việc thu hồi vốn theo cam kết khi kêu gọi thực hiện dự án.
Chủ đầu tư cây cầu cũng đề nghị được đầu tư hoàn chỉnh QL2 đoạn Việt Trì – Vĩnh Yên và dịch chuyển trạm thu phí nhằm khai thác đồng bộ hạ tầng hiện có.
Đơn vị này cũng ra “tối hậu thư” với các cơ quan chức năng “Trong thời gian 15 ngày nếu các cơ quan có thẩm quyền không giải quyết triệt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư thì chúng tôi xin đường dừng hoạt động cầu Hạc Trì”.
Cầu Việt Trì cũ hiện nay đã dỡ các ụ nổi nhưng vẫn có biển cấm xe ô tô lưu thông
Trả lời Dân Việt về những đề nghị trên của chủ đầu tư Cầu Hạc Trì, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Không thể nào chấp nhận được những nhà đầu tư kiểu đó. Anh đóng cầu cũng được, chứ đừng thách đố với Nhà nước. Tiền đầu tư xây cầu anh đi vay ngân hàng thương mại, suy cho cùng cũng là tiền của dân gửi vào mà bây giờ còn đi thách đố”.
Mâu thuẫn giữa người dân TP Việt Trì với chủ đầu tư cầu Hạc Trì bùng phát trong thời gian gần đây. Nhiều lần người dân đã chặn trạm thu phí cầu Hạc Trì vì cho rằng “bị ép đi cầu mới dù cầu cũ vẫn có thể sử dụng được”.
Giữa tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá toàn diện an toàn của cầu Việt Trì cũ, xây dựng phương án lưu thông trên cầu cũ đảm bảo an toàn cho cầu, thuận lợi cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Thanh đánh giá chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là rất đúng.
“Theo tôi, Phó Thủ tướng chỉ đạo rất đúng, đó là kiểm tra lại chất lượng cầu Việt Trì cũ. Hay là các ông bắt tay nhau để đóng cửa cầu Việt Trì cũ để bắt người dân đi sang cầu Hạc Trì. Cần kiểm tra lại việc này, chứ còn đổ hết cho dân là không thể được. Không thể nói khơi khơi bảo cầu xuống cấp rồi đóng cầu, bắt dân đi cầu mới là không được” – ông Thanh nêu quan điểm.
Trước việc chủ đầu tư ra “tối hậu thư”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho rằng: “Anh nhắm mắt nhắm mũi vào đầu tư, bây giờ không thu được lại kêu là phá sản. Doanh nghiệp kinh doanh thì phải tính được lời lãi thế nào, chứ bây giờ tính
nhầm lại đổ hết lên đầu dân là không được”. Ông Thanh cũng đề nghị kiểm toán lại công trình này để xem tổng mức đầu tư đã hợp lý chưa.
Tại hội nghị Tổng kết về đầu tư theo hình thức BOT do Bộ GTVT tổ chức, TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đã cho rằng mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân về cơ bản liên quan đến cung cầu. Nhà đầu tư muốn thu lợi nhiều thể hiện ở mong muốn mức phí cao và thời gian thu phí dài, người dân lại muốn ngược lại.
TS Trần Đình Thiên cho hay: “Nếu có lựa chọn, có hai con đường thì người dân sẽ cân nhắc lợi ích đi đường nào. Ở đây, chính là việc người tiêu dùng bỏ phiếu để nhà đầu tư tính toán xem phương án đầu tư nào là tối ưu nhất với họ. Nhưng thực tế lại có vấn đề về độc quyền. Cụ thể là chỉ có một tuyến đường hay hai tuyến thu phí cả hai thì cần có sự can thiệp của Nhà nước để chi phí không làm tổn hại đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, người dân đảm bảo được thu nhập”.
Không phải muốn đóng cầu là đóng
Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Kiến nghị của chủ đầu tư sẽ được các Bộ ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền. Nhà đầu tư không được phép tự ý dừng hoạt động công trình BOT. Hiện Tổng cục Đường bộ đang chờ có kết luận của Tổ công tác đánh giá chất lượng cầu Việt Trì cũ, sau đó có phương án sửa chữa cầu cũ để cho xe từ 7 chỗ trở xuống lưu thông. Tiếp đó sẽ đưa ra kiến nghị về phương án tài chính cho chủ đầu tư cầu Hạc Trì”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.