Nhà văn Đoàn Giỏi
Mỗi lần tái bản lại sửa chữa, bổ sung
Tôi không nhớ chính xác lần đầu đọc “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi khi nào, nhưng vẫn nhớ đó là cuốn sách mỏng, bìa màu xám có vẽ rất nhiều chim muông đậu trên cây khẳng khiu thân cành, gợi ra cảnh đồng nước Nam bộ đặc trưng. Những trang văn của Đoàn Giỏi đầy mê hoặc đã cuốn hút bọn trẻ con ở làng quê Bắc bộ khi đó và đến bây giờ vẫn là những trang viết hay mà đám trẻ sinh ở thế kỷ 21 vẫn cần đọc để nuôi dưỡng tâm hồn.
Sau này lớn hơn, thấy “Đất rừng phương Nam” được in lại, trong Tủ sách vàng của NXB Kim Đồng, lại thấy dày dặn, 2 tập liền. Tôi đọc lại, vẫn thấy vô cùng cuốn hút với cuộc phiêu lưu của cậu bé An và cũng phát hiện ra rằng, cuốn sách đã được sửa chữa, thậm chí viết thêm. Mới rồi, có dịp ngồi với nhà văn Lê Phương Liên (nguyên biên tập viên của NXB Kim Đồng), mới biết so với bản in đầu tiên năm 1957, “Đất rừng phương Nam” đã dày dặn lên rất nhiều.
Là người từng được tiếp xúc với nhà văn Đoàn Gỏi, nhà văn Lê Phương Liên vẫn nhớ nhiều kỷ niệm với tác giả “Đất rừng phương Nam”. Đặc biệt, ông là người rất kỹ càng, cẩn thận với từng con chữ. “Lúc sinh thời, mỗi lần “Đất rừng phương Nam” tái bản là một lần nhà văn Đoàn Giỏi sửa chữa, viết thêm. Lần cuối cùng nhà văn Đoàn Giỏi sửa, đó là bản in năm 1982. Đây cũng là bản “Đất rừng phương Nam” hay nhất được in đi in lại cho đến ngày nay”, nhà văn Lê Phương Liên cho biết.
Như vậy, tính từ bản in đầu chỉ dày hơn trăm trang, đến bản in đặc biệt vừa phát hành nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi (5-2015), “Đất rừng phương Nam” dày tới 304 trang.
Một số ấn bản “Đất rừng phương Nam” do NXB Kim Đồng ấn hành từ năm 1957 tới nay
Vượt qua “đơn đặt hàng”
Có một chi tiết thú vị, ít độc giả thời nay biết, đó là việc ra đời của “Đất rừng phương Nam”. Vào khoảng đầu năm 1957, Đoàn Giỏi đang làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khi ấy đang phụ trách việc chuẩn bị thành lập NXB Kim Đồng tìm đến gặp Đoàn Giỏi đề nghị viết một tác phẩm về thiếu nhi Nam bộ. Chỉ còn 4 tháng là đến thời điểm khai sinh NXB Kim Đồng, vì thế, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đặt hàng nhà văn Đoàn Giỏi viết trong thời gian 4 tháng. Ông nhận lời. Nhưng gần 4 tháng trôi qua, ông vẫn chưa động bút.
Cho đến tháng 5 khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gặp lại, nhấn mạnh rằng cuốn sách đó sẽ in đúng vào thời điểm ra đời của NXB Kim Đồng là tháng 6-1957. Đến lúc này, Đoàn Giỏi bắt đầu viết. Ông viết trong nỗi nhớ quê hương da diết, vì thế, chỉ sau một tháng, ông đã kịp hoàn thành “Đất rừng phương Nam” để “trả nợ”. Tác phẩm đầu tay Đoàn Giỏi viết cho thiếu nhi và đã được đông đảo bạn đọc đón nhận nhiệt tình.
Trong lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi do NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hôm 26.5. nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã không giấu được nỗi xúc động. Là người may mắn tiếp xúc với tác giả “Đất rừng phương Nam” nhiều lần, nhà thơ Hữu Thỉnh kể lại nhiều kỷ niệm nhưng ông cũng không quên khẳng định tài năng, cốt cách của Đoàn Giỏi: “Người ta nói rằng những nhà văn thực sự tài năng là những nhà văn có khả năng bước qua đề tài, thể loại và đơn đặt hàng. Đoàn Giỏi chính là một nhà văn như thế.
“Đất rừng phương Nam” làm thay đổi một nhận thức vốn là định kiến trong giới, rằng một tác phẩm viết theo đơn đặt hàng thì bị gò bó, trói buộc cả đề tài và cảm xúc. Nhưng tác phẩm này lại vượt qua những ràng buộc đó, Đoàn Giỏi hoàn toàn tự do với đơn đặt hàng và trở thành một trong những tên tuổi viết cho thiếu nhi hay nhất Việt Nam. “Đất rừng phương Nam” là một tác phẩm viết cho thiếu nhi mà lại làm say lòng cả người lớn và Đoàn Giỏi là một trong những nhà văn để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng các thế hệ bạn đọc ở nước ta. Ông là ví dụ đẹp đẽ cho câu nói: “Ai yêu tuổi thơ, người đó có cả thế giới”.
Bản đặc biệt cuốn “Đất rừng phương Nam”
“Con ơi, về nhớ cho thạch sùng ăn cơm”
Vẫn theo lời nhà thơ Hữu Thỉnh, Đoàn Giỏi chưa bao giờ coi trọng vật chất, tiền tài. Vốn xuất thân từ một gia đình giàu có, Đoàn Giỏi hồi nhỏ còn được gọi là Công tử Đoàn, gia đình ông ở Tiền Giang đất đai mênh mông nhưng ông sẵn sàng từ bỏ quyền thừa kế để theo đuổi nghiệp văn. Cuối đời Đoàn Giỏi chỉ sống ở một căn gác hẹp ở NXB Tác phẩm mới, khi vào Sài Gòn ông cũng chỉ ở nhà bạn bè…
Chị Thái Hà, con gái nhà văn Đoàn Giỏi đến bây giờ vẫn hàng ngày gìn giữ, nâng niu di sản văn học mà cha để lại. Theo con gái nhà văn, Đoàn Giỏi là người rất yêu thiên nhiên, cỏ cây và vô cùng yêu quý động vật. Không chỉ quan sát tỉ mỉ, “trong nhà, ông nuôi con mèo và thân thiết với nó đến nỗi chỉ cần thấy ông về đầu phố là nó đã chạy ra và nhảy lên vai ông”.
Thậm chí, cuối đời khi nằm trên giường bệnh ở bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) nhưng ông vẫn viết vào giấy: “Con ơi, về nhớ cho thạch sùng ăn cơm”. Thì ra, hàng ngày ở nhà, Đoàn Giỏi không chỉ quan sát các con vật, ông còn làm bạn với chúng, chăm sóc chúng như đứa con, đứa cháu nhỏ của mình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kể lại, ông có hai lần là bạn đọc của “Ðất rừng phương Nam”. Lần đầu, lúc là cậu bé, cuốn sách đã gieo vào tâm hồn trẻ thơ của ông một hạt giống tinh thần quan trọng và kỳ diệu...
“Tất cả những tác phẩm văn học lớn viết cho thiếu nhi trên thế giới đều viết về thiên nhiên kỳ vĩ. Trong thiên nhiên rộng lớn ấy, có một điều bền vững và lan tỏa như ngọn lửa, đó là con người. Cá nhân tôi mang ơn ông đã gieo vào tâm hồn tôi một hạt giống quan trọng, để sau này nếu còn điều gì đó tốt đẹp còn rung động trong đời sống này thì ở đó có những tác phẩm như của Đoàn Giỏi và những nhà văn khác”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
(Theo An Ninh Thủ Đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.