12 thuyền này giả dạng thuyền đánh cá để chở vũ khí, lương thực vào chiến trường... Đó là "đoàn tàu không số" của riêng Quảng Bình.
Truy điệu sống
Chúng tôi tìm về Cảnh Dương, một làng chài thơ mộng và một đoàn thuyền chài thơ mộng nằm dưới chân núi Phượng, bên dòng sông Loan (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) để tìm những ngư ông từng cảm tử năm xưa đã đương đầu với máy bay, tàu chiến, chèo thuyền chở vũ khí chi viện khẩn cấp cho chiến trường Trị Thiên. 74 cảm tử quân trên đoàn tàu ngày ấy bây giờ chỉ còn lại 19 người và đều đã ở vào tuổi "cổ lai hy". Người trẻ nhất là Nguyễn Văn Biểu - lúc đó là cậu thiếu niên 15 tuổi, bây giờ cũng đã lên chức ông.
|
Ông Nguyễn Văn Biểu và nhiệm vụ hàng ngày ở Đài canh bão xã Canh Dương. |
|
Đoàn vận tải đặc biệt được thành lập, ông Đậu Thanh Long - Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 45 của Tỉnh đội Quảng Bình được cử về làm đoàn trưởng. Toàn bộ 12 chiếc thuyền được cải tạo lại cho giống với thuyền ngư dân vùng Quảng Trị, Thừa Thiên. Dưới đáy mỗi thuyền đục một lỗ "lù" rồi nút lại để phòng khi bị địch bao vây thì rút chốt cho nước tràn vào nhấn chìm thuyền, không để địch phát hiện vũ khí...
Một đêm biển động, từ Cửa Ròn, họ bí mật đưa thuyền vào Quang Phú gần cửa Nhật Lệ, không bốc hàng xuống bến mà kéo hẳn thuyền lên bờ, chất đầy thuốc nổ TNT, súng, đạn B40, B41, cối 82... với tổng trọng lượng 24 tấn, rồi giấu kín thuyền trong rừng dương liễu.
Đúng ngày rằm tháng Giêng năm Mậu Thân (1968), Đài Tiếng nói VN báo tin có đợt gió mùa đông bắc, biển động cấp 6, cấp 7. Đây cũng là thời điểm mà đoàn tàu quyết định lên đường. Chập tối, ông Trần Sự (Tỉnh đội trưởng Quảng Bình lúc đó) đến tận nơi phát lệnh tiễn đoàn.
Trong màn trời đen kịt, tiếng vị chỉ huy lẫn trong tiếng gió: "Đồng bào, đồng chí Trị Thiên đang mong chờ các đồng chí. Cấp trên và bà con quê ta tin tưởng và tự hào về các đồng chí. Hãy xứng đáng là những người con ưu tú của quê hương Quảng Bình". 74 cánh tay vung lên, 74 trái tim thề sẽ hiến đến giọt máu cuối cùng để đưa hàng đến tay bộ đội miền Nam.
Chuyến hải trình “cảm tử”
Từng chiếc thuyền đầy ắp súng đạn được kéo ra khỏi rừng cây, lao xuống nước. Đoàn trưởng Đậu Thanh Long phát tín hiệu bằng đèn pin, các thuyền giương buồm quay mũi về hướng nam. Rạng sáng, đoàn vận tải đến bắc Vĩ tuyến 17. Thuyền được ngụy trang kỹ, vậy mà gần trưa máy bay trinh sát của địch vẫn phát hiện ra.
Chỉ chốc lát, 2 tàu chiến xuất hiện ngoài khơi đồng loạt nã pháo vào bờ. Một tốp máy bay lao đến giội bom xuống mũi Si. Bốn thuyền bị trúng bom và chìm, cũng may các khoang vũ khí vẫn an toàn. Đoàn trưởng quyết định để "thủy thủ" trên 4 thuyền đó ở lại cùng dân quân Vĩnh Linh trục vớt hàng lên bờ, 8 chiếc tàu còn lại tiếp tục vượt tuyến vào Nam.
Khoảng 8 giờ tối, đoàn thuyền căng buồm vượt qua Cửa Tùng. Vừa qua khỏi Cát Sơn, một bầy máy bay Mỹ lao đến. Pháo sáng đầy trời, treo ngay đỉnh cột buồm. Mấy chiếc tàu địch vây kín ngoài khơi, chúng muốn bắt sống cả đoàn. Đoàn trưởng Long lệnh cho các thuyền hạ hết buồm, dùng chèo tay.
Vốn là những ngư dân dạn dày kinh nghiệm đi biển, họ tản ra, lợi dụng từng con sóng lớn sát bờ làm tấm chắn để men theo mà đi. Tàu giặc chỉ lởn vởn ngoài xa chứ không dám vào gần bờ, sợ sóng lớn và mắc cạn. Đạn đỏ rực mặt biển, một chiếc thuyền do ông Phạm Đờn chỉ huy bị bao vây và trúng đạn. Những chiếc tàu địch cặp sát, chỉ cần một phát B40 là hạ gục. Nhưng nếu họ bắn, kẻ địch sẽ phát hiện cả đường dây và cắt đứt đường tiếp tế ven bờ của ta. Là cảm tử quân, họ đã sẵn sàng cho tình huống này.
Tròn 37 năm rồi, 74 ngư ông cảm tử ngày ấy giờ chỉ còn lại 19 người. Trừ ông Nguyễn Văn Nhượng (nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình), còn lại họ đều là những ngư ông nghèo ở Cảnh Dương. Nhưng họ vẫn thường gặp nhau trong ngôi nhà bé nhỏ của vị ông để ôn lại những kỷ niệm ngày ấy. Có một chút băn khoăn cho đến tận bây giờ vẫn chưa có một danh hiệu nào để ghi nhận chiến công năm xưa...
Ông Đờn quyết định hô anh em rút chốt lỗ "lù" cho nước tràn vào, quyết tử. Chiếc thuyền chìm dần cùng cả tiểu đội. Bọn giặc ào đến cố dùng móc kéo thuyền ta lên. Nhưng sức nặng của mấy tấn súng đạn đã giật đứt dây kéo, chúng chỉ bắt được người.
Sau này, anh em bị bắt kể rằng họ bị tra tấn dã man, nhưng trước sau cũng chỉ khai là ngư dân đi đánh cá bị gió mùa dạt vào. Chẳng khai thác được gì, chúng giam họ hết nhà tù này đến nhà lao khác, cuối cùng đày ra đảo Phú Quốc, mãi đến năm 1973 mới được trao trả.
... Ba chiếc thuyền đi giữa bị nhiều tàu địch kéo đến vây ép. Biết không thể thoát, họ lao thuyền vào dọc bãi cát huyện Gio Linh. Ở đó, lực lượng du kích địa phương đã kịp thời bốc vũ khí chuyển vào giấu trong các hầm bí mật. Các thuyền viên được bộ đội, du kích Gio Linh đón đến nơi an toàn, mấy ngày sau họ vượt Vĩ tuyến 17 ra Bắc. Riêng 4 thuyền đi đầu (đoàn trưởng Đậu Thanh Long chỉ huy) lợi dụng tàu địch đang vây ép phía cuối đoàn đã vượt qua được Cửa Việt vào vùng biển Triệu Phong, chuyển hết 10 tấn vũ khí vào bờ giao cho đơn vị K.8 rồi hủy thuyền xóa dấu vết...
(Còn nữa)
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.