Đoàn Thanh niên cứu quốc và lời kể nhân chứng về ngày Quốc khánh

Hoàng Thành An Chủ nhật, ngày 01/09/2019 14:03 PM (GMT+7)
Trong những ngày tháng Tám 1945, các đội viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu là lực lượng nòng cốt của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Hà Nội. Ngày 2/9/1945, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu là lực lượng vinh dự được chọn bảo vệ lễ đài nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập...
Bình luận 0

Ông Lê Đức Vân (tên thật Nguyễn Hữu Phúc) là học sinh Trường Bưởi, tham gia vào Đội Ngô Quyền (một tổ chức học sinh yêu nước tại trường) và được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc đầu năm 1944, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản khi mới 16 tuổi. Hiện ông là Trưởng Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. 

Từ những ngày trước Tổng khởi nghĩa…

Trong căn nhà nhỏ ở phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ông Lê Đức Vân tiếp đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ. Ở tuổi 90, song ông vẫn rất minh mẫn. Nhấp ly nước, ông Vân hồi tưởng: Tháng 8/1944, tại số 46 Bát Đàn (Hà Nội), Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập, gồm 60 đoàn viên, trong đó rất đông học sinh các Trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang... hoạt động công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp…

img

Ngày 19/8/1945, nhân dân giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ, Hà Nội.  Ảnh: T.L

“Hoạt động của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người dân, mọi người coi nhau như gia đình, có thể họp khắp nơi. Dần dần, phong trào phát triển, ngoài việc tuyên truyền, Đoàn cố gắng kết nạp thêm thành viên, vận động người dân ủng hộ như mua tín phiếu… vận động các gia đình theo cách mạng” - ông Vân nhớ lại.

Theo lời ông Vân, thời điểm đó, hoạt động của Đoàn hầu hết là truyền tay các học sinh, giác ngộ gia đình từ phụ huynh... Ngoài vấn đề tuyên truyền bằng báo chí, bằng truyền đơn… còn thành lập đội tuyên truyền để diễn thuyết, tuyên truyền. Đặc biệt là phá các cuộc mít tinh lớn như ở Mễ Trì năm 1945; phá kho thóc ở làng Mộc (Quan Nhân); phá mít tinh ở Núi Nùng...

Ông Vân kể: “Ngày 17/8/1945, Tổng hội Công chức của chính quyền Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn. Hàng vạn người dân kéo đến xem cuộc mít tinh. Trong khi đó, ngay từ đầu ta có chủ trương phá cuộc mít tinh đó nên đã huy động tất cả hội viên trong Mặt trận Cứu quốc đi dự. Khi đi thành viên nào cũng mang theo cờ đỏ sao vàng đứng xen lẫn với nhân dân để phá. Nhiệm vụ được phân công, khi Ban tổ chức mới tuyên bố khai mạc, anh Phan có trách nhiệm lấy micro đưa cho chị Từ Trang Anh (thành viên của Đội cứu quốc Thành Hoàng Diệu) báo tin Nhật đã đầu hàng Đồng Minh và hô hào nhân dân đi theo Việt Minh đứng lên khởi nghĩa. Cùng lúc đó 500 anh em ở dưới phất lá cờ đỏ sao vàng lên, tung truyền đơn, đồng thời, một lá cờ rất to buông từ tầng 2 Nhà hát Lớn xuống…

Sau đó, chị Trang Anh trao micro cho chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng - người của Đảng Dân chủ đọc một bài diễn văn đã viết sẵn, hô hào khởi nghĩa, ủng hộ Việt Minh. Ở quảng trường Nhà hát Lớn lúc đó mọi người dân đều đồng loạt hô: Ủng hộ Việt Minh! Đả đảo chính phủ bù nhìn! Việt Nam độc lập! Đồng thời, anh Lê Chi cầm lá cờ bằng vải giơ cao và hô lớn “Đồng bào theo tôi”! Cả làn sóng người đi theo diễu hành, càng đi người dân tham gia càng đông... Ra đến cửa Nam, đoàn diễu hành chia ra từng tốp nhỏ đi hô hào khẩu hiệu đến 21 giờ cùng ngày”. Đặc biệt, ngay đêm đó, Thành ủy và Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội tiến hành họp gấp.

Đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công

Ông Lê Đức Vân từng có nhiều năm phụ trách công tác phong trào sinh viên, học sinh, thiếu niên Thủ đô, sau đó giữ vị trí Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội. Trước khi về hưu ông làm tại Bộ Văn hóa và giữ cương vị Hiệu trưởng trường múa. Đặc biệt, ông là 1 trong 3 người đầu tiên thành lập Hội Tem Việt Nam.

“Cuộc họp diễn ra tại nhà một gia đình là căn cứ cách mạng ở thôn Dịch Vọng. Có 9 người tham gia, trong đó có ông Nguyễn Quyết (Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ); ông Lê Trọng Nghĩa, Trần Quang Huy (cán bộ Xứ ủy)… Tôi là người đại diện cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu tham dự cuộc họp” - ông Vân nhớ lại.

Theo lời của ông, cuộc họp kéo dài từ 23 giờ ngày 17/8 đến 4 giờ ngày 18/8 và quyết định đi đến Tổng khởi nghĩa vào ngày 19/8/29145. Lúc này, ông Vân được phân công đảm trách tổ chức khởi nghĩa ở ngoại thành Hà Nội. Cuộc họp bàn cách thức khởi nghĩa là tổ chức biểu tình, tuần hành, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, chiếm các cơ quan đầu não của địch.

Sau một ngày chuẩn bị, sáng sớm ngày 19/8, lực khởi nghĩa bắt đầu hoạt động ở khu vực ngoại thành. Theo đó, lực lượng cách mạng ở ngoại thành tổ chức cuộc mít tinh và tiến lên chiếm chính quyền quản tất cả các xã ngoại thành. Sau đó, đoàn người về Nhà hát Lớn tham dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có, nghe đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa!

Lúc này, đoàn người với nòng cốt là Đội Tự vệ xung phong ngoại thành, Đội Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, Công nhân cứu quốc chia làm hai mũi. Mũi thứ nhất chiếm Trại Bảo an binh; mũi thứ hai chiếm Bắc Bộ phủ - Phủ Khâm sai. Tại Phủ Khâm sai - cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn, lính bảo an nhanh chóng hạ vũ khí mà không có bất kỳ kháng cự nào. Còn tại Trại Bảo an binh, dù không chống đối nhưng lính bảo an cũng không chịu ra mở cửa. Hơn nữa, bên ngoài 4 xe tăng của Nhật canh ở 4 góc luôn chĩa súng vào ta. Trong tình thế nguy cấp ta phải cử người đi gặp tư lệnh quân Nhật ở Hà Nội để thương lượng. Sau đó, Nhật rút xe tăng, ta tiến vào chiếm Trại Bảo an binh, phá kho súng phát cho tự vệ. Đến khoảng 17 giờ, toàn bộ cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn ở Hà Nội bị ta chiếm giữ.

“Cuộc cách mạng thắng lợi, chúng ta không phải đổ máu nhưng có được điều đó chúng ta đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị từ nhiều năm trước. Thời điểm đó, đồng chí Trường Chinh đánh giá Hà Nội có cách làm không đổ máu và làm điểm sáng tuyên truyền cho các tỉnh khác” - ông Vân kể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem