Ông Dương Trung Quốc nói về điều đặc biệt của Tuyên ngôn Độc lập

Lương Kết (ghi) Chủ nhật, ngày 02/09/2018 08:01 AM (GMT+7)
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, khi soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập ở số nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Bác Hồ đã tranh thủ từng ý kiến của cả người giúp việc trong gia đình ông bà Trịnh Văn Bô. Bác nói, làm sao đọc lên đến những người lao động bình thường cũng có thể hiểu.
Bình luận 0

img

Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2.9.1945 (ảnh IT).

Cách đây 73 năm, vào ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khi phân tích về áng văn bất hủ này, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói:

Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ tịch không chỉ khẳng định nền độc lập của dân tộc hiểu theo nghĩa không còn là thuộc địa của nước ngoài, điều quan trọng là định hướng cho con đường phát triển đất nước. Có thể nói bản Tuyên ngôn Độc lập là một cương lĩnh, là một thông điệp về con đường phát triển của Cách mạng Việt Nam sau khi giành độc lập, đó là con đường phát triển phù hợp với xu thế của thời đại.

Tư tưởng đó chúng ta có thể thấy từ khi Nguyễn Ái Quốc giảng dạy ở Quảng Châu (Trung Quốc) cho những lớp người Cộng sản Việt Nam đầu tiên, đặc biệt vào thời điểm chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Nguyễn Ái Quốc đã rất quan tâm đến tinh thần của Bản Tuyên ngôn Độc lập sẽ được soạn thảo. Bằng chứng là khi Người tiếp xúc với những đơn vị của quân đội Đồng Minh mà trực tiếp là quân đội Hoa Kỳ, Người đã đề nghị sĩ quan của quân đội Hoa Kỳ cung cấp bản Tuyên ngôn Độc lập của nước họ để tham khảo.

Có thể nói tất cả các tư tưởng của Người thể hiện rõ nhất trong cương lĩnh Mặt trận Việt Minh, đặc biệt liên quan đến các văn kiện tại Đại hội Quốc dân ở Tân Trào.

img

Nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh Đàm Duy).

Khi Hồ Chủ tịch trở về Hà Nội là lúc chúng ta đã giành được chính quyền và Người đã bắt tay vào soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập. Bác viết tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang ((phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhà này lúc đó là của ông bà Trịnh Văn Bô (vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ, qua đời năm 2017 thọ 104 tuổi ) - một gia đình công thương lớn ở Hà Thành giác ngộ cách mạng. Với vị thế là người có uy tín và giàu có ở Hà Nội, ông bà Trịnh Văn Bô đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Bác Hồ cũng như các đồng chí cách mạng trong điều kiện chính quyền của ta còn trong trứng nước. Tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang này, Bác đã gặp rất nhiều các đồng chí cách mạng, gặp gỡ bầu bạn quốc tế.

Trở lại với việc soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã tranh thủ từng ý kiến cả người giúp việc trong gia đình ông bà Trịnh Văn Bô. Bác nói, làm sao đọc lên đến những người lao động bình thường cũng có thể hiểu. Bác thảo luận với các đồng chí của mình - những người có trình độ học vấn cao, các nhân sĩ. Đặc biệt Bác còn mời cả ông Archimmedes L.A.Patti, sĩ quan OSS của Hoa Kỳ để tham khảo về bản thảo của Tuyên ngôn Độc lập. Chính vì thế có thể nói Bản Tuyên ngôn Độc lập nó chứa đựng nhiều giá trị khẳng định cách mạng Việt Nam không tách rời sự tiến bộ của nhân loại.

Không phải tự nhiên mà trong bản Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo lại nhắc đến hai bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ (năm 1776) và Tuyên ngôn nhân quyền dân quyền của Pháp (năm 1789) nói về quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc của mọi con người.

Ở đây có một chi tiết rất hay, khi vận dụng ngôn ngữ của dân tộc mình Người đã dùng khái niệm “tất cả mọi người”. Trong khi đó tinh thần của Tuyên ngôn ộc lập của Hoa Kỳ thế kỷ XVIII, những công dân được hiểu theo nghĩa là một bộ phận trong đời sống xã hội, vì lúc đó không thể những người nghèo khổ, người nô lệ da đen được nằm trong đối tượng có quyền. Và Bác đã dùng từ “suy rộng ra” từ quyền con người đến quyền của dân tộc tự định đoạt.

Bản Tuyên ngôn Độc lập còn khẳng định một chế độ chính trị có thể nói tiên tiến nhất lúc đó. Khi giành độc lập sao chúng ta không thành lập chính quyền xô viết, điều này đã từng manh nha từ thời Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 -PV) mà lựa chọn chế độ dân chủ, cộng hòa với tiêu chí độc lập, tự do, hạnh phúc. Điều đó cho thấy, Bác đã đặt cách mạng Việt Nam, nền độc lập của Việt Nam vào trong quỹ đạo của sự phát triển tiến bộ nhất.

Có những chi tiết của ban Tuyên ngôn Độc lập khi nhìn nhận lại mới thấy tầm vóc, ví dụ như quyền bình đẳng nam nữ trong quyền chính trị. Ngay trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, người phụ nữ Việt Nam được đi bầu, thậm chí được bầu. Ngày nay chúng ta nói việc phụ nữ đi bầu, ứng cử là chuyện bình thường, nhưng trong những năm 1945 -1946, ngay ở châu Âu nhiều quốc gia còn chưa làm được.

Sau khi giành độc lập, tất cả những điều chúng ta đã làm tuy chỉ trong một thời gian ngắn trước khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12.1946) nhưng có thể nói đã phản ánh quy chuẩn như của một quốc gia hiện đại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem