Em là 1 trong 25 thanh - thiếu niên có mẹ Việt, bố Hàn, về thăm quê mẹ từ ngày 26 đến 30.5, theo chương trình do Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tiến hành.
Đây là lần đầu tiên Yoon Ji Won được về quê mẹ. Em tâm sự: Ở bên Hàn Quốc (HQ), thỉnh thoảng mẹ vẫn nấu các món ăn VN cho gia đình thưởng thức, như phở, bánh bao...
Xa mà gần
|
Các em nhỏ mang hai dòng máu Việt- Hàn về thăm quê. |
Ji Won về VN cùng với chị gái Hyo Won, 17 tuổi. Hai chị em có khuôn mặt rất khác nhau, cô chị rất Hàn, còn cô em lại thuần Việt. Khác với vẻ bỡ ngỡ của Ji Won, Hyo Won tỏ vẻ nhanh nhẹn và mạnh dạn hơn. Em tâm sự, mẹ thường kể cho em nghe về đất nước VN, bản thân em cũng đã tìm hiểu về VN qua sách báo và Internet nên khi về VN, em thấy rất gần gũi, thân thuộc. Hai chị em cũng đang được mẹ dạy tiếng Việt nhưng nói chưa được nhiều. Mẹ em ở nhà làm nội trợ, còn bố công tác trong ngành vận tải.
Lee Ah Rain, 15 tuổi, cũng mang trong mình dòng máu Việt - Hàn. Em mới chỉ nghe về VN qua nỗi nhớ thương của mẹ. Vì thế, em rất háo hức được hiểu về đất nước VN. “Mới đặt chân lên VN 2 ngày, nhưng em cảm thấy rất thân thiện và gần gũi” - Lee nói.
Khác với các bạn khác, Đặng Thế Kiệt (16 tuổi), mang dòng máu thuần Việt. Bố mẹ em ly hôn, sau đó mẹ em thông qua mai mối, lập gia đình với bố dượng là người HQ. Em và mẹ mới qua HQ được hơn 4 năm. Qua đó, em dành 2 năm để học tiếng Hàn và bây giờ thông thạo cả hai thứ tiếng.
Kiệt cho biết, bố dượng đối xử với em rất tốt, tạo điều kiện cho em ăn học. Khi mới sang, mẹ con Kiệt cũng gặp nhiều khó khăn về giao tiếp và hoà nhập văn hoá. Những lúc như thế, bố dượng luôn là người đứng ra “phiên dịch” bằng cả tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Hàn và cả “chân tay”. “Hiểu được khó khăn nên mỗi người phải nhường nhau một chút” – Kiệt chững chạc.
Thế hệ “hữu nghị”
Về vụ việc cô dâu Việt mới bị sát hại, ông Jong Myoung Lee nhận định: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc về vụ việc đó. Có lẽ sự khác biệt văn hoá cũng làm nảy sinh mâu thuẫn gia đình. Hy vọng khi hiểu về lịch sử văn hoá hai nước, các em sẽ góp phần dung hoà những khác biệt”.
Ông Keum Gi Hyung - Giám đốc Trung tâm Văn hoá HQ tại VN cho biết: “Việc tổ chức cho con em mang dòng máu Hàn – Việt về nước là một trong những chính sách của Chính phủ HQ dành cho gia đình đa văn hoá”.
Ông Keum đã giới thiệu cho các em biết những hình ảnh nổi bật về quan hệ ngoại giao giữa hai nước “thông gia”, về văn hoá, lịch sử của VN và nhấn mạnh các em chính là cầu nối, là những tác nhân thắt chặt thêm quan hệ hữu hảo của hai nước.
Nhưng trước mắt, các em là cầu nối để giữ gìn hạnh phúc trong gia đình, giúp đỡ, chia sẻ với bố mẹ để “hai nền văn hoá” hoà nhập với nhau, cùng yêu thương, gắn bó với nhau. Muốn làm được điều đó, các em cần học cho giỏi tiếng Việt.
Ông Keum Gi Hyung còn nhấn mạnh về tiềm năng phát triển của VN trong tương lai khi 10 năm nữa có thể là nước đứng đầu Đông Nam Á và là nước lớn của châu Á, định hướng nghề nghiệp cho các em để các em có cơ hội góp phần cho sự thịnh vượng của cả hai nước. Các em đã nghe rất chăm chú và hỏi các câu hỏi thú vị: Ông tổ của VN là ai, trò chơi mà trẻ em VN hay chơi, VN có những vị anh hùng nào, điểm du lịch nào nổi tiếng nhất, món ăn nào ngon…
Ông Jong Myoung Lee – Trưởng nhóm Cống hiến xã hội – Phòng Quản lý nhân sự thuộc Tập đoàn Hàng không Quốc gia HQ – tổ chức tài trợ cho chuyến về thăm của các em, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức cho các gia đình Việt - Hàn về thăm quê, nhưng đây là lần đầu tiên chỉ dành cho trẻ em. Thế hệ thứ 2 vô cùng quan trọng đối với HQ – khi mà các gia đình đa quốc gia đã trở nên phổ biến. Các em chính là thế hệ sẽ xây dựng đất nước và thắt chặt tình “thông gia” giữa hai nước. Các em cần phải hiểu về đất nước của mẹ để tự hào về dòng máu của mình”.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.