Doanh nghiệp bất động sản tung chiêu để khách hàng xuống tiền

Quốc Hải Thứ tư, ngày 07/06/2023 09:58 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh thanh khoản thị trường vẫn khá ảm đạm, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã tung ra các chính sách ưu đãi "khủng" để hút dòng tiền từ khách hàng.
Bình luận 0
Doanh nghiệp bất động sản tung chiêu kích cầu để hút dòng tiền - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp bất động sản đang tung nhiều ưu đãi "khủng" để hút dòng tiền từ khách hàng. Ảnh: Quốc Hải

Nhiều ưu đãi "khủng" từ chủ đầu tư

Trên thị trường sơ cấp, thời gian qua các chủ đầu tư đã đưa ra nhiều chính sách bán hàng sáng tạo, chủ yếu tập trung vào đưa ra các ưu đãi về tiến độ thanh toán và hỗ trợ lãi suất. Có thể kể đến như: Cho phép đặt cọc 30% đến khi bàn giao nhà; Hỗ trợ lãi suất trong vòng 2 - 5 năm; ân hạn nợ gốc lên đến 24 tháng; Kéo dài thời gian thanh toán lên 3 - 5 năm; Chiết khấu cao lên tới 30 - 50% tổng giá trị hợp đồng khi thanh toán trước...

Chẳng hạn, dự án Legacy Prime (Bình Dương) của Kim Oanh, đơn vị này chiết khấu tới 18% khi thanh toán trước, chỉ yêu cầu thanh toán 55% khi nhận nhà và hỗ trợ lãi suất cho người mua đến khi nhận bàn giao.

Tương tự, dự án West Gate (TP.HCM) của An Gia cũng chỉ yêu cầu thanh toán 30% khi nhận nhà, 65% còn lại thanh toán trong 18 tháng tiếp theo. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng miễn phí tiền quản lý trong 2 năm cho người mua.

Hoặc, dự án Lumiere Boulevard của Masterise, chủ đầu tư cho phép thanh toán chỉ 30% trong 3 năm đầu; hỗ trợ lãi suất 24 tháng và ân hạn nợ gốc 42 tháng.

Ở thị trường phía Bắc, các chủ đầu tư cũng có các chính sách hấp dẫn. Cụ thể, dự án Grand Sunlake (Hà Nội) của Thăng Long Group, đơn vị này chiết khấu từ 6 - 15% cho người mua khi thanh toán trước, đồng thời cũng cam kết cho thuê lại khi nhận nhà.

"Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà trung bình đã giảm xuống khoảng 13,5%/năm trong tháng 4, từ mức cao nhất khoảng 15%/năm vào tháng 1/2023, tuy nhiên, đây vẫn là mức cao và cần giảm hơn nữa để kích cầu mạnh hơn", chuyên gia của SSI Research, khuyến nghị.

Hoặc, dự án Hanoi Melody Residence (Hà Nội) của Hưng Thịnh, đơn vị này chiết khấu 38% cho người mua khi thanh toán trước toàn bộ; ân hạn nợ gốc 24 tháng và hỗ trợ lãi suất; chiết khấu 50% phí quản lý trong 2 năm.

Chủ đầu tư dự án Meraki – Ecopark cũng đưa ra chính sách kích cầu hấp dẫn như: Chiết khấu 18% khi thanh toán trước toàn bộ, áp dụng cho người mua không vay ngân hàng; chỉ yêu cầu cọc 15% tới khi bàn giao và hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc trong 24 tháng áp dụng cho người mua sử dụng khoản vay ngân hàng.

Ở thị trường thứ cấp, có thể kể đến trường hợp OneHousing gần đây đã hợp tác với Techcombank (TCB) cung cấp gói vay mua nhà ưu đãi cho người mua thứ cấp tại một dự án của Vinhomes, với ân hạn gốc 24 tháng và lãi vay chỉ 7%/năm để kích cầu dự án này.

"Đây là một chính sách bán hàng khá mới trên thị trường vì các ưu đãi này thường chỉ áp dụng cho người mua sơ cấp, nhưng hiện nay có thể mở rộng áp dụng cho người mua thứ cấp để kích cầu", chuyên gia của SSI Research, nhận xét.

Các "nút thắt" của thị trường bất động sản vẫn cần thời gian để gỡ

Dù các doanh nghiệp bất động sản đã tích cực kích cầu nhưng trên thực tế thanh khoản của thị trường vẫn còn khá ảm đạm.

Dữ liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tỷ lệ hấp thụ trong quý I/2023 giảm xuống mức thấp kỷ lục 11%. Tổng số giao dịch bất động sản trong quý là 2.700 căn, giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Nhu cầu thị trường vẫn còn trong trạng thái khiêm tốn khi người mua duy trì thái độ "chờ xem", kỳ vọng vào việc giá tiếp tục giảm và lãi suất mua nhà giảm thêm nữa.

Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm, nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản đã được thảo luận và ban hành. Mặc dù những biện pháp này có thể cần thời gian để có hiệu quả rõ ràng hơn, nhưng đã phần nào phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc giải quyết nút thắt cho ngành bất động sản.

Doanh nghiệp bất động sản tung chiêu kích cầu để hút dòng tiền - Ảnh 3.

Sức ép từ nợ trái phiếu vẫn đang rất lớn với các doanh nghiệp địa ốc. Ảnh: Quốc Hải

Theo SSI Research, trong bối cảnh lãi suất giảm sớm hơn dự kiến và được hỗ trợ tích cực hơn của Chính phủ, thời điểm xấu nhất có thể đã qua đối với ngành bất động sản. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù thị trường đang cải thiện, nhưng có thể vẫn còn một số trở ngại nhất định, như: Lãi suất cho vay vẫn cần giảm thêm để kích thích nhu cầu trở lại; hoặc chính sách hỗ trợ cần thời gian để thực sự tác động lên thị trường, đặc biệt là tháo gỡ những nút thắt trong quá trình cấp phép dự án.

"Đặc biệt, rủi ro vỡ nợ vẫn có thể xảy ra với những chủ đầu tư không thể thương lượng được với trái chủ để giãn thời hạn thanh toán hoặc cân đối dòng tiền để trả nợ", SSI Research cảnh báo.

Bởi lẽ, Nghị định 08 đã giúp chủ đầu tư giảm bớt áp lực trả nợ ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hầu hết các trái phiếu được tái cấu trúc thành công đều do các trái chủ tổ chức nắm giữ, trong khi những trái phiếu được bán cho nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang gặp khó khăn trong việc đàm phán.

Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng nhìn nhận, lạm phát và lãi suất tăng cao đang ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người mua nhà.

"Nhà đầu tư trong giai đoạn này khá thận trọng và đang trong trạng thái phòng thủ, chờ đợi. Vì vậy dòng tiền đổ vào mua bất động sản sẽ không nhiều vì chỉ một bộ phận người có sẵn tiền mặt mới tích cực tham gia thị trường", ông Lâm nói.

Vì vậy, để kích cầu thị trường bất động sản, cần có gói tín dụng tiếp cận cụ thể đến khách hàng mới khơi thông được thanh khoản. Ngoài ra cần có chính sách để các doanh nghiệp hiện đang tồn tại phát triển bền vững, trong đó, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng có ý nghĩa rất thiết thực, nhất là trong bối cảnh nhu cầu vay vốn để xoay xở và bổ sung dòng tiền của doanh nghiệp đang tăng mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem