Doanh nghiệp chới với vì không kịp trở tay cho kế hoạch “3 tại chỗ”
Doanh nghiệp chới với vì không kịp trở tay cho kế hoạch “3 tại chỗ”
Quốc Hải
Thứ sáu, ngày 16/07/2021 07:00 AM (GMT+7)
Từ 0h ngày 15/7, TP.HCM chính thức yêu cầu áp dụng "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ), để không đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải “vắt chân lên cổ” chuẩn bị, nhưng vẫn có nhiều DN phải ngậm ngùi dừng sản xuất vì… lực bất tòng tâm.
Sát giờ "G", để kịp chuẩn bị cho kế hoạch "3 tại chỗ", ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo bỏ cả giờ nghỉ trưa chạy xuống nhà máy ở H.Bình Chánh (TP.HCM) thúc đẩy nhanh tiến độ dựng nhà tạm cho công nhân ở lại. Theo ông Vinh, trước mắt DN sẽ mua lều cá nhân, chiếu gối cho hơn 100 công nhân ở tạm trong nhà kho trong khi chờ xây dựng nhà tạm.
"Mình phải xây dựng nhà ở lại bài bản, có khu ăn uống, vệ sinh… đàng hoàng để công nhân nghỉ ngơi. Do mua sắm gấp gáp nên cũng phải chạy khắp nơi cho kịp, giờ thiếu đâu sắm nấy thôi", ông Vinh cho biết.
"Vắt chân lên cổ" lo chỗ ở cho công nhân
Không chỉ có Mỹ Hảo phải chạy đôn chạy đáo, khi mới nhận được thông tin phải lo chỗ ăn ở lại cho công nhân thì DN mới được tiếp tục sản xuất, Công ty 3D Hub Global (Q.Tân Phú, TP.HCM) vội vàng dựng rạp… "đám cưới", kê bàn ăn ngay sân công ty để làm nhà ăn; mua gối, chiếu, mùng mền… cho công nhân ngủ lại.
Bà Lý Thanh Phong, Giám đốc điều hành Công ty 3D Hub Global cho biết, dù đã có kế hoạch từ trước, nhưng chúng tôi chỉ có một ngày để triển khai từ việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký đến mua sắm đồ dùng cho công nhân ở lại, sắp xếp chỗ ở, chỗ ngủ cho công nhân sao cho tươm tất nên gặp không ít khó khăn.
"Dù rất chật vật, nhưng chúng tôi buộc phải tiếp tục sản xuất vì đơn hàng nhiều, đặc biệt là hàng xuất khẩu phải đảm bảo tiến độ cho đối tác", bà Phong nói.
Cũng gấp rút không kém, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (Q.12, TP.HCM) quyết định sử dụng 2 kho vừa mới xây dựng trong nhà máy làm nơi lưu trú cho công nhân.
"Toàn bộ hoạt động nấu nướng được công ty thuê đội nấu chuyên nghiệp bên ngoài để phục vụ công nhân. Song song đó, với nhân viên giao hàng, khi phân phối hàng, họ về lại công ty nhưng chỉ ở bên ngoài, hạn chế tiếp xúc các khu vực khác và phải khử khuẩn cá nhân, phương tiện", ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho hay.
Từ ngày 15/7, doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM muốn hoạt động sản xuất phải đáp ứng điều kiện "ba tại chỗ": Sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc "một cung đường – hai địa điểm", tức vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở và ngược lại...
Còn theo đại diện Công ty CP Sài Gòn Food, hiện DN có 5 nhà máy đang hoạt động tại KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh). Trước yêu cầu "3 tại chỗ" của TP, từ ngày 15/7 công ty sẽ dừng hoạt động 2 nhà máy để lấy chỗ làm nơi ở dã chiến cho khoảng 200 công nhân. Số còn lại, một phần đang bị "kẹt" trong các khu phong tỏa, cách ly; một phần cho tạm nghỉ.
"Với phương án này, nơi ở và làm việc của công nhân sẽ trong một khuôn viên, có hàng rào ngăn giữa khu ở và khu làm việc. Mọi hoạt động của công nhân sẽ bảo đảm khép kín từ chỗ ở đến nhà máy", đại diện Sài Gòn Food, thông tin.
Nhiều DN… chới với, phải dừng sản xuất
Trong khi các DN phải cấp tập chuẩn bị các điều kiện "3 tại chỗ", thì có hàng loạt DN buộc phải tạm ngừng hoạt động vì không đáp ứng được các tiêu chí "3 tại chỗ", đặc biệt là các DN ngành may mặc.
Chẳng đặng đừng mới phải dừng hoạt động nhà máy, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết: "Thời gian quá gấp nên chúng tôi xoay xở không kịp. Bởi, việc duy trì sản xuất tập trung muốn đáp ứng các tiêu chí đề ra không chỉ là vấn đề ăn, ngủ của lao động mà còn kiểm soát dịch bệnh, chi phí duy trì ra sao cũng phải tính toán… Do đó DN tạm dừng hoạt động để nghe ngóng".
Theo ông Quang Anh, các đối tác của công ty phần lớn cũng tạm ngưng hoạt động nên đứt nguồn nguyên liệu dẫn đến việc hoàn thiện các đơn hàng khá khó khăn. Công ty đã đàm phán với đối tác, may mắn là nhiều đơn hàng quốc tế và nội địa cũng đã đồng ý giãn, chậm thời gian giao hàng.
"Nếu tình hình giãn cách tiếp tục kéo dài hơn 2 tuần nữa thì chúng tôi bàn lại phương án, tìm cách bố trí công nhân "3 tại chỗ". Nhưng với điều kiện lượng công nhân làm việc phải đảm bảo công suất bình thường khoảng 50%, còn thấp hơn thì kế hoạch phá sản vì sẽ tốn chi phí quản trị" ông Quang Anh nói.
Tình hình này cũng là khó khăn chung của các DN ngành dệt may, thậm chí ngay cả các DN lớn cũng khó khăn để đáp ứng yêu cầu.
Chẳng hạn, mới đây Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (Q.Bình Tân, TP.HCM) với gần 60.000 lao động phải dừng sản xuất. Đại diện công ty cho biết nhà máy không thể bố trí tất cả lao động ăn ở tại nhà máy bởi số lượng quá lớn, trong khi diện tích nhà xưởng đều lắp máy móc. Công ty đã tính phương án giảm sản xuất, từ đó giảm số lao động ở thời gian TP.HCM áp dụng chỉ thị 16. Tuy nhiên, nếu duy trì sản xuất mức tối thiểu 30%, số người ở lại nhà máy đã hơn 16.000 người. Công ty khó đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt lượng người lớn như vậy trong 10 ngày.
Liên quan đến khó khăn của các DN ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho rằng, các xưởng may hay da giày do đặc thù công việc nên rất đông công nhân, diện tích nhà xưởng không quá lớn nên không thể thực hiện theo quy định "3 tại chỗ" mà TP.HCM vừa ban hành. Do đó, từ ngày 15/7, đa số các DN may tại TP.HCM đều phải tạm nghỉ, đóng cửa nhà máy.
Theo ông Hồng, thực trạng đảm bảo ăn ở an toàn cho công nhân tại DN rất khó, chuyện nhà vệ sinh, chỗ tắm rửa... và bao nhiêu vấn đề khác mà phần lớn DN sẽ không thể thực hiện được. Hơn nữa, nếu chỉ đảm bảo chỗ ở cho khoảng 20-30% số công nhân thì hoạt động sản xuất cũng không hiệu quả. Do đó, phương án duy nhất hiện nay là cố gắng thương lượng với khách hàng để kéo giãn thời gian giao hàng, hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để có thể kinh doanh trở lại.
"Đây là một quyết định khó khăn nhưng không còn cách nào khác. Trước đây DN đã cố gắng hết mình nhưng dịch vẫn còn phức tạp, do đó phải đặt vấn đề an toàn lên trên hết. Thiệt hại chắc chắn sẽ có, nhưng bản thân các doanh nghiệp đều xác định an toàn là trên hết nên đều đồng thuận" , ông Hồng trăn trở.
Để tránh chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" nhưng cần xây dựng cơ chế phù hợp và linh động. Ngoài ra, doanh nghiệp nên ưu tiên hình thức trực tuyến với các cuộc họp, hội nghị, sự kiện.
Song song đó, doanh nghiệp nên tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại nơi làm việc để người lao động yên tâm sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.