Doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận thông tin thay đổi quy định về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gặp khó khi tiếp cận thông tin thay đổi quy định về an toàn thực phẩm
Văn Long
Thứ ba, ngày 07/06/2022 13:32 PM (GMT+7)
Mỗi tháng Văn phòng SPS Việt Nam nhận hàng trăm thông tin về sự thay đổi các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng doanh nghiệp lại khó tiếp cận để thay đổi trong quá trình sản xuất trước khi xuất khẩu nông sản.
Đầu tháng 6 vừa qua, tại tỉnh Lâm Đồng, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam, thuộc Bộ NNPTNT) đã phối hợp cùng Sở NNPTNT, Sở Công Thương, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị Phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP).
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, mỗi năm, thị trường EU hay Trung Quốc có khoảng 1.000 thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy, trung bình 1 tháng, Văn phòng này nhận 100 thông tin về những thay đổi. Vì vậy, nếu muốn tiếp cận và mở rộng thì các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ được những thay đổi để đáp ứng nhu cầu của đối tác.
Điển hình trong Lệnh 248, Lệnh 249, Tổng cục Hải quan Trung quốc đã thay đổi các yêu cầu về nhà xưởng sơ chế, chế biến nông sản để kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm. Các quy định này bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ thì mới xuất khẩu được sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, người sản xuất, các doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, các quy định sản xuất của các thị trường.
Chính vì vậy, Văn phòng SPS Việt Nam đã cùng với các diễn giả, chuyên gia, các viện nghiên cứu cập nhật và cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp.
Các vướng mắc của doanh nghiệp như tổ chức sản xuất, nhà xưởng, trang trại, in mã sản phẩm, biện pháp an toàn thực phẩm, dịch bệnh động thực vật theo các quy định cũng đã được Văn phòng SPS Việt Nam cập nhật và phổ biến.
Ông Tô Quang Dũng - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc (Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết, nhiều năm qua, công ty đã tập trung sản xuất rau thủy canh để cung cấp cho các thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh đó, ông Phúc cũng đang tìm kiếm cơ hội để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và các quốc gia khác.
Tuy nhiên, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng của các thị trường liên tục thay đổi khiến ông Dũng cũng như các cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận rất khó khăn.
Muốn tìm hiểu, tiếp cận được các thông tin trên mất nhiều thời gian và phải thông qua các kênh khác nhau mới có được. Việc Văn phòng SPS tập hợp, cập nhật và cung cấp thông tin cho cá nhân, doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu của thị trường là rất kịp thời.
Ông Ngô Xuân Nam cho hay, với thị trường EU, nếu tìm hiểu kỹ thì chúng ta hoàn toàn có thể dễ dàng xuất khẩu sang thị trường này.
Điển hình như gần đây EU thay đổi mức dư lượng Ethylene Oxide trong sản phẩm mì ăn liền thì doanh nghiệp cần phải nắm được ngay để điều chỉnh trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng quy định của EU. Nếu doanh nghiệp không cập nhật kịp thời sự thay đổi này thì rất dễ bị vi phạm quy định trên.
Trong khi đó, tại thị trường rất lớn là Trung Quốc, Tổng cục Hải quan nước này đã phê duyệt trên 2.000 mã sản phẩm được phép xuất khẩu sang thị trường này. Các doanh nghiệp sau khi đăng ký thành công, dự kiến tháng 6/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ lựa chọn và kiểm tra trực tuyến các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần tổ chức thực hiện sản xuất đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.
Trong thời gian tới, Văn phòng SPS sẽ tiếp tục lựa chọn những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, liên quan trực tiếp đến xuất khẩu nông sản chủ lực để tổ chức các hội nghị nhằm phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong các hiệp định thương mại tự do.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.