Nhiều vướng mắc
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, chỉ tiêu về phốt pho và nitơ trong quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 11:2015 đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Công nhân chế biến thủy sản tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phú. Ảnh: T.Q
Tại buổi làm việc, đại diện 3 bên gồm Bộ NNPTNT, Bộ TNMT và VASEP đã thống nhất phối hợp xây dựng quy chuẩn nước thải cho hai đối tượng nuôi là cá tra và tôm nhằm đảm bảo và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thủy sản phát triển sản xuất và xuất khẩu sản phẩm. |
Cụ thể, về chỉ tiêu phốt pho, theo ông Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng phụ gia này trong quá trình sản xuất chế biến thủy sản nên lượng phốt pho trong nước thải tăng lên. Tuy nhiên, với các công nghệ xử lý nước thải của doanh nghiệp hiện nay, nồng độ phốt pho sau khi xử lý vẫn cao hơn yêu cầu từ 20 - 30mg/l.
Trong khi đó, các nước gần Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Thái Lan cũng đang không quy định về chỉ tiêu phốt pho trong nước thải công nghiệp. Vì vậy, đại diện VASEP kiến nghị bỏ tiêu chuẩn này ra khỏi QCVN 11:2015.
Đối với chỉ tiêu nitơ, theo ông Nam, công nghệ xử lý nitơ và amoni hiện chỉ có phương pháp sinh học, khi hệ vi sinh ở trạng thái trung bình và yếu nên không đạt được yêu cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đa phần hiện nay có quy mô vừa, nhỏ chủ yếu là sơ chế và lượng nước thải không quá lớn, mà đòi hỏi đáp ứng quy chuẩn môi trường quá cao.
Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú cho biết, hệ thống xử lý nước thải của Minh Phú được đầu tư tới hơn 50 tỷ đồng, từng được Bộ TNMT đánh giá là tốt nhất trong ngành thủy sản. Khi Minh Phú đầu tư xây dựng hệ thống này, không xử lý phốt pho nhưng vẫn được Bộ TNMT phê duyệt.
Gần đây, các cơ quan quản lý môi trường lại kiểm tra cả chỉ tiêu phốt pho khiến cho Minh Phú trở tay không kịp. Để đáp ứng chỉ tiêu phốt pho, Minh Phú đã phải thuê nhiều chuyên gia nghiên cứu tìm giải pháp xử lý nhưng chưa có được giải pháp thích hợp.
Theo ông Quang, để xử lý được chỉ tiêu phốt pho đúng theo quy định hiện nay, phải cộng thêm vào mỗi kilôgram thành phẩm thủy sản khoảng 3.000 đồng. Riêng với Minh Phú, mỗi năm sản xuất khoảng 50.000 tấn thủy sản thành phẩm, đem nhân với 3.000 đồng/kg như trên sẽ là một khoản chi phí rất lớn.
"Nước thải thủy sản là nguồn thải công nghiệp chứa phốt pho quan trọng, cần kiểm soát. Việc áp dụng tiêu chuẩn mới sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, có thể kéo dài đến 10 năm như đã từng xảy ra ở các nước Mỹ, Nhật Bản… Do đó, việc kiểm soát cần phải có lộ trình được thông báo và thống nhất với các doanh nghiệp" - PGS-TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam khẳng định.
Sẽ nới lộ trình thực hiện quy chuẩn môi trường
Trước các kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho rằng, dù thông cảm với ngành thủy sản trước áp lực giảm chi phí để cạnh tranh, xuất khẩu, nhưng quan điểm là không đánh đổi lợi ích kinh tế mà hy sinh môi trường. Các quy chuẩn Việt Nam được xây dựng đảm bảo tuân thủ pháp lý thì doanh nghiệp phải tuân thủ để bảo vệ môi trường chung.
Ông Nhân khẳng định, trên cơ sở tham vấn ý kiến nhiều nhà khoa học, Bộ TNMT quyết định giữ nguyên chỉ tiêu nitơ và phốt pho trong quy chuẩn Việt Nam. “Các chỉ tiêu này vẫn được giữ nguyên trong quy chuẩn Việt Nam nhưng sẽ nới lộ trình để các doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi dây chuyền công nghệ” - ông Nhân cho hay.
Đồng ý với quan điểm của lãnh đạo Bộ TNMT, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Tôi đồng ý vẫn phải đưa chỉ tiêu phốt pho vào trong quy chuẩn môi trường, nhưng chúng ta phải rà soát loại để làm sao điều chỉnh cho phù hợp và cần có lộ trình cụ thể để cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản chuẩn bị, áp dụng chỉ tiêu trên, đảm bảo công bằng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giá cạnh tranh với đối thủ”.
Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cần sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước tưới tiêu trong nông nghiệp để có tính tương thích cao với QCVN 62 về nước thải chăn nuôi, nhằm sử dụng nước thải chăn nuôi phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, nuôi thủy sản...
"Chúng ta cần coi nước thải chăn nuôi là nguồn tài nguyên dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng, vì vậy, cần thiết xây dựng được quy chuẩn quốc gia về phân bón truyền thống" - ông Chinh nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.