Đi xuồng vô một khu rừng nổi tiếng vùng Đồng Tháp Mười ở Tiền Giang thấy loài chim hoang dã chân dài

Thứ bảy, ngày 23/11/2024 05:26 AM (GMT+7)
Trong không gian xanh mát và yên bình, đồng loạt hàng trăm con chim hoang dã bay lượn, những tổ chim lúc lỉu trên cành tràm cao vài chục mét...Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) với đặc trưng của vùng đất ngập phèn...
Bình luận 0

Trong không gian xanh mát và yên bình, đồng loạt hàng trăm cánh chim bay lượn, những tổ chim lúc lỉu trên cành tràm cao vài chục mét...Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) với đặc trưng của vùng đất ngập phèn đã gây ấn tượng mạnh với du khách ngay lần đầu tiên đến.

img

Du khách khám phá Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) trên những chiếc xuồng ba lá.

Đắm mình giữa thiên nhiên hoang dã

Cách Mỹ Tho khoảng 30km về hướng Tây Bắc, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười khiến chúng tôi thực sự ấn tượng bởi vẻ đẹp hoang sơ.

Trước khi xuống xuồng ba lá, du khách được trang bị áo phao, nón lá rồi bắt đầu hành trình khám phá. “Dưới lớp rong rêu tảo biển là những đàn cá tung tăng bơi lội. 

Chúng ta chuẩn bị khám phá rừng tràm với những đàn chim chuẩn bị về tổ”, chị Thu, người chèo xuồng cho chúng tôi giới thiệu.

Mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên đang “thay áo mới” khi tiết trời vào thu. Ngay ở bìa rừng, những tán tràm trổ bông trắng xóa; những khóm điên điển vàng rập rờn, những cây dương xỉ uốn cong khoe dáng. 

Giữa cảnh sắc thiên nhiên, từng đàn chim bay rợp, gọi nhau về tổ khiến mọi người “ồ” lên thích thú.

img

Nhiều loài chim hoang dã quý hiếm tại Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Chiếc xuồng ba lá nhẹ khua, đưa chúng tôi tiến sâu vào rừng. Hai bên là rừng tràm rợp bóng, ai cũng nói thật khẽ vì không muốn xáo trộn vẻ yên tĩnh và không gian sống của hàng loạt loài chim nước, động vật hoang dã quý. 

Hàng trăm, hàng ngàn tổ chim, cò đủ loại đung đưa trên ngọn cây, chỉ cách đường đi của chúng tôi vài mét tới vài chục mét. Thi thoảng, mọi người lại bắt gặp từng đàn cá dạn dĩ bơi, những con rùa vàng lên bờ làm tổ… 

“Đây là khu bảo tồn, nên không ai được bắt cá, tôm hay bất kỳ loài vật nào”, chị Thu giải thích. Nếu thích, du khách có thể yêu cầu người chèo xuồng dừng lại để cảm nhận rõ hơn không gian tĩnh lặng và ghi dấu những khoảnh khắc bình dị của thiên nhiên nơi đây.

Sau gần 1 giờ đồng hồ di chuyển trong rừng, chúng tôi trở về bến thuyền. Trời nắng, nhưng không ai cảm thấy mệt vì màu xanh của rừng tràm khiến thời tiết như dịu đi. Mọi người tiếp tục di chuyển tới tháp quan sát cao 18m gần đó, thu vào tầm mắt một khoảng xanh bất tận.

Sau khi tham gia các trải nghiệm, dừng chân trên các chòi gỗ du khách thưởng thức các món ăn dân giã và đặc sản, như: chuột đồng nướng, ốc bươu hấp, cá lóc nướng trui, rau rừng, khóm... do chính người dân bản địa chế biến.

Điểm khám phá thú vị

Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười được thành lập với diện tích vùng lõi là 106,8 ha, có nhiệm vụ quy tập và bảo tồn các loài động, thực vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

Theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn, Khu Bảo tồn đã quy tập được trên 12.000 con chim, cò trú ngụ sinh sản như: cò trắng, cò ngàn, le le, vịt trời, diệc xám, điên điển, trích, quốc...

Đặc biệt, Khu Bảo tồn còn có các loài chim, thú quý hiếm nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: mèo rừng, rùa núi vàng, cần đước, giang sen, già đẫy; các loại lớp thú, bò sát và các loài chim thú đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, như: trăn gấm, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, mèo rừng, nhím...

Theo người dân địa phương, thời điểm chiêm ngưỡng Khu Bảo tồn đẹp nhất là 7-9h sáng, khi đàn chim bắt đầu đi kiếm ăn. Hoặc lúc 17-19h, khi đàn chim kéo nhau về tổ.

Hiện tại, Khu Bảo tồn đã ký hợp đồng liên kết với DN tổ chức khai thác du lịch sinh thái trong vòng 7 năm từ năm 2024 đến năm 2030, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, du khách gần xa có cơ hội trải nghiệm cảnh sắc sông nước rừng ngập mặn.

Giá vé tham quan tại Khu Bảo tồn từ 100.000 - 200.000 đồng/khách, tùy theo dịch vụ du khách yêu cầu như đi xuồng chèo dọc theo các kinh của Khu Bảo tồn hay đi xe đạp dã ngoại, xe điện đến khu lồng chim sinh sản.

Năm 2024, với mục tiêu tiếp tục bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng phục vụ du khách, tỉnh Tiền Giang chủ trương mở rộng thêm vùng đệm rộng 244 ha bên ngoài vùng lõi Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang được thành lập từ năm 2000 với diện tích gần 107ha, gồm 40ha rừng tràm nguyên sinh, 40ha mặt nước.

Vùng đệm xung quanh khu bảo tồn được xác định có diện tích 1.800ha, chủ yếu là rừng tràm. Nơi đây có hệ thống động, thực vật đa dạng phong phú với khoảng 156 loài thực vật, lớp chim 147 loài, lớp cá 34 loài, lớp lưỡng thể 8 loài, lớp côn trùng 30 loài sinh sống và phát triển. Trong đó, số lượng các loài chim đã có hàng vạn cá thể.


Minh Quang (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem