Hồng Phúc
Thứ ba, ngày 06/09/2022 17:56 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp sản xuất mì gói, bún, miến, phở đề xuất tăng giá. Tuy nhiên, Sở Tài chính TP.HCM đã đề nghị các doanh nghiệp cố gắng giữ giá để đồng hành, chia sẻ với TP trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Sở Tài chính TP.HCM vừa cho biết đơn vị này đã có báo cáo UBND TP về việc rà soát giá các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu trên thị trường trước diễn biến giảm giá xăng dầu.
Đáng chú ý, ở nhóm hàng mì gói, Sở Tài chính cho biết qua rà soát, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn có đề xuất tăng giá, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Cụ thể, các doanh nghiệp báo cáo, cơ cấu hình thành giá các sản phẩm mì gói, bún, miến, phở phụ thuộc chủ yếu vào các nguyên liệu chính như bột mì, dầu shortering, gạo, dầu cọ, trấu, than cám chiếm 80% trong cơ cấu giá thành, trong khi chi phí xăng, dầu chỉ chiếm 3%.
Do đó, dù hiện nay giá xăng dầu có giảm nhưng không tác động nhiều đến cơ cấu giá thành. Bên cạnh đó, giá các nguyên liệu chính đã tăng liên tục từ 15-28% so với thời điểm đầu chương trình. Vì vậy, các doanh nghiệp đã đề xuất điều chỉnh tăng giá.
Tuy nhiên, Sở Tài chính cho biết sở và các thành viên tổ công tác đã đề nghị các doanh nghiệp cố gắng giữ giá để đồng hành, chia sẻ với TP trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đều thống nhất không điều chỉnh giá trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến các chi phí nguyên vật liệu đầu vào trong thời gian tới, trường hợp các chi phí này vẫn không thay đổi theo diễn biến của giá xăng dầu và nếu không điều chỉnh giá sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có văn bản báo cáo về Sở Tài chính và Sở Công Thương để xem xét, xử lý theo quy định.
Với mặt hàng gạo, các doanh nghiệp báo cáo, dù quý I và quý II, tình hình thị trường có nhiều biến động với những yếu tố khách quan và bất khả kháng như dịch bệnh, giá xăng dầu có những đợt điều chỉnh giá liên tục đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên với nhiệm vụ góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội, các doanh nghiệp luôn nỗ lực cắt giảm chi phí để giữ nguyên giá bán bình ổn.
Hiện, dù giá xăng dầu có giảm nhưng các khoản chi phí khác như chi phí sản xuất, chi phí bán hàng vẫn đang tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo đang giảm do vụ thu hoạch Đông Xuân kết thúc. Vì vậy, các doanh nghiệp để xuất giữ nguyên giá bán bình ổn đã đăng ký từ đầu chương trình.
Các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm, thịt gia súc, gia cầm cũng cho biết giá xăng chỉ chiếm cơ cấu nhỏ trong giá thành. Trong khi giá nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn tại tăng trong thời gian qua nên việc giảm giá là khó khả thi. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn của TP.HCM đang cố gắng giữ giá ổn định trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.