Doanh nghiệp ngoại lũng đoạn cà phê: Nhiều hệ lụy cho tương lai

Thứ ba, ngày 06/03/2012 17:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, việc các doanh nghiệp nước ngoài đặt cơ sở thu mua cà phê ngay tại vùng nguyên liệu nếu không được kiểm soát tốt, sẽ dẫn đến những hệ lụy lâu dài...
Bình luận 0

Nhập nhèm hình thức đầu tư

Theo tính toán, trên thế giới, doanh thu từ cà phê nhân chỉ chiếm khoảng 16 tỷ USD/năm, trong khi giá trị của cà phê chế biến lên tới hàng trăm tỷ USD/năm. Nhưng tại Việt Nam, mặc dù mỗi năm xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn cà phê, nhưng các loại cà phê chế biến sâu như cà phê bột, hòa tan lại chỉ chiếm chưa tới 10% tổng sản lượng xuất khẩu.

img
Ngành sản xuất cà phê của Việt Nam có nguy cơ bị nước ngoài thao túng bằng giá cả.

Từ “điểm yếu” này của ngành cà phê nước ta, năm 2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định 23 về khuyến khích các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư chế biến sâu, làm gia tăng giá trị cà phê của nước ta. Sau đó, UBND các tỉnh Tây Nguyên cũng có chủ trương thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực này với nhiều ưu đãi.

Tuy nhiên, trên thực tế dù đã chiếm lĩnh một nửa sản lượng cà phê xuất khẩu hàng năm của VN, nhưng các DN FDI vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê thô, mà chưa tập trung đầu tư chế biến sâu như đã cam kết. Tại thủ phủ cà phê Đăk Lăk, đến thời điểm này mới chỉ có một dự án chế biến cà phê hòa tan của Công ty TNHH Cà phê Ngon (Ấn Độ) đặt ở Khu công nghiệp Hòa Phú, nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động.

Một số chuyên gia cà phê nhận định, cà phê nhân là mặt hàng được hoàn thuế giá trị gia tăng, nên các DN nước ngoài cũng được miễn. Trong khi đó, đối với thuế thu nhập DN, không ít công ty sau khi đầu tư vào đã thực hiện việc chuyển giá, báo lỗ, dẫn đến thất thoát một nguồn thuế lớn.

Ông Võ Thanh- Giám đốc Sở Công Thương Đăk Lăk cho biết: “UBND tỉnh và các ngành chức năng đã biết rõ điều này, vì thế trong thời gian sắp tới, chúng tôi chỉ ưu tiên cho DN FDI nào đầu tư chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm có giá trị khác”.

Mất thế chủ động ngay trên sân nhà

Việc xuất hiện của các DN FDI trước mắt đã làm cho giá thu mua cà phê trong nước tăng lên, nông dân được hưởng lợi do sản phẩm ngày càng có giá trị. Song đi cùng những thuận lợi này là không ít lo ngại, nhất là khi các DN này nắm độc quyền thu mua toàn bộ cà phê xuất khẩu của Việt Nam.

Thậm chí, đã có cảnh báo, việc đẩy giá lên cao bất thường, có thể khiến người dân phá vỡ quy hoạch, mở rộng diện tích trồng cà phê, dẫn đến dư thừa sản phẩm. Nhiều nhà xuất khẩu cà phê trong nước còn cho rằng, DN nước ngoài sau khi thu gom cà phê đều tự chế biến, kiểm định, xuất khẩu, đã tạo ra một “lỗ hổng” là chúng ta không kiểm soát được chất lượng như thế nào.

Theo ghi nhận trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, sản xuất cà phê ở nước ta còn rất phân tán, sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo. Như tỉnh Đăk Lăk có 185.000ha cà phê, thì số hộ sở hữu dưới 1ha chiếm đến 69%, từ 1 - 2ha chiếm 24%, trên 2ha chỉ chiếm 7%.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh- Giám đốc Xí nghiệp tư doanh Thương mại Quang Anh (Đăk Lăk) cho biết: “Về lâu dài, DN xuất khẩu phải xây dựng cho mình được vùng nguyên liệu ổn định, trong đó mỗi hộ nông dân chính là một “kho chứa” cà phê của DN xuất khẩu”.

Thực tế cho thấy, việc DN nước ngoài độc quyền thu mua sẽ dẫn đến hệ lụy là khi thị trường tốt, thì họ vào tranh mua, lúc thị trường xấu thì không ai mua. Một khi vùng nguyên liệu đã nằm trong “tay” các DN nước ngoài, rất có thể chính người nông dân cũng bị họ thao túng, ép giá. Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, ông Trần Hiếu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cũng nêu rõ, nếu tình trạng này kéo dài thì các DN nước ngoài sẽ quyết định giá cả, làm cho ngành sản xuất cà phê của VN gặp rất nhiều khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem