Doanh nghiệp tiên phong ứng dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp chia sẻ những khó khăn trong chuyển đối số

Trần Quang Thứ sáu, ngày 03/11/2023 17:03 PM (GMT+7)
Công ty CP Đại Thành (Bắc Ninh) đã giúp bà con tại các tỉnh, thành thay đổi dần phương thức sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ sản xuất thủ công, đến nay bà con nhiều nơi đã biết áp dụng công nghệ cao, thiết bị không người lái phun để thuốc trừ sâu, rải phân, giống qua đó giảm bớt chi phí đầu vào, tăng thu nhập, bền vững hơn.
Bình luận 0

Mới đây, phản hồi với PV Dân Việt, ông Trịnh Viết Chiến, nông dân làm cánh đồng mẫu lớn ở Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết, hiện doanh nghiệp cung cấp máy bay không người lái đã và đang hỗ trợ gia đình rất nhiều trong việc đào tạo, tập huấn và bảo dưỡng thiết bị giúp máy bay không người lái hoạt động ổn định và hiệu quả hơn.

Đam mê công nghệ, sẵn sàng đầu tư nhưng không có khả năng vận hành

Sau Báo điện tử Dân Việt khởi đăng loạt bài: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp, đại diện Công ty CP Đại Thành (Bắc Ninh), một trong những đơn vị tiên phong đưa máy bay nông nghiệp vào sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đã chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt về thực trạng khó khăn, hạn chế trong chuyển đổi số nông nghiệp hiện nay.

Trong đó, việc nông dân còn rất khó khăn trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ, đặc biệt là việc lập trình tự động và xử lý các tình huống kỹ thuật phát sinh là các vấn đề rất điển hình về các trở ngại, khó khăn trong chuyển giao, hỗ trợ nông dân tiếp cận và vận hành công nghệ thiết bị bay nông nghiệp mà công ty gặp phải.

Cụ thể, trường hợp ông Trịnh Viết Chiến (nông dân ở Ninh Bình phản ánh đến Báo điện tử Dân Việt về các khó khăn khi vận hành máy bay không người lái) là nông dân rất điển hình trong tích tụ ruộng đất và áp dụng máy móc công nghệ vào sản xuất ở tỉnh Ninh Bình nói riêng và ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nói chung.

Trước khi tiếp cận thiết bị bay, ông Chiến đã sử dụng máy phun thuốc tự chế cải tiến với 2 bánh lớn để lội ruộng và dùng máy nổ kèm téc thuốc đến 200 lít vận hành rất vất vả, thường xuyên bị sa lầy, thụt bánh phải sử dụng máy bánh xích (máy gặt) để lôi lên; lượng thuốc sả lãng phí, tốn kém và gây nhiều độc hại với người sử dụng, với ông mỗi đợt phun thuốc như là một cực hình với nông dân.

Doanh nghiệp tiên phong ứng dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp chia sẻ những khó khăn trong chuyển đối số- Ảnh 1.

Ông Trịnh Viết Chiến đổ thuốc BVTV vào máy bay không người lái dòng P100 của Công ty CP Đại Thành trên cánh đồng gần nhà ở Hoa Lư (Ninh Bình).

Chính vì vậy, sau hơn 1 năm được tiếp cận việc phun thuốc BVTV thông qua dịch vụ thuê máy bay phun, ông Chiến đã bị thuyết phục ngay với kết quả xử lý phun sâu bệnh hiệu quả, tốc độ nhanh, kịp thời vụ; tiết kiệm nước, thuốc BVTV; chỉ với 1 chiếc smatphone người làm chỉ cần lập trình, gạt nút và đứng theo dõi máy làm việc mà không phải mang vác nặng nhọc hoặc tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phun.

Ông Chiến đã quyết định đầu tư mua máy (loại 16 lít) để tự làm, ngoài phục vụ gần 80 mẫu ruộng của nhà, ông còn tranh thủ nhận làm dịch vụ cho các hợp tác xã và nông dân khác trong và ngoài tỉnh.

Cuối năm 2022, khi có phiên bản máy mới nhất P100, không chỉ phun  thuốc mà còn kiêm thêm sạ giống, rải phân bón, dung tích bình chứa lên đến 40 lít; ông Chiến tiếp tục đầu tư cùng với cháu ruột mua về để ý định mở rộng diện tích tích tụ sản xuất lúa cho gia đình và đẩy mạnh dịch vụ làm thuê trong tỉnh.

Qua 2 vụ lúa (năm 2023) theo dữ liệu giám sát của tài khoản bay, máy P100 của ông đã thực hiện được 1.227 ha diện tích bay làm việc (bao gồm sạ giống, rải phân, phun thuốc), như vậy nếu hạch toán tổng diện tích nhân với giá thuê dịch vụ tối thiểu 400.000 đồng/ha máy đạt hiệu quả doanh thu tương đương gần 500 triệu đồng.

Ngoài chi phí nhân công đi làm, xăng xe, máy phát điện… và đã chi trả tiền thay thế bộ ống nhu động (vật tư tiêu hao) dẫn thuốc hơn 2 triệu; một số chi phí sửa chữa máy phát điện để sạc pin bên ngoài (tự thuê thợ máy sửa). Nếu hạch toán kinh tế, ông Chiến cũng đã thu được gần 3/4n tiền mua máy đã bỏ ra trước đó và nếu tính thêm cả chính sách hỗ trợ của công ty dành cho ông (tặng thêm 02 pin, 01 sạc điện dự phòng trị giá đến 80 triệu) thì cơ bản ông đã thu hồi được vốn đầu tư.

Doanh nghiệp tiên phong ứng dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp chia sẻ những khó khăn trong chuyển đối số- Ảnh 2.

Máy P100 của ông Chiến đang được vận hành bay đi làm nhiệm vụ phun thuốc BVTV.

Kết quả như vậy, nhưng quá trình chuyển giao gặp không ít thách thức trong việc đào tạo, tập huấn, chuyển giao kiến thức, tiến bộ kỹ thuật tới người nông dân.

Đơn cử như trường hợp của ông Trịnh Viết Chiến, dù là nông dân làm cánh đồng mẫu lớn rất điển hình ở Ninh Bình nhưng năng lực tiếp cận các công nghệ mới, nhất là thiết bị tự động, máy bay không người lái còn rất hạn chế. Thậm chí nông dân này còn khó khăn, hạn chế trong việc sử dụng điện thoại thông minh, giao tiếp trên mạng xã hội, truy cập thông tin trên internet.

Do vậy để làm chủ và vận hành một thiết bị công nghệ vốn liên tục được nâng cấp và cập nhận phiên bản phần mềm mới; toàn bộ lập trình tự động và kiểm soát các thông số kỹ thuật chặt chẽ khi vận hành và kết nối tín hiệu vệ tinh, trạm sóng... với ông rất khó khăn, không thể thực hiện được.

Theo quy trình bắt buộc (quy định nhà nước về vận hành thiết bị bay không người lái) người điều khiển, vận hành phải qua đào tạo và được cấp chứng nhận đào tạo là nguyên tắc phải có mới được điều khiển thiết bị. Trước khi bàn giao thiết bị bay cho nông dân, doanh nghiệp cũng yêu cầu buộc các hộ dân mua máy bay phải được đào tạo kiến thức vận hành máy bay và được cấp chứng nhận,vượt qua kỳ sát hạch của công ty (kết hợp sát hành online của hãng sản xuất) mới được bàn giao thiết bị.

Theo yêu cầu bắt buộc từ phía doanh nghiệp, ông Chiến đã cử con gái ruột (sau này đi nước ngoài lao động) và cháu ruột đồng thời là người hợp tác đầu tư mua máy với ông Chiến là anh Trịnh Viết Hưng đi học – đồng thời là người tiếp nhận và vận hành máy.

Tuy nhiên vì lý do bận công việc khác, không có thời gian tiếp tục đồng hành đi phun thuốc bằng máy bay cùng với ông Chiến, anh Hưng đã tự hướng dẫn bay và chuyển giao máy bay cho con rể ông Chiến là anh Phạm Quang Đức vận hành sử dụng (Việc chuyển  giao máy bay về sau khi gặp tình huống không vận hành được, ông Chiến mới thông báo về công ty và nhờ hỗ trợ).

Mặc dù đã nhiều lần yêu cầu ông Chiến cử người vận hành máy mới đi đào tạo để được cấp giấy chứng nhận sử dụng máy bay; nhưng lấy lý do bận thời vụ nên ông chưa bố trí được người đi học;

 "Đây là một phần nguyên nhân để xảy ra những trục trặc khi sử dụng máy: Không kết nối, không nhận trạm, bay ra nhưng lại quay về không sả thuốc. … do không được đào tạo cơ bản nên không thể xử lý kỹ thuật được; Với yêu cầu hỗ trợ người chưa được công ty đào tạo, cấp chứng nhận của khách hàng công ty sẽ từ chối hỗ trợ và yêu cầu dừng bay.…", đại diện Công ty Đại Thành phân tích thêm.

Người đầu tư không có khả năng sử dụng, không hiểu biết về công nghệ lệ thuộc vào người thuê, nhờ người vận hành nên phát sinh các tình huống thay đổi họ không tiếp tục làm dẫn đến bị động, thay đổi người không kịp, không đáp ứng yêu cầu công việc làm lúng túng, dán đoạn kết quả vận hành máy và cũng gây nhiều trở ngại cho đơn vị hỗ trợ đào tạo chuyển giao.

Ngoài vấn đề khó khăn về người vận hành máy, khó khăn do tín hiệu thiết bị khó kết nối, không có mạng.  Đây là một trong các tình huống kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành thiết bị công nghệ số; nguyên nhân phần lớn do hạn chế về trình độ công nghệ khi vận hành thiết bị người điều khiển không đủ kỹ năng xử lý. Do vậy tại thời điểm nhất định có thể phát sinh các tình huống mất tín hiệu điều khiển, không cập nhật phiên bản nâng cấp mới, không cập nhật được bản đồ bay, không có sóng 4G…

Các tình huống phát sinh đột xuất này, nhân viên kỹ thuật công ty có thể hỗ trợ từ xa thông qua điện thoại, Zalo… để hướng dẫn, nhưng do những hạn chế nhất định về khả năng công nghệ nên người điều khiển mất nhiều thời gian xử lý, làm lại nhiều lần theo hướng dẫn kết nối  của nhân viên hỗ trợ kỹ thuật vì vậy có thể sảy ra những tình huống máy bay bị gián đoạn, phải chờ đợi trong quát trình làm việc.

"Đây là các trường hợp cục bộ và sự cố của một thiết bị, một thời điểm, vấn đề cốt lõi là yếu tố kỹ thuật và kỹ năng vận hành của người sử dụng máy phải được khắc phục hoặc cũng có những trường hợp có thể do hạ tâng kết nối của nhà mạng (3G, 4G) tại vị trí làm việc của máy cũng có thể không ổn định, tín hiệu bắt sóng kém hoặc thậm trí không kết nối được 4G", đại diện Công ty Đại Thành nói thêm.

Việc kết nối từ máy bay trạm định vị máy hoặc tín hiệu vệ tinh thực hiện được buộc phải có sóng nhà mạng (4G) ổn định; Các trường hợp khó kết nối tín hiệu để làm viêc tại một số thời điểm nhất định có nhiều cũng có những nguyên nhân khách quan khác tác động như bão từ; tín hiệu vệ tinh yếu; nhà sản xuất đang thực hiện nâng cấp hệ thống… 

Các tình huống tác động làm gián đoạn quá trình làm việc của máy bay như vậy chỉ sảy ra ở những thời điểm gián đoạn cục bộ nhất định sau đó lại bình thường chứ không bị mất tín hiệu hoàn toàn. khi tín hiệu kết nối lại máy vẫn làm việc bình thường.

Đại diện Công ty Đại Thành khẳng định: Chưa kết nối được tín hiệu máy, thiết bị sẽ không kết nối để vận hành được chứ không thể xảy ra việc máy đang bay mất tín hiệu bị rơi máy. Các sự cố kỹ thuật nếu phát sinh, máy có chế độ cảnh báo (với người điều khiển) đồng thời tự động quay về điểm cất hạ cánh an toàn.

Các trường hợp máy bay bị rơi là do nguyên nhân chủ quan của người vận hành máy: Lập bản đồ sai, định vị bản đồ không tránh hết các chướng ngại vật; các cành cây, vật thể bị người khác để trong khu vực đường bay làm việc mà người điều khiển không kiểm tra, quan sát; các lỗi không kiểm tra các khớp nối, ốc, chốt cố  định để bị lỏng, rung lắc, rơi, tuột thiết bị, linh kiện, cánh quạt … của máy trong  quá trình bay làm việc.

Không chỉ riêng máy của ông Chiến (Ninh Bình), trong quá trình sử vận hành thiết bị bay của khách hàng nói chung, công ty luôn thường xuyên trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật từ xa hoặc cử nhân viên kỹ thuật đến trực tiếp khách hàng kiểm tra bảo trì bảo dưỡng tổng thể và hướng dẫn khách hàng tự quản lý lưu kho trong thời gian không làm để đảm bảo tình trạng điện tử (Pin, hệ thống bảng mạch điện tử, máy phát…) luôn được kiểm soát và sẵn sàng làm việc.

"Đến thời điểm hiện tại, ông Chiến đã nhận thức rõ các hạn chế và cử người đi học để công ty hướng dẫn, tập huấn đào tạo bay; nhân viên kỹ thuật của công ty cũng đã hướng dẫn gia đình ông kiểm tra, bảo dưỡng và vận hành máy hoạt động ổn định", đại diện Công ty Đại Thành nhấn mạnh thêm.

Doanh nghiệp tiên phong ứng dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp chia sẻ những khó khăn trong chuyển đối số- Ảnh 3.

Chú thích ảnh: Ông Chiến sử dụng máy P100 đi làm dịch vụ cho các nông dân khác trong vùng.

Đến tháng 11/2023 công ty phát triển hệ thống mạng RTK chất lượng cao trên toàn quốc

Đại diện Công ty Đại Thành cho biết thêm, trong thời gian tới, công ty sẽ quyết liệt kiểm tra, không để tình trạng khách hàng giao máy cho người chưa qua đào tạo, không đủ điều kiện, không được cấp chứng nhận đào tạo vận hành máy; kiên quyết khóa máy, khóa tài khoản bay, dừng bay đối với tất cả khách hàng không tuân thủ yêu cầu này.

Đồng thời doanh nghiệp cũng sẽ triển khai thực hiện sát hạch, đào tạo lại đối với các trường hợp nâng cấp các loại máy, thay đổi hệ thống quản lý, phần mềm nâng cấp máy.

Ngoài hệ thống trạm tín hiệu phục vụ riêng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, Công ty Đại Thành đang thực hiện kế hoạch xây dựng hệ thống mạng RTK chất lượng cao (CORS) được khởi động từ tháng 11/2023 phủ sóng toàn quốc với độ chính xác cao đến từng cm; hệ thống cung cấp sóng định vị cho tất cả các thiết bị tự động không người lái: Drone, robot, hệ thống tự hành, thiết bị điều khiển tự động cho máy cấy, máy làm đất, máy gặt ....

Đây sẽ là giải pháp lớn, lâu dài và tạo hệ thống hạ tầng ổn định ứng dung công nghệ định vị điều khiển tự động cho công nghệ định vị dẫn đường không người lái cho các loại máy móc trong sản xuất nông nghiệp nói chung.

Doanh nghiệp tiên phong ứng dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp chia sẻ những khó khăn trong chuyển đối số- Ảnh 4.

Công ty Đại Thành thực hành đào tạo huấn luyện bay cho học viên.

Là doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, công ty Đại Thành đang phát triển đa dạng các sản phẩm công nghệ cao bên cạnh máy bay không người lái như: Robot phun thuốc, phân bón; robot cắt dọn cỏ; thiết bị định vị dẫn đường chính xác cho các máy nông nghiệp như máy gặt, máy cấy, máy làm đất; phát triển hệ thống trạm tham chiếu dẫn đường CORS …

"Đến nay chúng tôi đã giúp bà con tại các tỉnh, thành thay đổi lớn phương thức sản xuất nông nghiệp. Từ chỉ chỗ sản xuất hướng thức thủ công truyền thống, đến nay bà con ở nhiều vùng đã biết áp dụng công nghệ cao, thiết bị không người lái để phun thuốc trừ sâu, rải phân, giống, qua đó giúp nông dân giảm bớt chi phí đầu vào và tăng thu nhập hơn trước.

Tuy nhiên, để có được thành quả như vậy, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức", đại diện Công ty Đại Thành nói và cho rằng: Chúng tôi thấy một bức tranh sáng, tín hiệu tích cực từ việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.

 Đặc biệt là sức hút công nghệ ngày càng lớn với lực lượng nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, là xu hướng chuyển hóa quan trọng trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai", đại diện Công ty Đại Thành khẳng định.

Thông qua Báo điện tử Dân Việt, đại diện Công ty Đại Thành cũng kiến nghị các bộ ngành liên quan và các tỉnh, thành cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp đồng bộ hạ tầng mạng internet phủ sóng 3G,4G và tiến tới phủ sóng 5G, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Qua đó, giúp bà con nông dân tiếp cận và sử dụng ổn định thiết bị bay không người lái và các thiết bị công nghệ khác thuận lợi và hiệu quả hơn.

Máy bay không người lái hoạt động ổn định hơn

Mới đây, phản hồi với PV Dân Việt, ông Trịnh Viết Chiến, nông dân làm cánh đồng mẫu lớn ở Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết, hiện doanh nghiệp cung cấp máy bay không người lái đã và đang hỗ trợ gia đình rất nhiều trong việc đào tạo, tập huấn và bảo dưỡng thiết bị giúp máy bay không người lái hoạt động ổn định và hiệu quả hơn.

"Trong vụ mùa vừa qua, chúng tôi sản xuất lúa đạt năng suất cao và giảm được rất nhiều chi phí, nhân công, vật tư đầu vào... nhờ sử dụng máy bay không người lái của Công ty Đại Thành", ông Chiến khẳng định.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Hữu Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tỉnh Ninh Bình cho biết, từ khoảng đầu tháng 9/2023 đến nay, ông Trịnh Viết Chiến nói riêng và các nông dân sử dụng máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định và hiệu quả hơn.

Theo ông Ngọc, hiện nay nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang có 5 máy bay không người lái phục vụ việc phun rải hạt giống, phun thuốc trừ sâu, bón phân đều hoạt động hiệu quả.

"Việc sử dụng máy bay không người lái áp dụng vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu. Sắp tới tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân mua sắm thêm máy để làm ruộng đạt hiệu quả cao hơn", Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tỉnh Ninh Bình nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem