Ai cũng sợ vất vả, để rồi khi "con trâu" chết vẫn chưa bàn xong
H.Anh
Thứ tư, ngày 29/09/2021 09:26 AM (GMT+7)
Ví mình như “trâu đi cày", đại diện các doanh nghiệp cho rằng khi doanh nghiệp "ốm" ngân hàng cần phải hỗ trợ. Nhưng kết quả doanh nghiệp "chết" nhưng ngân hàng vẫn báo lãi khủng.
Doanh nghiệp than khó khăn, ngân hàng vẫn kiếm "bẫm"
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel cho biết, đại dịch đã khiến doanh nghiệp "kiệt quệ" bởi lĩnh vực doanh nghiệp ông đang hoạt động là lĩnh vực du lịch – chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch.
Doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất thu nhập gần 2 năm, trong khi đó việc tiếp cận các gói hỗ trợ đặc biệt là các chính sách ưu đãi từ ngân hàng lại không hề dễ dàng.
"Doanh nghiệp đang phải vay tiền, nhưng lĩnh vực du lịch ngân hàng từ chối ngay cho vay, kể cả có tài sản thế chấp. Ngân hàng đặt vấn đề an toàn và lợi nhuận lên hàng đầu, không cho vay. Vì vậy tôi đang phải vay cá nhân với lãi suất 11% để nuôi công ty – mức này rất là cao so với ngân hàng đang huy động. Như thế đâu phải hỗ trợ doanh nghiệp", ông Đạt cho hay.
Cũng theo ông Đạt, lý do của các ngân hàng là "để cho ngân hàng khỏe, không thể yếu chung" và đưa ra bài học năm 2009 về bóng bóng bất động sản, nợ xấu… Ngân hàng có cái lý của ngân hàng, nhưng kết quả doanh nghiệp "chết" nhưng ngân hàng vẫn báo lãi khủng.
"Dòng tiền của doanh nghiệp không có, vẫn phải "nuôi quân" và ngân hàng vẫn thu lãi tiền vay, không bớt đồng nào nên doanh nghiệp rất khó khăn", ông Đặng Quốc Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi chia sẻ với Dân Việt.
Trong buổi đối thoại mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cũng bày tỏ quan điểm ví von: "Doanh nghiệp như trâu đi cày, khi trâu ốm thì người bảo phải cho ăn cỏ, người bảo cho đắp chăn nhưng không ai làm cả. Ai cũng sợ trách nhiệm, sợ vất vả, kết quả thì con trâu chết xong 4 ông vẫn chưa bàn xong.
Tôi là một doanh nghiệp doanh nghiệp, tôi kinh doanh trực tiếp hàng ngày, chúng tôi có trách nhiệm với gia đình của người lao động, 1 tháng không có tiền trả lương cho họ chúng tôi cảm thấy như một kẻ ăn cắp, rất có lỗi. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên phải bảo vệ doanh nghiệp khác, đây là lúc chúng ta cần chia sẻ với nhau
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel
Câu chuyện của doanh nghiệp cũng là chuyện của ngân hàng, các anh kinh doanh tiền, doanh nghiệp vay để đi cày thì cũng để trả lãi ngân hàng. Sản phẩm của ngân hàng là tiền, doanh nghiệp vay để tạo ra sản phẩm của mình, có chuyện thì phải xúm vào giải quyết".
Cũng theo ông Kỳ, đến bây giờ, 16 ngân hàng cam kết thì chỉ 4 ngân hàng thực hiện nghiêm túc việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi trong bối cảnh này thì việc lường trước khó khăn rất khó, nên các ngân hàng đều bảo vệ quyền lợi của chính các ngân hàng.
"Ngân hàng đã được giữ nguồn oxy rồi thì phải chấp nhận chia sẻ để vượt qua đại dịch. Như việc năm vừa rồi ngân hàng lãi cao quá, đặt trong bối cảnh của các doanh nghiệp thì nó vô tình tạo ra sự phản cảm", vị đại diện doanh nghiệp này nói.
Ngân hàng "chạnh lòng"
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, các ngân hàng sẽ "chạnh lòng" trước những phản ánh của doanh nghiệp.
"Chúng tôi biết doanh nghiệp khó khăn nên cũng liên tục kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất, như vừa rồi chúng tôi gọi 16 ngân hàng trực tiếp tới để cam kết giảm lãi suất. Tôi cũng muốn nói rằng việc các ngân hàng giảm lãi là đang làm, cả 16 đơn vị, các doanh nghiệp nói vậy thì các tổ chức tín dụng lại chạnh lòng. Số giảm lãi cam kết từ đợt thứ 4 tới nay là trên 8.600 tỷ", ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng thẳng thắn đặt chia sẻ, một số ngân hàng hiện có lãi so với trước, nhưng lợi nhuận của ngân hàng khác so với doanh nghiệp, doanh nghiệp có doanh thu theo tháng, nhưng ngân hàng là phải đợi lấy lãi. Tình hình kinh tế như hiện nay thì nợ bình thường còn khó thu, nợ xấu thì làm sao thu được? Ngân hàng và doanh nghiệp là cộng sinh, nên ngân hàng rất chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nghiệp khó khăn thì Ngân hàng cũng khó khắn, chỉ là cái khó đến sau mà thôi – theo ông Hùng.
Vị đại diện các ngân hàng cũng bày tỏ băn khoăn trong việc ngân hàng dành nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Hùng phân tích, sau khi dịch từng bước được khống chế thì sẽ có doanh nghiệp cũng như ngân hàng đi vào hoạt động, lúc đó nhu cầu vốn rất tăng. Trong bối cảnh đó thì các doanh nghiệp sẽ rút tiền ra thanh toán, dẫn tới nguồn tiền của các tổ chức tín dụng phải điều khiển. Để đảm bảo khả năng thanh khoản để cho vay tiếp thì lãi suất phải bị điều chỉnh, khó giữ được mặt bằng như hiện nay.
"Tại sao ngân hàng hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, vì toàn bộ khoản đó là dư nợ tại ngân hàng hiện nay, chứ không phải dư nợ cho vay mới. Nghĩa là khi trả lãi cũ thì sẽ được giảm lãi suất, cho nên khi ngân hàng muốn hỗ trợ vay tiếp cũng là khó", ông Hùng nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.