Doanh nghiệp trao tặng tiền, con giống, thức ăn... trị giá trên 190 tỷ đồng cho các địa phương thiệt hại do bão số 3

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 28/09/2024 16:09 PM (GMT+7)
Sáng 28/9, tại TP. Hải Phòng, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố ảnh hưởng sau bão, lũ. Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã trao tặng tiền, con giống, thức ăn... tổng giá trị trên 190 tỷ đồng cho các địa phương bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Bình luận 0

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự, Hội nghị được tổ chức rất kịp thời trong thời điểm người dân tại các tỉnh bị thiệt hại đều đang rất cần sự hỗ trợ về con giống, vật tư, kỹ thuật... nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định sinh kế.

Trao tặng - Ảnh 1.

Sáng 28/9, tại TP. Hải Phòng, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố ảnh hưởng sau bão, lũ. Ảnh: Minh Ngọc

Nuôi trồng thủy sản thiệt hại trên 6.000 tỷ

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, bão số 3 đã làm thiệt nặng nề các khu vực nuôi trồng thủy sản từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại trên 30.000ha, khoảng 6.180 tỷ đồng.

Trước những thiệt hại trên, Cục Thủy sản đã liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu làm lồng bè, con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại.

Đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp đã ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn, con giống chất xử lý cải tạo môi trường nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ với số tiền tương đương trên 90 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, ông Luân kiến nghị các địa phương bị thiệt hại cần khẩn trương huy động nhân lực, tổ chức làm sạch môi trường ở các vùng nuôi bị ngập lụt. Các biện pháp như sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước tại những vùng bị ô nhiễm cần được thực hiện nhanh chóng.

Trao tặng - Ảnh 2.

Lồng bè của người dân khu vực hòn Ông Cụ, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra. Trong ảnh là bà Trịnh Thị Minh Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đi kiểm tra bè mảng bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: Mạnh Trường

Còn theo ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, khảo sát tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 cho thấy nhiều trang trại bị tốc mái, đổ tường, và hệ thống điện cung cấp cho các trang trại bị phá hủy, khiến không thể cung cấp điện kịp thời.

"Đàn vật nuôi không có mái che, gặp mưa nên chết nhiều. Các trang trại ở vùng ngập lụt không kịp di dời vật nuôi do nước lũ dâng nhanh, dẫn đến thiệt hại lớn về gia súc, gia cầm", ông Đăng chia sẻ.

Ngoài ra, các khu vực bị sạt lở, chuồng trại hư hỏng nặng, vật nuôi bị thiệt hại nhiều. Một số vùng còn bị cô lập, cơ sở hạ tầng bị phá hủy khiến việc tiếp cận, đánh giá thiệt hại và thực hiện công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Tính đến 23/9, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã làm thiệt hại trên 25.000 con gia súc và trên 3 triệu con gia cầm.

Trao tặng - Ảnh 3.

Ngày 27/9, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã tới thăm, động viên và trao quà cho các hộ bị thiệt hại do bão số 3 tại huyện Kiến Thụy và quận Dương Kinh (TP. Hải Phòng). Ảnh: NNVN

Ông Đăng đề xuất Bộ NNPTNT trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân bị thiệt hại, bao gồm việc giãn, hoãn, giảm thuế, lệ phí; hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cấp vốn vay để khôi phục sản xuất kinh doanh.

"Đây là thời điểm để ngành chăn nuôi chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Thiên tai là rủi ro, nhưng chúng ta có thể coi đó là cơ hội để tái định hướng ngành. Ví dụ như sau dịch tả lợn châu Phi, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà người chăn nuôi cũng đã thay đổi quan điểm về an toàn sinh học", ông Đăng nhấn mạnh.

Để khôi phục sản xuất thành công, hiệu quả, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường. Đơn vị chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, khử trùng khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, tiêu hủy xác động vật chết sau mưa lũ để giảm thiểu lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng nuô, cũng như việc tiêm phòng vaccine đầy đủ đối với các bệnh phổ biến của từng loại vật nuôi…

Doanh nghiệp hỗ trợ tiền, con giống, thức ăn... giá trị trên 190 tỷ

Là người với hơn 20 năm kinh nghiệm đi biển và nhiều năm nuôi trồng thủy sản nhưng chưa bao giờ ông ông Ngô Hùng Dũng - Giám đốc Công ty Thủy sản Tân An (Quảng Ninh) chứng kiến cơn bão nào khủng khiếp như bão số 3. Chia sẻ về những thiệt hại do bão số 3 gây ra, ông cho biết, Công ty Thủy sản Tân An có 2 đơn vị nuôi trồng thủy sản nhưng sau bão gần như mất trắng, hiện tại chưa có phương án xử lý. Toàn bộ hệ thống nuôi biển của công ty, với khoảng 4.000 tấn hàu đã đến độ thu hoạch cũng đã bị trôi mất hoàn toàn, không thể thu hồi.

Về các biện pháp phục hồi sản xuất, ông Dũng nhấn mạnh điều đầu tiên cần làm là ổn định việc làm cho lao động của công ty. Hiện tại đang là mùa chính thu, sắp bước vào mùa đông nên sự phát triển của tôm, cá chậm hơn so với vụ xuân - hè. Vì vậy, thời điểm này phải "lấy ngắn nuôi dài", nếu doanh nghiệp không tranh thủ thời gian, rất dễ bị lỡ vụ, để càng lâu càng thêm rủi ro.

"Trong bối cảnh này, ai nhanh tay người đó thắng. Người chăn nuôi có thể lựa chọn các sản phẩm ngắn ngày như rong biển hay hàu để khôi phục sản xuất. Thay vì nuôi cá song mất đến 3 năm để thu hoạch, hàu chỉ mất khoảng 6-8 tháng là có thể thu hoạch được", ông Dũng chia sẻ.

Trao tặng - Ảnh 4.

Các doanh nghiệp trao tặng con giống, thức ăn... cho các địa phương bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: Minh Ngọc

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để khôi phục sản xuất, ngày 27/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 100 phân công các bộ ngành phục hồi sản xuất nông nghiệp sau ảnh hưởng nghiêm trọng của Bão số 3.

Để sớm khôi phục sản xuất, tạo nhanh sinh kế cho người dân, địa phương cần chọn đối tượng, chuẩn bị vật tư, thức ăn, vệ sinh môi trường… bắt tay ngay vào tái sản xuất.

Ông cho hay, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, địa phương cần huy động mọi nguồn lực để tranh thủ thời gian phục hồi sản xuất ngay. Thời tiết còn có những biến động nhất định, các dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm... còn nguy cơ rất lớn. Chính vì vậy, dịch bệnh có thể chồng chéo lên ảnh hưởng của lũ bão. Do đó, việc vệ sinh phòng bệnh, an toàn sinh học phải đặt lên hàng đầu. Đây vừa là nhiệm vụ sau bão, vừa là yêu cầu về hệ thống giải pháp trong chăn nuôi.

Thứ trưởng đề nghị, các Cục: Cục Thủy sản, Chăn nuôi, Thú y và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiến hành đánh giá lại thiệt hại và tình hình thực tế để chỉ đạo, tập trung nguồn lực phục hồi cho 2 lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Trao tặng - Ảnh 5.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ phải vào) chứng kiến buổi trao tặng 30 thuyền STP của Tập đoàn STP cho người dân TP. Hải Phòng, ngày 27/9. Ảnh: NNVN

Trước đó, ngày 27/9, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã tới thăm, động viên và trao quà cho các hộ bị thiệt hại do bão số 3 tại huyện Kiến Thụy và quận Dương Kinh (TP. Hải Phòng).

Sau khi khảo sát thực tế, chuyện trò, chia sẻ với bà con, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã cùng với các doanh nghiệp trực tiếp trao tặng hàng chục vạn con giống thủy sản và gia cầm cho người bị thiệt hại với mong muốn giúp đỡ, tạo động lực để người dân sớm ổn định sản xuất.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến động viên bà con mạnh mẽ, sớm đứng dậy tái sản xuất trên đôi chân của mình, thất bại ở đâu đứng dậy ở đó, Nhà nước sẽ luôn bên cạnh, đồng hành và hỗ trợ người dân hết sức có thể.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã trao tặng các tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 3 tiền, con giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất khử trùng... với tổng giá trị trên 190 tỷ đồng.

Trao tặng - Ảnh 6.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ phải sang) chứng kiến buổi trao tặng 1.000 quả phảo HDPE của Công ty TNHH Sản xuất TMDV Đăng Phong cho người dân TP. Hải Phòng, ngày 27/9. Ảnh: NNVN

Trao tặng - Ảnh 7.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi trao tặng thức ăn, con giống cho các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: Minh Ngọc

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho hay, sau những thiệt hại do bão số 3 đã cho nhiều bài học kinh nghiệm, bởi vậy, các trang trại, lồng bè… được xây dựng ở những nơi có nguy cơ thiên tai lớn thì cần phải có những điều kiện, tiêu chuẩn, công nghệ… Vì vậy, ông kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng, hướng dẫn địa phương có quy trình, hạ tầng để ứng phó với những thiên tai khắc nghiệt, điển hình như với bão giật cấp 17.

Ông Nguyễn Đức Thọ cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu chính sách đề xuất Chính phủ hỗ trợ bà con sau thiên tai, để bà con yên tâm khôi phục sản xuất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem