Từ bất cập của Nghị định 02/2017 về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Bộ NNPTNT báo cáo Thủ tướng

Bình Minh Thứ hai, ngày 23/09/2024 13:34 PM (GMT+7)
Ngày 21/9, Bộ NNPTNT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. Trong đó, nêu một số bất cập của Nghị định 02/2017 về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Bình luận 0

Theo Bộ NNPTNT, ngày 9/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, cụ thể:

Hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản

Nghị định số 02/2017 quy định mức hỗ trợ đối với hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản bị thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên mức hỗ trợ chưa chi tiết, đang quy định theo khung giá hỗ trợ đối với từng loại, vì vậy nếu hỗ trợ ở mức thấp nhất của khung thì dẫn đến thấp hơn nhiều so với mức giá đầu vào sản xuất hiện nay (con giống, thức ăn, thuốc thú y...) hoặc so với giá thực tế trong trường hợp người dân bán chạy gia súc, gia cầm khi dịch bệnh xảy ra.

Trong thực tế các tỉnh áp mức hỗ trợ khác nhau cho cùng một loài vật nuôi, vì vậy người dân giáp ranh đã vận chuyển động vật bị bệnh sang tỉnh có mức hỗ trợ cao hơn, làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Tương tự, mức hỗ trợ đối với động vật thủy sản đang thấp hơn nhiều so với mức giá thực tế do giá cả đầu vào sản xuất tăng cao, người dân gặp khó khăn trong phục hồi, tái sản xuất. 

Mặt khác, khó khăn trong việc xác định thiệt hại đối với thuỷ sản, thiếu căn cứ để tính thiệt hại 30 -70%; chưa có mức hỗ trợ sản xuất giống bị thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc quy đổi đơn vị tính tất cả theo ha hoặc m3 hoặc chỉ phân biệt thâm canh/bán thâm canh như trong Nghị định 02 cũng chưa phù hợp do mỗi loài thủy sản có hình thức nuôi đặc trưng riêng, chi phí đầu tư/mật độ nuôi cũng rất khác nhau nên mức độ thiệt hại khi bị tiêu hủy rất khác nhau.

Bộ NNPTNT báo cáo Thủ tướng bất cấp của Nghị định 02/2017 về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh  - Ảnh 1.

Các lồng bè nuôi trồng thủy sản tại Vân Đồn bị bão số 3 phá huỷ. Ảnh: Thu Lê.

Bộ NNPTNT kiến nghị giải pháp: Chính phủ quy định chính sách về hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản bị thiệt hại do dịch bệnh, trong đó quy định cụ thể giá tiền hỗ trợ theo từng loài gia súc, gia cầm tính theo thời gian nuôi hoặc trọng lượng cho các cơ sở có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do phòng, chống dịch bệnh, bổ sung một số loại dịch bệnh động vật nguy hiểm được hỗ trợ. Quy định cụ thể đối tượng cũng như phương án tính thiệt hại đảm bảo khả thi, hiệu quả, đưa chính sách vào cuộc sống.

Ngoài ra, bổ sung hỗ trợ thiệt hại khi tiêu hủy thủy sản làm giống bị bệnh. Đối tượng này khi bị bệnh sẽ tiêu hủy toàn bộ bể nên việc tính mức hỗ trợ khả thi và việc hỗ trợ thật sự có ý nghĩa với người sản xuất. Bên cạnh đó, do thủy sản thương phẩm bị bệnh vẫn có thể tận dụng làm thực phẩm nên chỉ đề xuất hỗ trợ khi tiêu hủy thủy sản mắc bệnh. Đưa ra nhiều định mức hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng và phù hợp với hình thức nuôi (liên quan đến mức đầu tư và mức độ thiệt hại khác nhau) – như vậy sẽ đảm bảo sự công bằng và chính sách hỗ trợ đúng đối tượng cần hỗ trợ.

Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế tại địa phương để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.

Hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất là các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản

Tại Nghị định số 02/2017 chưa có quy định về việc hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do dịch bệnh động vật. Theo quy định tại khoản 9 Điều 27 Luật Thú y, khi dịch bệnh động vật xảy ra tất cả động vật, sản phẩm động vật của bất kỳ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (không có ngoại lệ đối với cơ sở của lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nghiệp) đều thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật. Các tổ chức, cá nhân đều có quyền lợi, trách nhiệm như nhau, bảo đảm công bằng trong thực thi pháp luật giữa các chủ thể tham gia trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống dịch bệnh động vật.

Hiện nay, các đơn vị này tham gia kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tương đối nhiều và đóng góp không nhỏ vào GDP của cả nước, đồng thời góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn của cán bộ chiến sỹ, nhất là khi ngân sách nhà nước hạn hẹp nên mức chi cho bữa ăn còn hạn chế, giá thực phẩm trên thị trường có chiều hướng gia tăng mạnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng và là những hạt nhân phát triển kinh tế của địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trước đây, khi xây dựng Nghị quyết số 42/NQCP ngày 18/6/2019 của Chính phủ, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân. Do đó, tại các Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 và 2254/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đều có quy định hỗ trợ lực lượng vũ trang nhân dân.

Thêm vào đó, hầu hết, các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản của lực lượng vũ trang đều có quy mô vừa và nhỏ, nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh cũng giống như các cơ sở sản xuất. 

Bộ NNPTNT kiến nghị giải pháp: Chính phủ quy định chính sách về bổ sung đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh.

Bộ NNPTNT báo cáo Thủ tướng bất cấp của Nghị định 02/2017 về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh  - Ảnh 2.

Bão số 3 đã tàn phá 3 nhà xưởng của Công ty TNHH Việt Trường (doanh nghiệp thủy sản ở TP. Hải Phòng), thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.

Hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất là các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản

Nghị định số 02/2017 quy định mức hỗ trợ đối với hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nuôi gia súc, gia cầm bị thiệt hại do dịch bệnh. Theo quy định tại khoản 9 Điều 27 Luật Thú y, khi dịch bệnh động vật xảy ra tất cả động vật, sản phẩm động vật của bất kỳ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật. Các tổ chức, cá nhân đều có quyền lợi, trách nhiệm như nhau, bảo đảm công bằng trong thực thi pháp luật giữa các chủ thể tham gia trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống dịch bệnh động vật.

Bộ NNPTNT kiến nghị giải pháp: Chính phủ quy định chính sách về hỗ trợ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm bị thiệt hại do dịch bệnh. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm 4 nhóm: Tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); Tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2); Tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3); và do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 4).

Hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản

- Nghị định số 02/2017 được ban hành từ năm 2017, do vậy mức hỗ trợ đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại do dịch bệnh đang thấp hơn nhiều so với mức giá thực tế do giá cả đầu vào sản xuất (con giống, thức ăn, thuốc thú y...) tăng cao, vì vậy người dân còn gặp khó khăn trong phục hồi, tái sản xuất. Khó khăn trong việc xác định thiệt hại, thiếu căn cứ để tính thiệt hại 30 -70%...(với thuỷ sản); bên cạnh đó chưa có mức hỗ trợ đối với thiệt hại khi sản xuất giống bị thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc quy đổi đơn vị tính tất cả theo ha hoặc m3 hoặc chỉ phân biệt thâm canh/bán thâm canh như trong Nghị định 02 cũng chưa phù hợp do mỗi loài thủy sản có hình thức nuôi đặc trưng riêng, chi phí đầu tư/mật độ nuôi cũng rất khác nhau nên mức độ thiệt hại khi bị tiêu hủy rất khác nhau.

Với các khó khăn nêu trên nên qua hơn 7 năm triển khai, chưa tỉnh nào triển khai được hoạt động hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh thủy sản, nên có thể nói chính sách này không “đến được” với người nuôi trồng thủy sản; chưa hỗ trợ được người nuôi khôi phục sản xuất dù khó khăn, thiệt hại lớn. Chính vì vậy, không khuyến khích được người nuôi thực hiện tốt các hoạt động phòng chống, ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Trên thực tế, ngoài các đối tượng nêu trên, khi dịch bệnh động vật xảy ra tất cả động vật, sản phẩm động vật của bất kỳ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật. Các tổ chức, cá nhân đều có quyền lợi, trách nhiệm như nhau, bảo đảm công bằng trong thực thi pháp luật giữa các chủ thể tham gia trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống dịch bệnh động vật.

Bộ NNPTNT kiến nghị giải pháp: Chính phủ quy định chính sách về hỗ trợ đối với doanh nghiệp (nhỏ và vừa) là kế thừa các quy định tại Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 và Quyết định số 2254/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định đã cân nhắc, lựa chọn các đối tượng để đưa vào đối tượng được hưởng hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Qua rà soát, chưa có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018; Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021: “Không ban hành các chính sách, chế độ, các chương trình, đề án mới khi không cân đối được nguồn”. Có thể thấy, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguy cơ dịch bệnh cao hơn các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI. Khi xảy ra dịch bệnh buộc phải tiêu hủy, các đơn vị này cần được hỗ trợ để bảo đảm, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất và việc áp dụng chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh. Do đó, dự thảo Nghị định không quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI vì phải cân đối nguồn lực, đảm bảo tính khả thi.

Hỗ trợ đối với người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật

 Nghị định số 02/2017 không quy định chính sách hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Chế độ hỗ trợ cho người tham gia công tác phòng, chống dịch đang được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, mức hỗ trợ quy định tại Quyết định này hiện thấp hơn nhiều so với ngày công lao động phổ thông tại địa phương nên khó triển khai, huy động nguồn nhân lực trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng chống dịch (đặc biệt là những người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

Chưa có quy định về chế độ hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật, cụ thể: là người trực tiếp thực hiện một hoặc nhiều các hoạt động sau: (i) Thống kê; xác nhận thiệt hại do dịch bệnh động vật; (ii) Xử lý ổ dịch; lấy mẫu; mổ khám, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật; điều tra, xác minh dịch bệnh động vật; bắt, giữ, vận chuyển, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật; (iii) Tiêm phòng; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để phòng, chống dịch bệnh động vật; (iv) Trực tổ, chốt, trạm để kiểm soát dịch bệnh động vật.. Trong khi đó, tại cấp cơ sở hiện nay, số lượng cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh động vật rất ít, khối lượng công việc lại rất lớn, thậm chí nguy hiểm.

Bộ NNPTNT kiến nghị giải pháp: Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó gồm có các khoản quy định về hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật theo phân công, huy động của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để thực hiện một hoặc nhiều hoạt động sau đây: Thống kê; xác nhận thiệt hại do dịch bệnh động vật; Xử lý ổ dịch; lấy mẫu; mổ khám, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật; điều tra, xác minh dịch bệnh động vật; bắt, giữ, vận chuyển, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật; Tiêm phòng; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để phòng, chống dịch bệnh động vật; Trực tổ, chốt, trạm để kiểm soát dịch bệnh động vật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem