Doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh, ngành sản xuất chip tại Việt Nam hứa hẹn tăng tốc

Tường Thụy Thứ năm, ngày 09/11/2023 12:08 PM (GMT+7)
Dù tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Intel đã gác lại kế hoạch tăng vốn đầu tư tại Việt Nam, vi mạch bán dẫn trong nước vẫn sẽ duy trì đà phát triển và tăng tốc trong những năm tới.
Bình luận 0

Ngày 23/10 tại kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp gồm sản xuất chip bán dẫn, mục tiêu giai đoạn 2025-2030 sẽ đào tạo từ 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành này.

Ngành chip bán dẫn sẽ tăng tốc dù Intel cứ từ từ tại Việt Nam - Ảnh 1.

Sản phẩm chip bán dẫn của Amkor – tập đoàn mới khai trương nhà máy ở Bắc Ninh tháng 10/2023. Ảnh: Amkor

Sau đó, Thủ tướng tham dự và thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn NIC Hoà Lạc vào ngày 28/10. Đây là một phần trong khuôn khổ Lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Hòa Lạc và Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 diễn ra tại đó.

Trung tâm đào tạo thiết kế chip tại NIC Hoà Lạc được hình thành với sự kết hợp giữa các đối tác công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Synopsys, Đại học Arizona, Keysight cùng với Sun Edu, doanh nghiệp được hình thành bởi các chuyên gia đầu ngành người Việt Nam có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn tại Thung lũng Valley (California) và các đối tác trong nước như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) ...

Trong tháng 9, SHTP khai trương Trung tâm Đào tạo Điện tử, Vi mạch bán dẫn (Electronics and Semiconductor Center - ESC).

ESC được hình thành từ 2 trung tâm có tên Đào tạo thiết kế vi mạch SHTP (SHTP Chip Design Center - SCDC) và Đào tạo điện tử quốc tế (International Electronics Training Center - IETC). Vào tháng 8/2022, SHTP hợp tác với Synopsys của Mỹ thành lập SCDC. Trong đó, Synopsys tài trợ các phần mềm của Synopsys trong 3 năm trị giá hàng chục triệu USD để thúc đẩy đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện tử. Tháng 3-2023, SHTP và công ty Sun Electronics có trụ sở tại TP.HCM thành lập IETC để cung cấp các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 2/11 tại Hà Nội, SHTP trao giấy chứng nhận đầu tư dự án "Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Besi Việt Nam" cho công ty BE Semiconductor Industries của Hà Lan để xây nhà máy chip tại SHTP. Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu của dự án này hơn 115 tỷ đồng, tương đương 4,9 triệu USD.

Vừa trước đó, tập đoàn Amkor Technology có trụ sở chính tại Mỹ đã khai trương nhà máy chip bán dẫn lớn nhất của chính Amkor, đặt tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, tỉnh Bắc Ninh.

Ngành chip bán dẫn sẽ tăng tốc dù Intel cứ từ từ tại Việt Nam - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (đứng giữa) tham dự Lễ khánh thành nhà máy Amkor Technology Việt Nam ở Bắc Ninh ngày 11/10/2023. Ảnh: Báo Chính phủ

Tổng vốn đăng ký của dự án Amkor ở Bắc Ninh là 1,6 tỷ USD, cao hơn so với con số 1,5 tỷ USD được "ông lớn" Intel đã rót vào Việt Nam từ khi nhận giấy phép đầu tư lần đầu tiên năm 2006.

Trước khi Amkor khai trương nhà máy Bắc Ninh 1 tháng, công ty chip bán dẫn Hana Micron của Hàn Quốc khánh thành dự án Nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2. Đây là nhà máy thứ 2 của Hana Micron tại Bắc Giang, nâng tổng vốn đầu tư của công ty tại Bắc Giang lên 600 triệu USD.

Đáng chú ý, nhà máy thứ nhất được Hana Micron đưa vào hoạt động mới trong năm 2022. Nhưng để đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, Hana Micron phải nhanh chóng xây dựng nhà máy thứ hai. Chưa hết, lãnh đạo tập đoàn Hàn Quốc này cho biết có kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam trước năm 2025. Nghĩa là sẽ bơm thêm hơn 400 triệu USD vào nữa trong vòng 2 năm tới với số lượng nhân sự mới dự kiến sẽ tuyển là hơn 4.000.

Là một trong những nhà cung cấp của Samsung, Hana Micron đang tăng cường khả năng cạnh tranh ở châu Á bằng cách mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Ngành chip bán dẫn sẽ tăng tốc dù Intel cứ từ từ tại Việt Nam - Ảnh 3.

Sản xuất tại 1 nhà máy của Hana Micron ở Bắc Giang. Ảnh: TTXVN.

Vào tháng 9, ngành chip toàn cầu rất quan tâm đến chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam. Nhà Trắng cũng lên tiếng về việc các công ty Mỹ chuyên về chất bán dẫn như Amkor và Marvell sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Trước đó, Marvell đã công bố kế hoạch thành lập 1 trung tâm thiết kế chip tại TP.HCM với cam kết sẽ nỗ lực hết sức để thu hút nhân tài tới làm việc.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, tập đoàn công nghệ hàng đầu FPT xác định rõ ngành bán dẫn sẽ đóng vai trò quan trọng.

Ngày 15/9, FPT cho biết đã nhận được đơn đặt hàng 67 triệu chip trong năm 2024 và 2025 cho các khách hàng từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử.

Trước đó, FPT đặt kế hoạch cung cấp chỉ 25 triệu chip trên toàn cầu trong 2 năm tới. So với lượng đặt hàng trên, nhu cầu đã tăng gần gấp 3 lần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem